Cảnh báo về chất lượng nước tinh khiết đóng chai, đóng bình

Hiện trên thị trường cả nước đang tràn ngập hàng hóa của các cơ sở sản xuất nước tinh khiết. Đây là mặt hàng đã trở nên quen thuộc đối với các cơ quan, doanh nghiệp và gia đình. Tuy nhiên, tình trạng "nhà nhà sản xuất" nước tinh khiết đang liên quan trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng, bởi chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của mặt hàng này đang trở nên đáng lo ngại.

Ở đâu cũng có cơ sở sản xuất nước tinh khiết Sẽ không khó để tìm ra địa chỉ của một cơ sở sản xuất nước tinh khiết, đó là trên nhãn mác của chai nước nhà sản xuất có ghi rất rõ. Hiện tại, thị trường nước uống đóng chai đang ngày càng nở rộ bởi tính tiện lợi khi công sở, trường học, doanh nghiệp, gia đình... là những nơi tiêu thụ mặt hàng này thường xuyên. Do đó, các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai cũng "thi nhau" ra đời. Rất khó thống kê trên cả nước hiện có bao nhiêu nhãn hiệu nước uống đóng chai, song thị trường của mặt hàng này hiện phủ rộng từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến đồng bằng… bởi sản xuất ra mặt hàng này xem ra quá dễ dàng. Theo địa chỉ in trên vỏ bình, chúng tôi đến gần chục cơ sở sản xuất nước uống đóng chai tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh… với yêu cầu làm đại lý phân phối. Tận mắt chứng kiến, nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng chai chỉ gói gọn trong một căn nhà diện tích chật hẹp vừa dùng làm nơi giao dịch và vừa dùng để sản xuất. Tất cả các công đoạn từ bơm, lọc nước, chiết rót, súc rửa bình... nằm trọn trong một gian phòng chỉ vài chục mét vuông. Nơi súc rửa vỏ bình cũng chỉ thấy có những dụng cụ rất sơ sài và không thể đảm bảo vệ sinh. Qua tìm hiểu được biết, nếu muốn đầu tư một dây chuyền sản xuất nước uống đóng chai sẽ không quá phức tạp với vốn đầu từ khoảng 100 triệu đồng trở lên. Sau khi đăng ký với các ngành chức năng với những thủ tục đơn giản là có thể ra đời một cơ sở sản xuất nước uống “tinh khiết”. Theo quy định, sản xuất và kinh doanh mặt hàng nước uống đóng chai phải tuân theo nhiều điều kiện về chất lượng nguồn nước, cơ sở hạ tầng, quy trình công nghệ... Tuy nhiên, quan sát cho thấy khâu chấp hành về cơ sở hạ tầng hiện rất bất cập do hầu hết các hộ gia đình đều tận dụng phòng trống để sản xuất, không tuân theo quy chuẩn phân chia các công đoạn ra thành từng khu riêng, không cách biệt với nhà vệ sinh. Từ chất lượng nước đến vỏ chai, vỏ bình đựng nước Có thể thấy, hầu như trên tất cả các nhãn mác của chai và bình nước tinh khiết bày bán trên thị trường có dòng chữ: …Được sản xuất và xử lý khép kín từ nguồn nước thủy cục, trên dây chuyền hiện đại hoàn toàn tự động theo công nghệ của Mỹ, qua hệ thống trao đổi ion- thẩm thấu ngược RO. Tiệt trùng bằng Ozone, tia cực tím”... Chỉ tiêu chất lượng cũng na ná như nhau, đọc những dòng này, người tiêu dùng cũng chẳng thể hiểu nó có nghĩa như thế nào? Về chuyên môn, hiện các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai được phân cấp quản lý như sau: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trực thuộc Sở Y tế sẽ quản lý các doanh nghiệp lớn, còn các cơ sở nhỏ và hộ gia đình do phòng y tế các địa phương trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, do số lượng cơ sở sản xuất gia tăng quá mạnh nên công tác quản lý nước uống đóng chai đang ở trong tình trạng hầu như thả nổi. Tại tỉnh Đồng Nai, Thanh tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, từ đầu năm 