Bảo vệ tài nguyên nước: Vượt qua thách thức bằng nhiều biện pháp cụ thể

Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về nguồn nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến an ninh nguồn nước quốc gia. Để bảo vệ tài nguyên nước, Việt Nam cần triển khai nhiều biện pháp đồng bộ.

Trong những năm gần đây, các quốc gia ở thượng nguồn đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng nước trên các sông liên quốc gia, nhất là lưu vực sông Mê Công và lưu vực sông Hồng.

Đặc biệt, hoạt động xây đập, chặn dòng làm thủy điện và chuyển nước sang các lưu vực sông khác đã và đang là nguy cơ trực tiếp làm suy giảm nguồn nước chảy vào Việt Nam, đe dọa an ninh nguồn nước của nước ta. Mặt khác, các hoạt động sử dụng nước để phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia trên thượng nguồn đang gây nguy cơ ô nhiễm, suy thoái nguồn nước của Việt Nam.

Tài nguyên nước của Việt Nam phân bố không đều theo không gian và thời gian, tập trung chủ yếu trong 4-5 tháng mùa mưa chiếm 75-85% tổng lượng mưa hàng năm. Trong khi đó lượng mưa trong mùa khô chỉ chiếm 15-25%. Cộng thêm tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước do hoạt động kinh tế-xã hội chưa được cải thiện, chưa có cơ chế kiểm soát nguồn gây ô nhiễm hiệu quả, các hoạt động khai thác rừng bừa bãi là nguyên nhân dẫn đến suy giảm nguồn nước trên các lưu vực sông vào mùa khô.

Tăng trưởng kinh tế kéo theo nhu cầu khai thác, sử dụng nguồn nước gia tăng, trong khi tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả vẫn phổ biến. Hiện mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 80,6 tỷ m3 nước. Dự báo đến năm 2020 con số này sẽ tăng lên đến 120 tỷ m3, với mức tăng 48%.

Đặc biệt, biến đổi khí hậu sẽ tác động rất lớn đến tài nguyên nước, như lượng mưa diễn biến bất thường, nước biển dâng, tập trung chủ yếu tại Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng. Hiện tượng này đã xuất hiện rõ trong những năm gần đây gây ảnh hưởng nặng nề đến nguồn nước. Cụ thể như hạn hán, thiếu nước năm nào cũng xảy ra trên các lưu vực sông thuộc khu vực Miền Trung, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước những thách thức về tài nguyên nước, để đảm bảo đời sống nhân dân và phát triển bền vững, Việt Nam cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cả trong và ngoài nước, nhằm chủ động nắm bắt diễn biến tình hình, sẵn sàng về thông tin, số liệu, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong nước, với các quốc gia có chung nguồn nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế.

Mặt khác, cần tạo sự sự ủng hộ, đồng thuận giữa các quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh, bảo đảm việc khai thác, sử dụng các nguồn nước liên quốc gia, trước hết là tại lưu vực sông Mê Công và sông Hồng một cách công bằng, hợp lý, không gây hại đáng kể theo nguyên tắc cơ bản của Công ước Liên hợp quốc về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho mục đích phi giao thông thủy, mà Việt Nam với tư cách là thành viên chính thức thứ 31 của Công ước này.

Bên cạnh đó, tập trung đưa Luật Tài nguyên nước thực sự đi vào cuộc sống, bảo đảm việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước quốc gia hiệu quả, bền vững, bảo đảm thực hiện nghiêm các yêu cầu bảo vệ, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, giảm thiểu thấp nhất những tác hại do nước gây ra.

Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, cần sớm có quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản của cả nước. Theo đó, mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Chủ tịch Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước đã yêu cầu Bộ TN&MT sớm triển khai quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước (quy hoạch tài nguyên nước quốc gia), lồng ghép với điều tra cơ bản tài nguyên nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2016. Đây chính là một cơ sở quan trọng để Việt Nam giải quyết đồng bộ các vấn đề phức tạp đang xảy ra, bảo vệ tài nguyên nước cho phát triển bền vững.

 

Nguồn: tnmtnd.hanoi.gov.vn/index

Sưu tầm: Quốc Nhơn – TT. Quang Trung

zalo

Đặt hàng online

zalo