11 mẹo để thắng trong đau đá chốn văn phòng

 

Là một nhân viên làm công việc ở văn phòng, bạn luôn phải đối mặt với những "trò đấu đá" lẫn nhau đúng không nào? Hãy đọc 11 mẹo sau đây để bạn có thể thắng và tránh khỏi những trò đấu đá đó và không làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của bạn.

Chúng ta đều từng ở vào tình thế có một ông sếp hay một đồng nghiệp khiến cuộc sống của bạn trở thành ác mộng. Có thể vì sếp bạn có xu hướng nói dối, hay ông ta có sẵn những đối tượng yêu thích rồi. Cũng có thể là bạn có vấn đề với văn hóa doanh nghiệp, và phải tuân theo chính xác những quy định cứng nhắc của doanh nghiệp đó thì công việc của bạn mới "chấp nhận được". "Đấu đá" chốn văn phòng là khó khăn với tất cả mọi người, và có những người xử lý tốt hơn người khác. Vậy thì sự khác biệt ở đây là gì? Sao lại có những người biết cách giải quyết khó khăn này tốt hơn người khác?

Đây là 11 thứ mà họ biết cách làm, và bạn cũng nên biết.

1. Tâng bốc những người khó tính một chút, và nói rằng họ rất giỏi

Ai cũng thích được nói tốt, nhất là những người khó tính. Họ thích "cái tôi" của họ được tôn lên, thế thì cứ làm vậy đi. Đây chắc chắn là việc đóng giả. Bạn sẽ cho rằng mình không nên hạ mình đến mức đó để hòa hợp với những người rắc rối. Nhưng nếu người đó là sếp bạn thì bạn không còn lựa chọn nào khác. Tôi đã từng ở trong những tình huống mà vài người không cẩn trọng khi nói về những điều họ không thích ở sếp (hay đồng nghiệp). Chuyện kết thúc không có hậu cho họ. Vậy, hãy học cách giả vờ. Việc này nghe không hay, nhưng là điều duy nhất bạn có thể làm để thắng trong các "trò đấu đá" ở văn phòng, đặc biệt nếu đó là cấp trên của bạn.

2. Làm cho ngôn ngữ cơ thể phù hợp với việc đóng giả đó

Hành động thể hiện nhiều hơn lời nói. Có những nghiên cứu thực sự ủng hộ ý kiến này. Nếu một thông điệp được nói ra ("Tôi nghĩ sếp thật tuyệt!") đi cùng với ngôn ngữ cơ thể tiêu cực (đảo mắt, hay gãi mặt), người ta sẽ luôn tin vào hành động. Rất khó để khống chế ngôn ngữ cơ thể vì nó được gắn chặt với cảm xúc của bạn. Bạn phải nỗ lực để nhận biết được cơ thể bạn đang nói gì. Mỉm cười! Gật đầu! Nghiêng đầu! Cười lớn! "Cứ giả đến khi bạn làm được!"

3. Chú ý những người khác

Có thể bạn không giỏi đóng giả. Nhiều người cũng như vậy, nên có thể bạn không biết phải bắt đầu từ đâu. Bạn nên nói gì? Nên hành động ra sao? Nếu bạn thực sự không biết, hãy nhìn xung quanh. Hãy học cách đồng nghiệp của bạn "xử lý" người khó tính. Hãy chú ý đến những đồng nghiệp được nhiều người chấp nhận. Học hỏi họ, và bắt chước những gì họ làm.

4. Nhớ rằng "kẻ địch" của bạn cũng chỉ là con người

Những người khó tính trong văn phòng chính là những đứa trẻ bắt nạt ở sân chơi khi xưa, nay lớn lên và tiếp tục khiến cuộc sống của người khác gặp rắc rối. Có câu rằng "Người bị tổn thương lại làm tổn thương người khác." Hãy thông cảm với họ. Họ chắc chắn là đáng thương, hoặc không thích bản thân mình. Bạn không biết tuổi thơ của họ như thế nào. Nếu họ không biết cách đối xử tử tế hay tôn trọng với người khác, tuổi thơ của họ chắc là tệ lắm. Dù có thể họ cố tỏ thái độ dạy đời, họ lại có lòng tự trọng thấp. Hãy đối xử với họ theo cách bạn muốn mình được đối xử.

5. Cảm ơn và lắng nghe họ

Không ai thích nhận lời phê bình. Bạn bè ở nơi làm việc có thể không chỉ ra cách để bạn tiến bộ, nhưng bạn có thể trông cậy chuyện đó ở một vị sếp khó tính. Phê bình không phải lúc nào cũng tệ. Nó có thể thúc đẩy chúng ta trở thành một người tốt hơn.

