Bảo vệ môi trường bằng công cụ thuế, phí môi trường

Bảo vệ môi trường (BVMT) được thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của các chủ thể có khả năng tác động tiêu cực đến môi trường, cũng như khắc phục các sự cố môi trường.

Việt Nam hiện đã ban hành Luật thuế môi trường và hệ thống phí BVMT đối với một số loại hàng hóa gây ô nhiễm.

Tuy nhiên, do chưa có nghiên cứu đầy đủ về các công cụ kinh tế trước khi ban hành nên quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả về mặt môi trường chưa cao. Bài báo giới thiệu thực trạng việc áp dụng công cụ thuế, phí BVMT tại Việt Nam, các hạn chế và kiến nghị một số giải pháp khắc phục.

Việc tăng, giảm thuế môi trường là nhằm khuyến khích tiêu thụ sản phẩm an toàn về môi trường. Tăng thuế đối với các sản phẩm gây ô nhiễm và giảm thuế hoặc không đánh thuế đối với các mặt hàng thân thiện với môi trường sẽ góp phần cải thiện cung - cầu theo hướng có lợi cho môi trường.

Thuế, phí bảo vệ môi trường có vai trò định hướng hành vi xử sự của các chủ thể tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh theo hướng ngày càng giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các công cụ kinh tế này làm cho các doanh nghiệp có ý thức hơn trong việc tìm các biện pháp nhằm hạn chế tác động bất lợi do hoạt động sản xuất của mình gây ra cho môi trường; quan tâm áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến để giảm bớt xả thải chất độc hại ra môi trường; thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu thay thế nguyên liệu hóa thạch để sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, thay thế các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường.

Thuế, phí BVMT giúp tăng hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên bởi nó tác động trực tiếp đến đến lợi ích kinh tế của các cá nhân doanh nghiệp nên khi tiến hành sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, các chủ thể phải tính đến việc sử dụng nguồn tài nguyên như thế nào là tiết kiệm và hiệu quả nhất mà không ảnh hưởng đến lợi nhuận thông qua việc thường xuyên cải tiến công nghệ, kiểm soát ô nhiễm.

 


Thuế, phí BVMT tạo ra nguồn giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho Nhà nước trong việc quản lý và BVMT


Ngày 15/11/2010, Quốc hội đã thông qua Luật thuế BVMT số 57/2010/QH12, trong đó quy định đối tượng chịu thuế gồm 8 nhóm: Xăng, dầu, mỡ, nhờn; than đá; dung dịch HCFC; túi ni lông; thuốc diệt cỏ (loại hạn chế sử dụng); thuốc trừ mối (hạn chế sử dụng); thuốc bảo quản lâm sản (hạn chế sử dụng); thuốc khử trùng kho (hạn chế sử dụng).

Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2011/NĐ-CP; Nghị định số 69/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 2 Nghị định số 67/2011/NĐ-CP; Nghị định số 01/VBHN-BTC ngày 20/9/2013 của Bộ Tài chính hợp nhất hai Nghị định 67/2011/NĐ-CP và 69/2012/NĐ-CP quy định về đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế BVMT.

Phí môi trường được tính dựa vào lượng chất ô nhiễm thải ra môi trường, mức tiêu thụ nguyên nhiên liệu gây ô nhiễm, tổng doanh thu hoặc tổng sản lượng hàng hóa, lợi nhuận của doanh nghiệp. Hiện nay ở nước ta đang áp dụng một số loại phí như sau:

- Phí vệ sinh môi trường: Là khoản phí trả cho việc thu gom, xử lý rác thải đô thị. Đây là công cụ kinh tế được sử dụng khá sớm. Về cơ bản loại phí này được sử dụng ở khu vực đô thị, mức phí do HĐND cấp tỉnh quy định, do vậy mức phí thu có thể khác nhau phụ thuộc vào từng địa phương.

- Phí BVMT đối với nước thải: Hiện đang được triển khai thực hiện trong cả nước trên cơ sở Nghị định số 25/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/3/2013 nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường từ nước thải và tạo nguồn kinh phí sử dụng cho việc phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường từ nước thải; tổ chức các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường nước.

- Phí BVMT đối với chất thải và phế liệu: Hiện đang được triển khai thực hiện trên cơ sở Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/4/2015 nhằm hạn chế phát sinh chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, sản phẩm thải lỏng, nước thải, khí thải công nghiệp và các chất thải đặc thù khác; BVMT trong nhập khẩu phế liệu và tạo nguồn kinh phí bù đắp một phần chi phí xử lý chất thải.

- Phí BVMT đối với khai thác khoáng sản: Hiện đang được triển khai thực hiện trong cả nước trên cơ sở Nghị định 12/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/02/2016. Nghị định quy định khoản phí được thu trên mỗi đơn vị khoáng sản được khai thác.

Phí áp dụng cho các loại khoáng sản: Đá, fenspat, sỏi, cát, đất, than, nước khoáng thiên nhiên, sa khoáng ti tan, các loại khoáng sản kim loại, quặng apatit, dầu thô và khí thiên nhiên... Phí BVMT đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản nhằm phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại địa phương; khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường tại địa phương.

Mai Anh (TH theo Tạp Chí Giao Thông)

Nguồn: moitruong.com.vn/tai-lieu

Sưu tầm: Thúy Vân – tổ hóa

zalo

Đặt hàng online

zalo