Họa từ miệng mà ra

 

Cổ nhân có câu nói nổi tiếng rằng, bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra, nhắc chúng ta luôn cẩn thận với lời ăn tiếng nói.

Chúng ta biết, sử dụng lời ăn tiếng nói là một nghệ thuật cũng là một kỹ thuật cần phải học hỏi và tu luyện mỗi ngày. Dù bạn là ai, khi nói ra một lời nào đó, đều thể hiện rất nhiều về con người của bạn. Lời nói quan trọng đến nỗi, nhiều người còn cho rằng, thà nói ít còn hơn nói nhiều.

Bất hạnh trong cuộc đời, rất nhiều trường hợp lại từ miệng mà ra. Một người khôn ngoan là biết cách dùng lời nói để giúp bản thân mình thành công, tránh được tai họa. Có những khi, thà để trong bụng còn hơn là nói ra với người khác, đặc biệt là 4 trường hợp sau đây.

 

Không nói với người ngoài sự bất mãn của bản thân về người trong gia đình

Cổ nhân dạy rằng, xấu chàng thì hổ ai, điều xấu về người trong nhà thì tốt nhất là đừng nói ra ngoài. Khi gia đình của bạn có những chuyện bất hòa, dù có những khác biệt, dù sai trái, dù là gì đi nữa, chúng ta cũng không nên tùy tiện nói với người ngoài. Kể xấu về các thành viên trong gia đình với người ngoài là bạn đã “gieo mầm” tai họa, hậu quả sẽ rất khó lường.

Nói với người khác về chuyện gia đình chỉ là kiểu vạch áo cho người xem lưng. Khi bạn kể xấu người nào đó, chính người nghe họ sẽ ngay lập tức kể lại sự việc với nhân vật trong câu chuyện bạn vừa kể. Thế rồi chuyện bé xé ra to, hiểu nhầm nhau trong nháy mắt, và sau đó bạn sẽ có thêm cuộc tranh cãi với thành viên trong gia đình của mình mà thôi.

Những mâu thuẫn nội bộ trong gia đình là điều rất khó tránh, do vậy, bạn cần thẳng thắn trao đổi theo cách phù hợp nhất. Hãy tự mình nói chuyện với gia đình để giải quyết mâu thuẫn, chung sống hòa thuận thông qua sự chân thành. Tất cả những mâu thuẫn trong gia đình, hãy sớm tự giải quyết, thay vì đi phàn nàn hay kể lể với người ngoài.

 

Không kể chuyện về quan hệ vợ chồng, đặc biệt là tình tiết riêng tư

Chuyện vợ chồng trong mỗi gia đình được xem là chuyện sau cánh cửa đóng kín, đừng thản nhiên kể cho người ngoài chuyện đã xảy ra giữa bạn và bạn đời của mình, nhất là một số chuyện riêng tư, hãy nhớ rằng đừng bao giờ nói ra. Dù bạn có phàn nàn với người khác về sự bất hạnh của bạn trong hôn nhân, thì những người đó cũng không thể cảm thấy như vậy.

Bạn luôn nói với người khác những điều không tốt về nửa kia của mình, lan truyền thông tin ra xung quanh và gây ồn ào bàn tán, nó sẽ làm trầm trọng thêm mâu thuẫn và nhanh chóng phá vỡ mối quan hệ giữa hai người. Yếu tố nhân quả giữa vợ chồng là do hai người thực hiện và tạo ra với nhau, mọi vấn đề nảy sinh giữa vợ chồng không thể xuất phát từ một phía, không phải một người muốn mà được, càng không thể trông chờ người ngoài can thiệp.

Chuyện vợ chồng một khi đã xảy ra, thì tùy hai người nên tự nói chuyện và hòa giải, nếu không thể tiếp tục thì sau khi cân nhắc kỹ lưỡng mới đưa ra quyết định có nên tiếp tục hay không. Kể chuyện riêng với người thứ ba, chỉ làm cho mối quan hệ của bạn nhanh chóng đổ bể, tiến triển xấu đi mà thôi.

 

Không nói xấu những người mà bạn không ưa mắt

Ngay cả khi bạn ghét ai đó, đừng tấn công họ và cũng đừng nên nói xấu họ. Bạn có thể vì ghét mà hành động nóng vội nhất thời rồi quên sạch sẽ, nhưng lại bị người nghe chuyện này sớm phản bội bạn, họ sẽ nhanh chóng nói cho người kia nghe ngay trong nháy mắt. Nếu bạn cảm thấy ghét hay muốn công kích người khác, bạn không thể cứ tùy tiện nói ra chứ đừng nói đến việc nói chuyện với mọi người, vì không phải ai cũng có thể giúp bạn giữ bí mật.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta phải gặp rất nhiều kiểu người, có những người khiến bạn cảm thấy thoải mái, cũng có người có cùng mục tiêu với bạn, nhưng cũng sẽ có rất nhiều người có quan điểm khác với bạn và những người bạn không thích, không ưa. Do vậy, không cần thiết phải ngồi lê đôi mách, buôn chuyện hay nói xấu ai đó mà bạn thấy khó chịu. Điều đó là hoàn toàn không cần thiết. Hãy đánh giá cao họ và khoan dung với họ, như vậy mới thể hiện được đẳng cấp sống trí tuệ của bạn.

Có thể cũng có một số người không thích chúng ta, họ không ưa nổi chúng ta, nhưng bạn cần hiểu rằng, nhân vô thập toàn, làm sao mọi người có thể giống nhau được?

 

Không phàn nàn về việc được ai đó giúp đỡ quá ít

Giữa con người với nhau, dù là bạn bè hay người thân, khi bạn gặp chuyện, nếu họ không giúp ích gì cho bạn, hoặc giúp bạn quá ít so với kỳ vọng, thì trong tình huống này, bạn không thể nói với người ta rằng họ đã sai hay đang sống quá đáng với bạn.

Bạn biết đấy, lòng tốt dù lớn hay nhỏ cũng đều là lòng tốt. Sự giúp đỡ, dù ít hay nhiều đều rất quý giá. Sự giúp đỡ của người khác dành cho bạn thực tế là vì tình yêu thương chứ không phải nghĩa vụ, chúng ta nên cảm thấy biết ơn thay vì coi đó là điều hiển nhiên. Bạn càng nói với người khác về những điều này, chê bai sự giúp đỡ ít ỏi, oán trách sự không giúp đỡ như đề xuất của bạn, như vậy thì càng tỏ ra bạn chỉ là người vô dụng và vô ơn. Làm thế nào để trong lòng những người đang nghe bạn nói có thể không khinh thường bạn?

Khi ai đó giúp đỡ bạn, bạn vẫn nói với họ rằng họ sai, họ quá đáng, họ không làm tốt, rồi bạn không biết ơn, thì sau này sẽ không ai dám giúp bạn nữa, vì lòng tốt đã không được đền đáp. Lòng người là tương thông, bạn phải ghi nhớ lòng tốt của người khác đối với mình, để đổi lấy tình cảm chân thật hơn.

Giữ tâm sạch thì không mắc sai lầm, giữ miệng đúng lúc thì không gây ra chuyện xấu. Bạn phải chú ý đến trọng lượng trong lời nói của bạn, để sau mỗi câu nói có thể giúp tích đức cho bản thân và giữ lại phước cho bạn.

 

Nguồn: cafebiz.vn

Sưu tầm: Thu Hường - BP. Kho

zalo

Đặt hàng online

zalo