Bảo vệ môi trường: Những vấn đề cấp bách
Để nâng cao vai trò quan trọng của Quốc hội trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường, giám sát thực thi pháp luật bảo vệ môi trường, chiều 9/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Báo Đại biểu nhân dân tổ chức Diễn đàn “Bảo vệ môi trường - Những vấn đề cấp bách”.
Tham dự Diễn đàn có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân Đỗ Chí Nghĩa, cùng đại diện 150 đại biểu Quốc hội, đại diện cho các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước, lãnh đạo, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu tại Diễn đàn
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam đang chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu; làm thay đổi, suy thoái các nguồn tài nguyên, hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Hiệu quả đạt được trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường chưa cao mà nguyên nhân cơ bản do thực thi quản lý và xung đột giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Điển hình trong năm 2016, các vấn đề ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước tại các sông, hồ, các vùng nước ven biển đang diễn biến nghiêm trọng, gây ảnh hưởng sâu sắc tới hình ảnh của đất nước, ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân và an sinh xã hội.
“Người dân Việt Nam trong và ngoài nước phải luôn tâm niệm rằng bảo vệ môi trường không chỉ là bảo vệ cuộc sống của chúng ta hôm nay mà là cả thế hệ mai sau, con, cháu của chúng ta. Tại Nghị quyết Trung ương 4, Khóa 12, ngày 01 tháng 11 năm 2016 của Ban Chấp hàng Trung ương Đảng đã xác định: Không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, gây tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tiến bộ, công bằng xã hội, giữ gìn môi trường sinh thái" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (giữa), Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân (trái)
và Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân Đỗ Chí Nghĩa (phải) chủ trì Diễn đàn
Tại Chỉ thị 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường của Thủ tướng Chính phủ đã xác định bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và nhân dân.
Tuy nhiên ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân còn hạn chế. Nhiều địa phương còn chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường; chưa phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng, người dân. Hệ thống pháp luật, quy chuẩn còn nhiều bất cập, thiếu khả thi; thiếu quy định, tiêu chí, công cụ để sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư, công nghệ sản xuất, xử lý môi trường, kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp...
Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, chúng ta cần giải quyết căn cơ vấn đề môi trường, tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi từ một nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn tài nguyên tự nhiên; vấn đề môi trường và phát triển phải song hành trong từng dự án đầu tư, từng chiến lược, quy hoạch. Bắt nhịp xu hướng của thế giới là nền kinh tế xanh và kinh tế các bon thấp cũng khẳng định mối quan hệ cơ cấu giữa kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường - đặt vấn đề môi trường cần phải đầu tư ngay từ đầu.
Hiện nay các vấn đề môi trường đã được nghị luận thường xuyên tại các kỳ họp của Quốc hội, tuy nhiên nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận chỉ mang tính ngắn hạn, thời vụ, các thông tin về quản lý nhà nước với công tác bảo vệ môi trường cung cấp cho các Đại biểu quốc hội vẫn còn hạn chế. Nhiều vấn đề môi trường cấp bách đang diễn biến phức tạp và cần sự đồng sức, đồng lòng của cả cộng đồng đặc biệt là sự ủng hộ của các Đại biểu quốc hội trong việc đưa ra các giải pháp mang tính dài hạn.
Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân Đỗ Chí Nghĩa
Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân Đỗ Chí Nghĩa cho rằng truyền thông là phương tiện hữu hiệu trong công tác bảo vệ môi trường, là sức mạnh lên án những hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, truyền thông còn nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường; biểu dương những điển hình tiên tiến đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ môi trường, từ đó, lôi kéo, cổ vũ nhiều người cùng ý tưởng chung tay vì môi trường chung. Truyền thông bảo vệ môi trường là việc làm đặc biệt quan trọng và cần thiết.
Báo chí với tư cách là người đưa tin, phản ánh chân thực các sự kiện, hoạt động diễn ra trong đời sống xã hội, trên thực tế, có vai trò định hướng dư luận hết sức quan trọng trong các lĩnh vực, đặc biệt là với các vấn đề về môi trường, nơi mà các ảnh hưởng của nó gây tác động trực tiếp tới sinh hoạt và đời sống của nhân dân.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn
Tại Diễn đàn, các đại biểu Quốc hội cho rằng tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội cần phải được gắn với bảo vệ môi trường bền chặt; một số địa phương, cơ sở sản xuất chưa thật sự quan tâm về môi trường vì chỉ tập trung chạy theo kinh tế mà xem nhẹ công tác giám sát, thanh, kiểm tra bảo vệ môi trường; ngành tài nguyên và môi trường cần chủ động rà soát, xem xét, điều chỉnh các cơ chế tài chính, huy động nguồn lực cho bảo vệ môi trường, nhất là cơ chế huy động trên nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả đúng, trả đủ chi phí xử lý, khắc phục”; “Người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”.
Các nguồn thu từ thuế, phí bảo vệ môi trường phải được đầu tư trở lại cho các hoạt động bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm, cải tạo và phục hồi môi trường. Khi mời gọi đầu tư, kiểm soát công nghệ, kiểm soát môi trường phải được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, thì hoạt động thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý cũng phải song hành.
Nguồn: vea.gov.vn/vn/tintuc/tintuchangngay
Sưu tầm: Thị Hà - KTSX
Bài viết liên quan
- Phụ nữ ngoài 30 nên uống gì đẹp da đẹp dáng giữ mãi tuổi xuân
- 2/9 nên đi đâu chơi ở TPHCM - Top 10 địa điểm cực hot hiện nay
- 2/9 nên du lịch ở đâu dắt nhau đi chữa lành healing tâm hồn
- Lý giải rối loạn điện giải là gì và các cách phòng tránh hiệu quả
- Nước ion kiềm nấu ăn được không khám phá các lợi ích bất ngờ
- Nước điện giải trị bệnh viêm da cơ địa tận dụng sức mạnh tự nhiên
- Các cách kiềm hóa cơ thể bảo vệ sức khỏe ngăn ngừa bệnh tật
- 5 dấu hiệu cơ thể thừa axit và biện pháp cân bằng hiệu quả
- Bí quyết uống nước đúng cách sau khi ăn để bảo vệ sức khỏe
- Các loại nước nên và không nên vào buổi tối cho giấc ngủ ngon
- Bí quyết pha trà bằng nước ion kiềm đặc biệt thơm ngon
- Lợi ích chữa lành nước ion kiềm đối với bệnh viêm đại tràng