Gia Lai: Khó xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

 

(TN&MT) - Thống kê từ Sở TN&MT Gia Lai, trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 24 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gồm: 17 bãi rác và 07 cơ sở y tế. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn kinh phí nên lộ trình xử lý triệt để các cơ sở này đến năm 2020 có khả năng không thực hiện được.

Bãi rác huyện Chư Păh là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhiều năm nay

Hầu hết các bãi rác đều ô nhiễm môi trường

Bãi rác tập trung huyện Chư Păh (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh, Gia Lai) tiếp nhận trung bình khoảng 5 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, nhưng vì không được đầu tư bài bản, chỉ với hình thức chôn lấp lộ thiên, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác, không lót bạt chống thấm… nên là địa điểm gây ô nhiễm môi trường nhiều năm nay.

Theo ông Đặng Thành Phương - Phó Trạm Cấp nước và Dịch vụ đô thị huyện Chư Păh, bãi rác này được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2009 đến nay với diện tích 4,14ha. Bãi rác được phun thuốc khử mùi định kỳ để khử mùi hôi và giảm ruồi, muỗi. Tuy nhiên, do không có rào chắn nên người dân địa phương thường vào bãi rác để tìm nhặt ve chai, đốt rác lấy tro, làm phát tán rác thải ra khu vực xung quanh và gây ô nhiễm môi trường không khí.

Trên địa bàn huyện Chư Păh còn có 03 bãi rác cấp xã và đều thuộc danh mục gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đây cũng là thực trạng chung của hầu hết các bãi rác trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Thống kê từ Sở TN&MT Gia Lai cho biết, toàn tỉnh hiện có 24 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (gồm 17 bãi rác và 07 cơ sở y tế) theo Quyết định số 1788/QĐ-TT ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, 05/17 bãi rác đã thực hiện đóng cửa, phủ đất, trồng cây xanh và chuyển sang chôn lấp tại vị trí mới; 6/7 cơ sở y tế đã cải tạo hệ thống xử lý chất thải. Nhưng các cơ sở này vẫn chưa đủ điều kiện và chưa được xác nhận để đưa ra khỏi danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bà Lương Thị Tuyết Vinh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Gia Lai cho biết, toàn tỉnh hiện chỉ có duy nhất 01 bãi rác hợp vệ sinh được đầu tư lót bạt nhưng vẫn chưa đảm bảo về môi trường. Ngoài ra có 04 lò đốt rác được công nhận, nhưng hoạt động cầm chừng, không ổn định và chưa đáp ứng được việc xử lý toàn bộ lượng rác thu gom thực tế.

“10 bãi rác còn lại đều là bãi lộ thiên, chưa được đầu tư xử lý theo quy định, chưa lót đáy chống thấm, chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác, rác thải được thu gom về bãi rác tập trung và xử lý theo hình thức phun thuốc diệt côn trùng, khử mùi, đốt, san ủi… Các bãi này đã và đang gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng”, bà Vinh cho hay.

Hố thu nước rỉ rác không được lót bạt, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Khó xử lý triệt để

Thực tế, ngay từ công tác thu gom, vận chuyển, phân loại rác thải tại tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều bất cập. Chất thải sinh hoạt nhiều khi còn lẫn lộn chất thải nguy hại như pin, ắc quy… gây khó khăn cho công tác xử lý chất thải. Mặt khác, kinh phí đầu tư cho công tác xử lý chất thải rắn còn hạn chế, chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh, không được đầu tư nên gây ô nhiễm môi trường.  

Theo bà Lương Thị Tuyết Vinh, khó khăn hiện nay của tỉnh Gia Lai trong việc xử lý chất thải rắn là xử lý nước rỉ rác, lựa chọn công nghệ phù hợp để đầu tư xây dựng và việc đốt rác tự phát tại các bãi rác lộ thiên gây ô nhiễm môi trường. “Việc đầu tư xây dựng một hệ thống xử lý chất thải rắn đảm bảo môi trường cần chi phí rất lớn. Trong khi, địa phương không bố trí được kinh phí mà đều chờ kinh phí từ ngân sách Trung ương”, bà Vinh nói.

Đến nay, tỉnh Gia Lai chỉ có 02 bãi rác được đầu tư kinh phí từ Trung ương, nhưng vẫn chưa lựa chọn được công nghệ xử lý phù hợp để xây dựng. Lộ trình đến năm 2020 tỉnh Gia Lai sