4 bước giúp trẻ vui vẻ nhận lỗi.

 

Nhiều chuyên gia cho rằng, điều quan trọng không phải là bắt trẻ nói lời xin lỗi, mà là giúp trẻ hiểu và thật sự nhận trách nhiệm của lỗi lầm đó. Trẻ em có thể ngần ngại xin lỗi vì nghĩ đó không phải là lỗi của mình.

Dù đã cư xử nghịch ngợm, trẻ vẫn không “xấu” và luôn cần được yêu thương. Nếu được hướng dẫn theo từng bước dưới đây, trẻ sẽ hiểu rõ ảnh hưởng từ những hành động của mình và học cách bù đắp lỗi lầm.

Lùi một bước

Con bạn đang có bất đồng với một đứa trẻ khác và đang cực kỳ tức giận. Thay vì vội vã yêu cầu trẻ xin lỗi, trước tiên bạn hãy giúp trẻ bình tĩnh. Nếu bạn khăng khăng bảo trẻ xin lỗi khi còn đang tức giận, trẻ sẽ không hiểu hành vi của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Khi bắt đầu có sự cảm thông, trẻ sẽ cảm nhận được và hiểu rõ nỗi đau mà mình gây ra cho người khác. Điều này có thể dẫn đến sự hối hận, từ đó giúp trẻ xử lý tốt hơn các cuộc xung đột trong tương lai.

Nếu sự tức giận của trẻ hướng vào bạn – ví dụ trẻ hét lên khi bạn bảo trẻ dọn bàn, việc đáp lại bằng câu “Chúng ta không nói chuyện theo cách đó, con xin lỗi ngay đi” sẽ chỉ làm tình hình thêm tồi tệ. Trẻ cảm thấy khó chịu vì bị la chứ không phải do đã thô lỗ với bạn. Bạn hãy nói điều gì đó như “Con nói vậy làm mẹ rất buồn. Mẹ yêu con, nhưng con ra ngoài vài phút đi rồi hãy quay lại”.

Nhìn lại chính mình

Khi trẻ đã bình tĩnh, bạn có thể nói về cách hành vi của trẻ ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Hãy hỏi những câu giúp trẻ hiểu ra cảm nhận của người khác như “Con sẽ cảm thấy thế nào nếu điều đó xảy ra với con?” Bạn cũng có thể giúp trẻ nhớ lại lúc trẻ ở trong một tình huống tương tự. “Con có nhớ con đã buồn như thế nào khi bạn mắng con? Đó cũng có thể là cảm giác của bạn lúc này.”

Sau đó, bạn cùng trẻ thảo luận để tìm những cách giải quyết các xung đột tốt hơn. Hãy hỏi trẻ “Lúc đó, thay vì làm vậy, con có thể làm khác đi như thế nào?” hoặc “Con nghĩ nếu lần sau gặp chuyện như vậy nữa thì con sẽ làm gì?” để giúp trẻ nghĩ thông suốt những gì đã xảy ra. Nếu trẻ tức giận vì anh trai không chia sẻ và ném đồ chơi khắp phòng, bạn hãy nhắc trẻ rằng “Con có thể đi ra khỏi phòng và nói anh đừng làm vậy.”

Noi gương bố mẹ

Cách cư xử của bố mẹ chính là một trong những phương pháp dạy bảo con hữu hiệu nhất. Con đang nhìn theo những gì bạn làm. Nếu trẻ cắt ngang cuộc nói chuyện của bạn, khiến bạn bực mình và nạt trẻ, sau đó bạn có thể nói, “Mẹ xin lỗi vì đã phản ứng không hay. Lần sau, mẹ sẽ hít thở sâu để bình tĩnh khi mẹ tức giận.” Kiểu xin lỗi này mô phỏng những bước mà bạn đang cố gắng dạy trẻ: nhận trách nhiệm và tìm hướng giải quyết. Khi quá trình được thực hiện lặp đi lặp lại, trẻ sẽ tiếp thu lời nói và ý nghĩa đằng sau chúng.

Bù đắp lỗi lầm

Những hành động cụ thể đi kèm lời xin lỗi sẽ đáng tin hơn đối với trẻ em ở độ tuổi lên 6. Khi trẻ gọi bạn bè bằng những từ không hay, bạn hãy hỏi, “Con nghĩ mình sẽ làm gì để bạn cảm thấy tốt hơn?” Trẻ có thể đề nghị vẽ một bức tranh, trao một cái ôm, hoặc chơi chung đồ chơi. Giống như lời xin lỗi, những cử chỉ này giúp trẻ học cách chịu trách nhiệm sửa chữa những sai lầm của mình.

Tất nhiên, có lúc trẻ vẫn từ chối xin lỗi ngay cả khi bạn đã hướng dẫn trẻ cách phản ứng thích hợp. Bạn có thể không cần bắt ép trẻ làm ngay, một cơ hội xin lỗi khác rồi cũng sẽ đến thôi. Khi trẻ xin lỗi, bạn hãy khen ngợi con bằng cách nói “Con đã làm bạn vui rồi, con thật siêu đấy nhé!” chẳng hạn.

 

Nguồn: blogbomeoi.com

Sưu tầm: Công Trung - NV bảo trì

zalo

Đặt hàng online

zalo