Cân nhắc để “giữ chân” lao động

 

Lương, thưởng Tết luôn nóng vào thời điểm cuối năm. Thực tế, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lao động - việc làm cho rằng: Thưởng Tết hiện nay đã trở thành thông lệ, dù ít hay nhiều đã trở thành nét văn hóa doanh nghiệp, được coi là một trong những chế độ phúc lợi để chăm lo nguồn lực, “giữ chân” người lao động trong bối cảnh cạnh tranh về nguồn lực trên thị trường lao động.

Tiêu chí nào để xét thưởng Tết

Chia sẻ về tình hình thưởng Tết năm nay tại đơn vị, đại diện một doanh nghiệp trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cho biết: 6 tháng đầu năm, chúng tôi hoạt động cầm chừng, lợi nhuận thậm chí suy giảm. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm, đơn vị có thêm nhiều đơn đặt hàng, hợp đồng mới nên tổng kết chung lợi nhuận vẫn giữ được tăng trưởng ổn định.

Ngoài tiền thưởng Tết từ đơn vị, người lao động rất cần sự động viên từ tổ chức Công đoàn để chăm lo cho gia đình đón Tết. Ảnh: L.N

“Mặc dù khó khăn, nhưng đơn vị vẫn cố gắng tính toán, cân đối để tăng mức thưởng Tết cao hơn năm ngoái để động viên người lao động đã cố gắng cùng công ty hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh”, đại diện đơn vị khẳng định.

Báo cáo mới nhất về phúc lợi và thưởng Tết năm 2019 tại Việt Nam do VietnamWorks vừa phát hành dựa trên phản hồi khảo sát của gần 500 chuyên gia nhân sự và 3.400 người tìm việc cho thấy: Chính sách thưởng Tết được nhiều doanh nghiệp lựa chọn vẫn không thay đổi so với năm 2018, đó là: Thưởng theo tình hình kinh doanh của công ty; thưởng theo kết quả công việc; thưởng theo cấp số nhân của tháng lương. Hình thức này cũng đúng như mong đợi của người tìm việc.

Kết quả khảo sát cho thấy, nhìn chung, mức thưởng Tết năm 2018 được các doanh nghiệp áp dụng nhiều nhất là “thưởng theo tình hình kinh doanh của công ty”, và mức thưởng trung bình năm vừa rồi của các doanh nghiệp là khoảng 1 tháng lương. Theo Vietnam Works, tuy “thưởng theo tình hình kinh doanh của công ty” là mức thưởng được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhất trong năm qua nhưng đa số nhân viên cho rằng mức “thưởng theo kết quả công việc” cũng được ưa chuộng tương đương, khi cả 2 đều chiếm 36% số nhân viên mong muốn nhận được.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng người tìm việc có kinh nghiệm làm việc càng cao sẽ càng ưa chuộng “thưởng theo tình hình kinh doanh của công ty” hơn, còn đa số những nhân viên có ít năm kinh nghiệm hoặc mới ra trường lại quan tâm nhiều đến mức “thưởng theo kết quả công việc”.

Theo phân loại ngành nghề, các ứng viên trong các ngành như: Cơ khí, sản xuất, nhân sự, kế toán và hành chính/thư ký dành sự ưa chuộng nhiều nhất cho mức “thưởng Tết theo tình hình kinh doanh của công ty”. Trong khi đó, người tìm việc trong các ngành bán hàng, dịch vụ khách hàng, marketing, IT-phần mềm và xây dựng lại dành sự quan tâm lớn hơn cho mức “thưởng theo kết quả công việc” của chính mình.

Nhận định về bức tranh về lương, thưởng Tết năm 2019, ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, sẽ tương đối sáng sủa, khả quan do tăng trưởng kinh tế đang tương đối ổn định. Mức thưởng có thể bằng hoặc tăng hơn năm 2018 một chút. Theo ông Vinh, doanh nghiệp vẫn sẽ cố gắng giữ chân người lao động trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, cạnh tranh về cả thị trường và mặt tuyển dụng lao động chất lượng cao. Do vậy, muốn người lao động gắn bó lâu dài với mình, doanh nghiệp phải có chế độ lương, thưởng, phúc lợi tốt.

