Đã đến lúc cần luật riêng để kiểm soát ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí hiện nay đang là vấn đề nóng khi hầu hết các đô thị lớn đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, đặc biệt là ô nhiễm không khí do bụi. 

Đó là nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Ô nhiễm không khí tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” được Văn phòng Quốc hội tổ chức ngày 25/4/2017 với sự hỗ trợ của Quỹ Hanns Seidel, Cộng hòa Liên Bang Đức. Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp thông tin tham khảo cho các đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận và xem xét thông qua những quyết sách quan trọng liên quan đến vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu.

 

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách và Tài nguyên Môi trường cho biết, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì Việt Nam hiện đang nằm trong các khối nước không đạt tiêu chuẩn chất lượng không khí an toàn của WHO.

 

Ngoài ra, số liệu thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy trong những năm gần đây các bệnh về đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất trên toàn quốc và một trong các nguyên nhân là ô nhiễm không khí. Cụ thể, năm 2011 có 419,05 người mắc bệnh viêm phổi trên 100.000 dân (4,2%), viêm họng và amidan cấp có 349,89 ca/100.000 dân (3,5%), viêm phế quản và viêm tiểu phế quản 272,98 ca mắc/100.000 dân (2,7%).

 

Hình ảnh tại Hội thảo.

 

Về các nguồn gây ô nhiễm, theo ông Nguyễn Văn Thùy, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Tổng cục môi trường, hiện có 4 nguồn chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí, bao gồm: giao thông vận tải; sản xuất công nghiệp; hoạt động xây dựng, dân sinh; và hoạt động nông nghiệp, làng nghề.

 

Ông Thùy cho biết, ô nhiễm không khí tại nhiều đô thị lớn tiếp tục gia tăng do hoạt động giao thông, xây dựng, công nghiệp…, trong đó ô nhiễm bụi là vấn đề nổi cộm. Cụ thể, bụi tổng số có nồng độ vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia 05:2013 từ 2 đến 3 lần và thường tập trung cao ở các trục đường giao thông. Mức độ ô nhiễm biểu hiện rõ nhất ở các đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I. Bụi mịn (PM2,5) đo tại nhiều trạm quan trắc tự động liên tục ghi nhận vượt ngưỡng trung bình năm theo QCVN 03:2015.

 

Ngoài ra, ông Thùy cũng cảnh báo rằng, một số vấn đề như lắng đọng axit, sương mù quang hóa hay ô nhiễm xuyên biên giới tuy chưa có biểu hiện rõ ràng nhưng đã xuất hiện với những dấu hiệu ảnh hưởng nhất định. Đặc biệt, toàn bộ miền Bắc của Việt Nam hiện được đánh giá là chịu tác động đáng kể từ các nguồn phát thải từ Trung Quốc. Quan sát cho thấy có sự vận chuyển bụi mịn và các khí ô niễm theo gió mùa đông bắc, góp phần tăng độ bụi mịn và các khí độc hại trong môi trường không khí miền Bắc.

 

Sản xuất công nghiệp là một trong các nguồn gây ô nhiễm chính (Ảnh: PanNature)

 

Trước thực trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, các đại biểu tại Hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp để kiểm soát chất lượng không khí như hoàn thiện chính sách, thể chế, tập trung quản lý những lĩnh vực gây ô nhiễm, khuyến khích công nghệ giảm thiểu ô nhiễm, bổ sung nguồn lực thực hiện quan trắc; tăng cường thanh tra kiểm tra và truyền thông nâng cao nhận thức…

 

Đặc biệt, một giải pháp được nhiều đại biểu nhấn mạnh là cần xây dựng luật chuyên biệt về kiểm soát ô nhiễm không khí. Theo đó, Quốc hội cần sớm đưa ra lộ trình cụ thể để xây dựng luật này trong bối cảnh ô nhiễm không khí đăng ngày càng gia tăng mức độ trầm trọng.

 

Nguồn: baovemoitruong.org.vn/da-den-luc

Sưu tầm: Đăng Bình – tổ kỹ thuật

zalo

Đặt hàng online

zalo