6. Tránh xa những cuộc đấu tranh quyền lực

Đa phần, đấu tranh quyền lực là gốc rễ của các "trò đấu đá" chốn văn phòng. Có những người có cái tôi lớn, và nếu hai người như vậy xung đột, chuyện có thể bùng nổ. Thường thì cuộc chiến không phải về chủ đề trước mắt. Họ chỉ đấu tranh để "thắng". Nhiều người tiếp cận xung đột với thái độ "thắng - thua". Thái độ này châm dầu cho ngọn lửa đấu đá và phá hỏng văn hóa của tổ chức. Đừng dính vào việc này nếu bạn không muốn bị "lửa đốt".

7. Cẩn thận chọn người để tin tưởng

Tin người khác không phải lúc nào cũng tốt. Tin tôi đi, tôi biết mà. Hãy ngồi xuống đánh giá mọi người và tính cách của họ. Nghe những lời họ nói, và quan trọng hơn, quan sát hành vi của họ. Bạn phải cảnh giác khi liên quan đến chuyện chia sẻ thông tin, đặc biệt nếu đó là thông tin tiêu cực. Hãy xem mọi người bạn nói chuyện đều có thể là gián điệp sẽ đem thông tin của bạn đến cho kẻ thù. Nghe có vẻ đa nghi, nhưng đó là để tự bảo vệ. Hy vọng là bạn có những người bạn thực sự ở nơi làm việc mà bạn có thể tin tưởng. Nhưng đừng chia sẻ suy nghĩ và cảm giác của bạn lung tung.

8. Tử tế với mọi người

Mật ngọt chết ruồi. Khi người khác chơi xấu bạn, bạn sẽ chuyển sang thế phòng ngự. Bạn sẽ muốn phản công và tiêu diệt người khác như họ đã tiêu diệt bạn. Rõ ràng là việc này không góp phần tạo ra một môi trường văn phòng có tính hỗ trợ. Thay vào đó, hãy tử tế. Hãy đặc biệt tử tế với những người không tử tế với bạn. Cuối cùng bạn sẽ thấy rằng họ sẽ dễ chịu hơn vì bạn chẳng cho họ lý do nào để tấn công bạn cả.

9. Đừng bác bỏ hoặc phê bình - Hãy đặt câu hỏi

Tôi đã thấy việc đó xảy ra nhiều lần, đặc biệt trong các cuộc họp. Khi có người không hài lòng với ai đó, họ có khuynh hướng phê bình chính người đó thay vì phê bình ý kiến của họ. Hãy tách biệt con người khỏi ý kiến của họ. Không phải họ xấu vì bạn không thích những gì họ nói. Thay vào đó, hãy đưa ra câu hỏi về những ý kiến của họ. Những ý kiến hợp lý sẽ dễ được ủng hộ. Nếu người đó không thể đưa ra những dẫn chứng tốt để lý giải tại sao giải pháp của họ tốt hơn, có lẽ họ sẽ thấy rõ vấn đề qua quá trình bạn hỏi.

10. Tạo sự đồng lòng

Như tôi đã nhắc đến ở điều số 6, nhiều người sẽ xem xung đột là trận chiến của ý chí. Thái độ này chỉ làm hỏng không khí chung của văn phòng, và nó làm nảy sinh sự khinh hờn. Thay cho thái độ "tôi đấu với anh", hãy có thái độ "chúng ta". Các bạn cần giải quyết một vấn đề hay hoàn thành một dự án cùng với nhau. Hành động như một đội. Hãy xem bản thân bạn là một thành phần, thay vì là những cá nhân chiến đấu để giành phần thắng. Hãy tìm những việc có thể nhất trí với nhau và tiếp tục xây dựng từ đó lên.

11. Đừng đem thái độ xấu về nhà

Khi mọi người bị căng thẳng trong công việc vì tranh đấu ở văn phòng, rất dễ để nó tràn sang cuộc sống cá nhân của bạn. Bạn có thể xử tệ với vợ chồng, với con cái, hay bạn bè. Họ đâu phải là nguyên nhân căng thẳng nơi văn phòng của bạn. Để vấn đề của công việc ở lại chỗ làm. Đừng lo, chúng sẽ đợi bạn khi bạn quay lại làm việc mà.

Nhớ là đừng để những chuyện "đấu đá" chốn văn phòng có quyền phá hỏng phần còn lại trong cuộc sống của bạn. Hãy khóa nó lại khi bạn về nhà, và hạnh phúc với những gì mình đang có.

 

Nguồn: 2020.meosonghiendai.com

Sưu tầm: Cao Thị Thi - P. HCNS

zalo

Đặt hàng online

zalo