ĐỪNG ĐỂ THÁI ĐỘ XẤU CỦA ĐỒNG NGHIỆP ẢNH HƯỞNG ĐẾN BẠN

 

Những người đồng nghiệp hay chán nản, thích nói xấu về công ty và sếp có thể gây ra những tác động bất lợi không nhỏ đối với tinh thần làm việc của bạn. Làm thế nào để tránh bị những đồng nghiệp có thái độ xấu này làm phiền?

Bạn bắt đầu một công việc mới với tất cả sự lạc quan và hăng hái. Theo tìm hiểu của bạn, đây là một công ty tuyệt vời. Vị trí mà bạn được giao rất phù hợp với các kỹ năng và kinh nghiệm của bạn. Mức lương và các chế độ không chê vào đâu được. Bạn cảm thấy như mặt trời đang tỏa sáng trên con đường sự nghiệp của mình và tin tưởng rằng, những điều tốt đẹp nhất sẽ đến.

Tuy nhiên, khi bạn gặp những người đồng nghiệp trực tiếp làm việc cùng, bạn phát hiện ra một vấn đề rằng, họ là những người ghê gớm, thích phê phán người khác và không hứng thú với công việc. Những người đồng nghiệp này vẫn tử tế với bạn, nhưng không bao giờ nói điều gì tốt đẹp về công ty, đồng nghiệp hay sếp. Sau một vài tuần làm việc cùng họ, bạn cảm thấy mất tinh thần: Công ty này dường như không còn tuyệt vời như suy nghĩ ban đầu của bạn và sự lạc quan cũng suy giảm nhanh chóng.

Việc bạn để những đồng nghiệp có thái độ tiêu cực ảnh hưởng xấu tới công việc mới sẽ gây ra thiệt hại cho những cơ hội của bạn ở công ty này, thậm chí thiệt hại cho cả sự nghiệp của bạn trong dài hạn và khiến bạn cảm thấy không còn hạnh phúc, vui vẻ nữa. Khi đối mặt với tình huống như vậy, hãy cân nhắc những gợi ý dưới đây để tránh bị “nhiễm độc” bởi sự bi quan của các đồng nghiệp làm việc cùng bạn:

1. Đưa ra các kết luận của riêng bạn

Trong một vài tuần làm việc đầu tiên ở công ty mới, theo lẽ tự nhiên, bạn sẽ nhìn vào những người đồng nghiệp mới để tìm hiểu về văn hóa, cách thức quản lý của ông ty, cũng như cách mọi người tương tác với nhau ra sao. Đây là một khoảng thời gian mà bạn rất dễ chịu ảnh hưởng bởi quan điểm của người khác. Nếu bạn làm việc trong một nhóm đầy những đồng nghiệp “bất mãn”, thì đây thực sự là một quãng thời gian nguy hiểm.

Cho dù các đồng nghiệp thể hiện thái độ xấu của họ một cách vô thức, thì sự bất mãn của họ vẫn sẽ kéo bạn vào vòng xoáy bi quan mà họ đã tạo ra. Bởi thế, hãy cố gắng tránh để thái độ xấu này “đầu độc” những ấn tượng ban đầu của bạn về nơi làm việc mới. Hãy gạt tất cả những điều tiêu cực sang bên và thay vào đó, tìm kiếm sự tích cực, giữ một cái nhìn cởi mở và tự đưa ra các kết luận của riêng mình.

2. Tìm đến những đồng nghiệp lạc quan hơn

Hãy gặp gỡ và tạo dựng mối quan hệ với những đồng nghiệp khác làm việc trong các phòng ban và ê kíp khác. Có thể bạn sẽ nhận thấy rằng, môi trường nói chung trong công ty lạc quan hơn nhiều so với những gì mà các đồng nghiệp trực tiếp làm việc với bạn thể hiện. Hãy tương tác hàng ngày với những đồng nghiệp có cái nhìn lạc quan, cho dù đó là những cuộc nói chuyện trong giờ ăn trưa cùng nhau hoặc trao đổi chóng vánh ngoài hành lang trong giờ giải lao. Những con người lạc quan này sẽ giúp cho bạn giữ tinh thần khi làm việc cùng những đồng nghiệp luôn tỏ ra chán nản.

3. Tham gia vào các hoạt động của công ty

Bên cạnh đó, bạn nên tham gia vào các hoạt động và sự kiện do công ty tổ chức. Hãy trở thành một phần trong cả công ty, thay vì chỉ thu mình trong nhóm nhỏ những đồng nghiệp hay than vãn mà bạn trực tiếp làm việc cùng. Việc có một cái nhìn tổng quan hơn về cả công ty và cảm giác bạn là một phần của công ty sẽ giúp bạn cải thiện được tinh thần, tránh bị sa chân vào lối suy nghĩ tiêu cực.

4. Tập trung vào công việc của bạn

Bạn cần hết sức tránh tham gia vào những cuộc “ngồi lê đôi mách” hay những cuộc trò chuyện đầy rẫy những lời than thở của những đồng nghiệp bi quan. Điều đó không có nghĩa là bạn không nên hòa đồng với các đồng nghiệp cùng ê kíp, mà vấn đề ở đây là bạn cần tập trung vào lý do chính để bạn có mặt ở công ty này: làm một công việc tuyệt vời. 

Tất nhiên, việc xây dựng mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp là một phần quan trọng để bạn đạt mục tiêu đó. Bởi vậy, hãy cố gắng tạo dựng quan hệ tích cực với những người mà bạn làm việc cùng. Mặc dù vậy, để  tạo lập được những mối quan hệ như thế, bạn không nhất thiết phải cùng có mặt trong những cuộc “nói xấu” của họ. Thay vào đó, bạn có thể tìm hiểu xem đồng nghiệp của mình thực sự thích những gì và trao đổi với họ về những chủ đề đó, tuyệt nhiên không nói chuyện tiêu cực.

Cuối cùng, có một điều bạn cần ghi nhớ là, không có công ty nào là hoàn hảo và luôn có những sự bất mãn và làm phiền xảy ra trong môi trường công sở. Hãy tìm kiếm những điều tích cực, những tương tác tích cực, bạn sẽ vượt qua được những điều tiêu cực kia và trở về nhà sau mỗi ngày làm việc với nụ cười trên môi.

 

Nguồn: brico3.vn

Sưu tầm: Kim Mỹ - Bộ Phận Kho

zalo

Đặt hàng online

zalo