7 phong tục vô cùng thú vị của ngày Tết Nguyên Đán đã bị thất truyền

 

Theo dòng chảy của thời gian và đặc thù của đời sống công nghiệp hóa, nhiều phong tục tập quán hấp dẫn trong ngày Tết Nguyên Đán đang dần bị mai một, quên lãng, chỉ còn là ký ức của Tết xưa.

1. Tục dựng cây nêu ngày Tết

Theo truyền thuyết, cây nêu thường được dựng trước cửa sân nhà với mục đích ngăn không cho lũ quỷ dữ từ biển Đông vào đất liền, xâm lấn nơi cư ngụ của dân chúng. Sau này, theo tín ngưỡng thờ Thần Mặt Trời, cây nêu được coi là cây vũ trụ nối liền đất với trời, tảo trừ những điều xui xẻo của năm cũ. Trong Tết xưa, nhà nào có uy quyền, vị thế nhất thì nhà đó có cây nêu cao nhất. 

Dựng cây nêu ngày Tết

Ngày nay, phong tục dựng nêu trước cửa nhà đã dần mai một (chỉ còn được duy trì ở vùng thượng du Bắc Bộ hay Tây Nguyên), thay vào đó cộng đồng người Việt ta thường chơi cây mai, cây đào hay cây quất trong nhà. 

 

2. Tục gánh nước cầu may ngày Tết

Với mong muốn “Tiền vào như nước”, “của cải như nước non” trong năm mới nên người Việt có tục lệ đi gánh nước vào lúc Giao thừa hoặc sáng sớm mùng 1. Ngày xưa, khi nông nghiệp được đặt lên hàng đầu, các cụ ta luôn tâm niệm “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, thì nước là biểu tượng của sự sinh sôi, tài lộc và sự sống. Vì thế đem đầy nước về nhà ngày đầu năm là để cả năm được no đủ, phát tài phát lộc, sức khỏe dồi dào. 

Gánh nước cầu may ngày Tết

Hiện nay, phong tục thú vị này chỉ còn tồn tại ở một số nơi thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

 

3. Tục Sâu Tết

Tục Sâu Tết (hay còn gọi là tục biếu lễ bố mẹ vợ) là một phong tục văn hóa mang đậm ý nghĩa nhân văn của người Việt Nam. Ngày xưa, khi trai gái trong giai đoạn hứa hôn hay đính hôn, người con rể tương lai phải mang lễ (bánh chưng, rượu, gà, hoa quả và hương vòng) đến biếu bố mẹ vợ. Đây được coi là một lễ tạ ơn gia đình nhà vợ vì đã có công sinh thành, nuôi nấng cho gia đình mình một người dâu hiền, vợ thảo. 

Con rể tương lai kính lễ bố mẹ vợ ngày Tết

Ngày nay, nhiều chàng rể vì mải lao theo guồng quay công việc mà bỏ qua tục lệ này. 

 

4. Tục hát sắc bùa

Hát sắc bùa là một hình thức ca múa nhạc dân gian đặc sắc của vùng Nam Trung Bộ, thường diễn ra vào những ngày Tết hoặc sau Tết.

Một đoàn người gồm cả nam và nữ (nam mang trống cơm, nữ mang “sênh tiền”) và một ông trùm phường đi đến từng nhà để hát những bài hát ca ngợi mùa xuân, ca ngợi chủ nhà và cầu chúc chủ nhà năm mới an lành, tốt đẹp. Chủ nhà mời đoàn hát xông đất cho nhà mình và lì xì cho đoàn. 

Tục hát sắc bùa ngày Tết

Thật đáng tiếc là phong tục này đã bị lãng quên và hiện chỉ còn được duy trì ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

 

5. Tục lạy sống ông bà

Ngày xưa, khi các cụ không có giấy khai sinh thì việc nhớ được ngày tháng năm sinh là rất khó, vì thế với các cụ cứ ngày Tết là tăng thêm một tuổi.  Ngày đầu năm mới, sau khi lễ bái gia tiên, các con  mời cha mẹ ngồi vào hai ghế tựa ở giữa nhà, các con cháu đứng theo thứ tự ngôi thứ từ bề trên xuống bề dưới để chúc Tết, mừng thọ và tế sống ông bà, cha mẹ bằng hai lạy và hai vái. Hành động này thể hiện sự tôn kính của con cháu dành cho bậc sinh thành. 

Tục vái lạy sống ông bà ngày mùng 1 Tết

Tuy nhiên, hiện nay, phong tục này đã được tối giản hóa, con cháu không còn vái lạy ông bà, bố mẹ nữa. 

 

6. Tục dựng mía tía trên bàn thờ

Cây mía có nhiều đốt nhìn giống như chiếc thang, vì thế người Việt quan niệm rằng dựng mía hai bên bàn thờ là bắc thang mời ông bà, tổ tiên đã khuất xuống ăn Tết cùng con, cháu. Ngày nay, còn rất ít gia đình biết và thực hiện phong tục này. 

Tết xưa, người dân mua mía về để dựng trên bàn thờ

 

7. Tục đốt pháo

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

Tiếng pháo nổ râm ran là âm thanh quen thuộc mỗi dịp Tết đến xuân về. Người dân ta quan niệm tiếng pháo có thể làm ma quỷ hoảng sợ, không dám bén mảng tới gia đình mình. Tiếng pháo cũng là âm thanh báo hiệu năm cũ kết thúc, năm mới đã đến. Khi pháo nổ, lòng người cũng rộn ràng theo tiếng pháo.

Đốt pháo ngày Tết

Tuy nhiên, phong tục này đã bị xóa bỏ từ năm 1995 do Chính phủ ra chỉ thị cấm đốt pháo nhằm hạn chế những thiệt hại về của cải, sức khỏe do sản xuất và sử dụng pháo gây ra. 

Xã hội phát triển đồng nghĩa với việc nhiều thuần phong mỹ tục bị lược bỏ song thế hệ trẻ cũng nên tìm hiểu và có ý thức giữ gìn những phong tục tốt đẹp, những giá trị truyền thống của ngày Tết cổ truyền. 

 

Nguồn: ilike.com.vn

Sưu tầm: Vũ Lâm - Tổ Bảo trì 

zalo

Đặt hàng online

zalo