Con người đang quá ỷ lại vào công nghệ?

 

Chúng đang xuất hiện, len lỏi vào trong từng góc cuộc sống của con người, dần khiến con người đang bị lệ thuộc vào công nghệ.

Việc sử dụng công nghệ ngày càng tăng đang làm cho thế hệ ngày nay giảm nhu cầu giải quyết các vấn đề và tích lũy kiến thức.

Điện thoại thông minh

Điện thoại thông minh hay smartphone đang trở thành vật bất ly thân của hàng tỷ người trên thế giới. Đa dạng về chủng loại, kích thước, mẫu mã, chức năng, mỗi chiếc smartphone ngày nay đã có thể tích hợp đủ các tính năng hữu ích cho con người, khiến họ thậm chí không cần bước chân khỏi nhà.  Mỗi chiếc smartphone như một trung tâm thương mại, người dùng có thể vui chơi, giải trí, mua sắm, xem phim, nghe nhạc… Đối với dân văn phòng, smartphone trở thành người trợ lý đắc lực, với nhiều ứng dụng văn phòng, tiện ích thậm chí họ không cần sử dụng đến chiếc máy tính nữa.

Tuy nhiên, việc lạm dụng và phụ thuộc vào smartphone cũng đem lại nhiều hệ lụy. Bà Susan Greenfield - nhà thần kinh học tại Trường Lincoln thuộc Đại học Oxford (Anh) - cho biết việc sử dụng công nghệ ngày càng tăng đang làm cho thế hệ ngày nay giảm nhu cầu giải quyết các vấn đề và tích lũy kiến thức.

Theo nhóm nghiên cứu, việc nhớ tên và ngày tháng không còn quan trọng khi con người dùng điện thoại di động để ghi nhớ lại mà không dùng não để nhớ.

Các nhà nghiên cứu tin rằng việc dành thời gian cho một thế giới công nghệ thông qua màn hình đã thay thế cho việc học, chơi và giao tiếp trong thế giới thực. Sự thay đổi tưởng chừng vô hại này có thể có những ảnh hưởng sâu sắc đến cách chúng ta lập luận.

Công cụ tìm kiếm

Internet đã giúp con người kết nối không giới hạn tới mọi thông tin trên thế giới, và để hỗ trợ việc này các công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo, Bing đã ra đời.

Tuy nhiên, nhiều người lại đang ỷ lại vào những công cụ này thay vì tự trau dồi kiến thức cho bản thân. Có câu nói đùa nhưng giờ đây lại đang ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người đặc biệt là giới trẻ: “Cái gì không biết thì tra Google”. Quả thực, không thể phủ nhận những lợi ích đem lại từ các công cụ tìm kiếm nhưng hệ lụy mà nó đem lại cũng không phải là nhỏ.

Công cụ tìm kiếm khiến con người lười tư duy, đối mặt với những câu hỏi chúng ta đã biết đáp án, nhưng nhiều người lại không đủ tự tin đưa ra câu trả lời ngay lập tức mà việc đầu tiên họ làm là tra Google.

Đây được gọi là thói quen “chối bỏ nhận thức”. Trước đây chúng ta có thể cố gắng tự mình nhớ lại điều gì đó, bây giờ thì không. Khi bao nhiêu thông tin đều nằm sẵn trên smartphone và các thiết bị khác, chúng ta dần trở nên phụ thuộc vào chúng trong cuộc sống hàng ngày.

Công nghệ vượt tầm kiểm soát

Tỷ phú Bill Gates từng nói, “Thói quen ỷ lại là một hòn đá cản bước bạn đến với thành công, muốn làm nên nghiệp lớn, bạn phải đá chúng ra khỏi con đường của mình".

Nhà bác học Albert Einstein đã nói rằng ông  lo sợ ngày mà công nghệ sẽ vượt qua sự tương tác của con người. Thế giới sẽ có một thế hệ của những kẻ ngốc.

Chuyện đạt tới trình độ siêu kỹ thuật bằng việc mang ứng dụng khoa học vào đời sống là niềm tự hào, tự mãn của con người. Song chúng ta đã không lường được rằng, mức độ kiểm soát, quản lý những sản phẩm kỹ thuật cao do chính chúng ta tạo nên ngày càng có xu hướng thoát khỏi tâm trí chúng ta, do thói quen tự mãn ấy, khiến chúng ta ngày càng phụ thuộc một cách nô lệ vào chúng.

Trong những câu chuyện hay bộ phim giả tưởng người ta đã tưởng tượng tới cuộc chiến giữa con người với máy móc, mà điều kỳ lạ đặc biệt là những thứ máy móc đó được điều khiển bởi một hệ thống máy tính kết nối với một phần mềm hoàn hảo như trí tuệ nhân tạo từng được nghiên cứu để phục vụ con người. Nhà khoa học Thomas Linkel, tới từ trường ĐH NewYork đã khẳng định, với tiến bộ của khoa học công nghệ, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu kỷ nguyên tiếp theo là thế giới của công nghệ.

Nhưng thử nghĩ xem, nếu một ngày chúng ta không thể kiểm soát được những "bộ óc máy" này nữa thì thế giới con người khi đó sẽ ra sao?”, Thomas Linkel chia sẻ. Rõ ràng, không khó để có thể tưởng tượng về một kịch bản ngày tận thế bởi chính những "đứa con" công nghệ được tạo ra bởi con người.

Tương lai của thế giới con người quả thật đang vô cùng tăm tối. Chúng ta sẽ phải đối mặt với sự thống trị của những vũ khí nguy hiểm bậc nhất trên trái đất, trong khi chính chúng ta lại là tiền thân tạo ra mối nguy hiểm đó.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Sưu tầm: Công Trung - Tổ Bào Trì

 

zalo

Đặt hàng online

zalo