Cần giải pháp răn đe vi phạm an toàn thực phẩm
Trên địa bàn cả nước đã xảy ra hàng trăm vụ việc liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm mỗi năm, nhưng số vụ bị xử lý mạnh tay lại rất hạn chế. Hiện Bộ Y tế đang soạn thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, trong đó đề xuất mức phạt cao hơn nhằm răn đe các trường hợp vi phạm.
Chỉ có 20% số cơ sở vi phạm bị xử lý Theo báo cáo giám sát của Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, trong giai đoạn từ năm 2011-2016, cả nước đã tiến hành kiểm tra hơn 3,3 triệu cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phát hiện gần 680 nghìn cơ sở vi phạm (chiếm 20,3%).
Tuy tỷ lệ vi phạm rất cao nhưng cũng chưa phản ánh hết tất cả các vi phạm liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm. Điều đáng nói, trong số hơn 680 nghìn cơ sở vi phạm, mới chỉ có hơn 136 nghìn cơ sở bị xử lý (chiếm 20,1%), trong đó mức phạt tiền trung bình 200 nghìn đồng/vụ. Nhìn vào con số này có thể thấy rằng, có đến gần 80% số cơ sở vi phạm chỉ bị nhắc nhở và mức xử phạt được đưa ra cũng không có tác dụng răn đe.
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, hoạt động thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm thời gian qua luôn có sự phối hợp chặt chẽ của liên ngành Y tế, Nông nghiệp, Công thương, Công an và UBND các cấp. Do vậy, hiệu quả của hoạt động này ngày càng được tăng cường.
Điển hình, nhiều vụ vi phạm như: Việc ngăn chặn gia cầm nhập lậu, phủ tạng động vật không bảo đảm chất lượng, xử lý các cơ sở sử dụng phụ gia ngoài danh mục, chất cấm trong chăn nuôi... đã được phát hiện kịp thời. Chính công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh, giúp ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, góp phần làm cho thị trường thực phẩm an toàn hơn.
Qua đó giúp thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm, sản xuất thực phẩm trong nước an toàn. PGS.TS Nguyễn Thanh Phong cũng cho rằng, qua báo cáo giám sát của Quốc hội, mức tiền phạt đối với mỗi lần ra quyết định xử phạt rất thấp, bình quân có 200 nghìn đồng/vụ vi phạm. Qua kiểm tra cho thấy, tuyến xã, phường, thị trấn mức xử phạt thường rất thấp, chủ yếu là nhắc nhở. Trong khi theo quy định, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có quyền xử phạt đến 5 triệu đồng; Chủ tịch UBND huyện có quyền phạt đến 50 triệu đồng. “Luật An toàn thực phẩm cho phép xử phạt gấp 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm.
Chẳng hạn một tấn hàng hóa vi phạm có giá trị 1 tỷ đồng thì có thể cho phép xử phạt ở mức 7 tỷ đồng. Nếu chúng ta làm thật nghiêm, mức phạt như vậy là tương đối cao, đủ sức răn đe” - PGS.TS Nguyễn Thanh Phong khẳng định. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhiều lần khẳng định, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm là do xử lý chưa nghiêm, việc thực thi trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương chưa tốt... Sẽ phạt nặng những vi phạm về an toàn thực phẩm Hiện Bộ Y tế đang soạn thảo nghị định khác thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Thời gian qua, việc triển khai thi hành Nghị định 178 đã đáp ứng được yêu cầu thực tế của công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc đấu tranh, phòng chống các hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định 178 đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, không đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, chưa đủ sức răn đe.
Vì vậy, dự thảo Nghị định đang được Bộ Y tế soạn thảo sẽ theo hướng tăng nặng mức phạt chính và bổ sung các hình thức xử phạt. Dự thảo Nghị định được soạn thảo trên cơ sở các quan điểm quy định đầy đủ các hành vi cấm trong Luật An toàn thực phẩm, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đồng thời tuân thủ nguyên tắc một hành vi chỉ bị xử phạt một lần với một đối tượng và không chồng chéo, lặp lại các hành vi đã được quy định trong lĩnh vực khác.
Trong bản dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 51 điều, Bộ Y tế đề xuất, nếu cá nhân và tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động có thời hạn, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả… Các hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả quy định một cách nghiêm minh, chặt chẽ với mức xử phạt cao nhất mà pháp luật cho phép.
Mặt khác, hạn chế quy định hình thức xử phạt cảnh cáo. Trường hợp có quy định hình thức xử phạt cảnh cáo cần quy định rõ cho từng hành vi cụ thể, tách riêng ra khỏi hình thức phạt tiền. Còn đối với một số hành vi vi phạm, mức tiền phạt được áp dụng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật An toàn thực phẩm không quy định mức phạt tối đa mà số tiền phạt được quy định không quá 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm.
Cụ thể, mức tiền phạt bằng 3,5 lần giá trị hàng hóa vi phạm đối với cá nhân và bằng 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm đối với tổ chức... Thực tế, thời gian qua, nhiều bộ luật, luật liên quan đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý an toàn thực phẩm. Thế nhưng, để những điều luật này đi vào cuộc sống, cần sự vào cuộc quyết liệt từ phía cơ quan chức năng. Có như vậy mới mong bảo vệ “mâm cơm” của mỗi người, mỗi nhà ngay từ “gốc”.
Theo Xuân Lộc/hanoimoi.com.vn
Nguồn: laodongthudo.vn
Sưu tầm: Thùy Linh - Tổ hóa
Bài viết liên quan
- Bí quyết giữ đủ nước khi du lịch cho chuyến đi trọn vẹn
- Phụ nữ ngoài 30 nên uống gì đẹp da đẹp dáng giữ mãi tuổi xuân
- 2/9 nên đi đâu chơi ở TPHCM - Top 10 địa điểm cực hot hiện nay
- 2/9 nên du lịch ở đâu dắt nhau đi chữa lành healing tâm hồn
- Lý giải rối loạn điện giải là gì và các cách phòng tránh hiệu quả
- Nước ion kiềm nấu ăn được không khám phá các lợi ích bất ngờ
- Nước điện giải trị bệnh viêm da cơ địa tận dụng sức mạnh tự nhiên
- Các cách kiềm hóa cơ thể bảo vệ sức khỏe ngăn ngừa bệnh tật
- 5 dấu hiệu cơ thể thừa axit và biện pháp cân bằng hiệu quả
- Bí quyết uống nước đúng cách sau khi ăn để bảo vệ sức khỏe
- Các loại nước nên và không nên vào buổi tối cho giấc ngủ ngon
- Bí quyết pha trà bằng nước ion kiềm đặc biệt thơm ngon