Nhìn lại xu hướng cạnh tranh về nhân lực trên thị trường lao động trong năm 2018, ông Đào Quang Vinh cho biết: Từ đầu năm đến nay, các nhóm ngành sản xuất, xuất khẩu như dệt may, da dày, xuất khẩu, công nghiệp công nghệ cao... vẫn là những nhóm ngành có kết quả sản xuất kinh doanh khá tốt. Thời điểm cuối năm, rất nhiều các doanh nghiệp thuộc những nhóm ngành này vẫn tuyển dụng lao động để hoàn thành các đơn hàng theo đúng tiến độ. Vì vậy, người lao động sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn “điểm đến” nếu thấy lương, thưởng ở đơn vị hiện tại chưa thỏa đáng.

Thưởng Tết: Đánh giá “sức khỏe” của doanh nghiệp

Điều 103 Bộ luật Lao động quy định: “Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

 

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở”.

Cũng theo Báo cáo của VietnamWorks, 64% doanh nghiệp cho biết, sẽ thưởng cao hơn 1 tháng lương cho nhân viên trong dịp Tết năm 2019. Tuy nhiên, từ góc độ ứng viên, có hơn ¼ nhân viên cho biết, sẽ nghỉ việc sau Tết nếu không nhận được mức thưởng Tết như mong đợi. Cụ thể: 82% nhân viên lựa chọn sẽ phản ứng cụ thể nếu không nhận được thưởng Tết như đúng với mong đợi, trong đó 27% lựa chọn sẽ nghỉ việc và xin việc nơi khác có mức thưởng Tết tốt hơn; 55% lựa chọn sẽ cùng đồng nghiệp kiến nghị công ty phải thưởng Tết.

Ông Gaku Echizenya - Tổng Giám đốc của Navigos Group cho rằng: Một chính sách phúc lợi tốt kèm các gói thưởng Tết hợp lý là công cụ hữu hiệu để giữ chân nhân tài và thu hút ứng viên tiềm năng cho doanh nghiệp. Để xây dựng một hệ thống phúc lợi và thưởng Tết hợp lý, các chuyên gia nhân sự trước hết phải am hiểu mong muốn, nguyện vọng của nhân viên, cũng như nắm vững các xu hướng phúc lợi chung của thị trường.

Từ góc độ đại diện cho người lao động, ông Lê Đình Quảng -Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng: Xét từ góc độ luật pháp và trên thực tế, thưởng Tết đến nay đã trở thành nét văn hóa, thông lệ được người lao động đón chờ vào dịp cuối năm. Năm nay, qua nắm tình hình tư tưởng từ người lao động và doanh nghiệp, thưởng Tết được cả người lao động và người sử dụng lao động quan tâm. Tín hiệu khởi sắc từ nền kinh tế, chính sách dành cho người lao động ngày càng được đảm bảo, mức lương tối thiểu dành áp dụng đã tăng so với năm trước nên mức thưởng Tết ít nhất sẽ vẫn bằng năm ngoái, trong đó nhiều doanh nghiệp sẽ tăng.

Tuy nhiên, ông Quảng cũng lưu ý, các doanh nghiệp cũng nên cân nhắc về mức thưởng Tết - bởi mức thưởng đó không chỉ có tác dụng động viên, khuyến khích người lao động sau 1 năm làm việc mà còn là tiêu chí để thu hút lao động xem xét có gắn bó với lâu dài với doanh nghiệp đó hay không, hay sẽ “nhảy việc” ngay sau kỳ nghỉ Tết. Đặc biệt, trong cơ chế thị trường, nhu cầu nhân lực các vị trí luôn sẵn, nên người lao động có quyền lựa chọn chọn nơi làm việc có chế độ phúc lợi tốt hơn.

Nguồn: laodongthudo.vn

Sưu tầm : Thùy Linh - Tổ Hóa

zalo

Đặt hàng online

zalo