2010 đến nay, đoàn thanh tra của chi cục đã kiểm tra trực tiếp 17 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên toàn tỉnh và hầu hết đều vi phạm. Trong đó, chủ yếu là vi phạm về chấp hành các quy định về cơ sở hạ tầng, quy trình sản xuất, như: các công đoạn sản xuất không được tách biệt; nhiễm vi sinh; mẫu nước có độ pH cao; chỉ số coliform trong mẫu nước cao hơn nhiều lần so với quy định...Trong đợt kiểm tra một số mẫu nước uống đóng chai trong tỉnh sản xuất, cơ quan chức năng đã phát hiện trực khuẩn mủ xanh ở 3 - 4 mẫu nước uống đóng chai của một số cơ sở sản xuất tại Xuân Lộc, Biên Hòa, Cẩm Mỹ... Trực khuẩn mủ xanh đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai gửi đi xét nghiệm từ đầu năm 2010 sau khi một số địa phương khác phát hiện loại vi khuẩn này trong nước uống đóng chai. Theo đó, trong điều kiện thuận lợi, loại vi khuẩn này phát triển mạnh ở các vết thương, vết bỏng; gây nhiễm trùng đường hô hấp kết hợp với các vi khuẩn khác; gây nhiễm trùng các vết thương ở mắt. Từ những vị trí này, trực khuẩn mủ xanh có thể xâm nhập sâu vào cơ thể gây hoại tử vết thương, nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Đa số các chủng trực khuẩn mủ xanh đề kháng nhiều loại kháng sinh làm khó khăn cho việc điều trị. Trực khuẩn mủ xanh là loại vi khuẩn thường gặp trong nhiễm trùng bệnh viện. Chất lượng nước là như vậy, chất lượng vỏ chai, vỏ bình đựng nước cũng đang là vấn đề cần được kiểm soát kỹ. Hiện tại, giá trên thị trường của một bình nhựa loại 21 lít là từ 15000 đồng đến 25000 đồng/cái. Do đó, đa số các cơ sở sản xuất đều sử dụng lại nhiều lần các bình chứa để giảm chi phí. Song kết quả kiểm tra cho thấy, việc súc rửa và tái sử dụng vỏ bình nước tinh khiết chưa đảm bảo, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nhất là trong điều kiện sản phẩm phải vận chuyển đi nhiều cửa hàng hoặc có thể luân chuyển đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, bởi hiện nay, hầu như các nhà xe, đường sắt, hàng không… đều sử dụng các loại chai nước tinh khiết phục vụ khách hàng. Ai dám chắc khâu tái chế, sử dụng lại vỏ đựng sẽ theo một qui trình vệ sinh an toàn vệ sinh. Theo quy định, các loại bình chứa nước uống loại từ 5 lít trở lên được phép tái sử dụng với quy trình ngâm, súc rửa, phơi... khá kỹ lưỡng. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai hiện tại đều súc rửa bình tái sử dụng theo cách thủ công với nước lạnh thông thường, rất hiếm có cơ sở đầu tư dây chuyền súc rửa tự động. Tình trạng này làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và tái nhiễm khuẩn mẫu nước ở mặt hàng nước uống đóng chai. Có thể nói, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các cơ sở sản xuất nước tinh khiết vi phạm hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, đó là do lực lượng chức năng còn mỏng và thiếu. Mức phạt đối với các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai không cao, ví dụ, phạt lỗi vi phạm về cơ sở hạ tầng chỉ từ 300.000 đồng đến 600.000 đồng nên chủ cơ sở "sẵn sàng" chấp nhận để rồi sau đó lại tiếp tục vi phạm. Mặt khác, các cơ sở sản xuất mặt hàng này ra đời và đóng cửa liên tục nên việc theo dõi xử lý không dễ. Hiện tượng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất nước lọc tinh khiết phải được chấn chỉnh ngay, điều này là cần thiết bởi nó mang lại sự an toàn cho sức khỏe của cộng đồng và bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính./..

 

Nguồn: baomoi.com

Sưu tầm: Xuân Vương - XVNT

zalo

Đặt hàng online

zalo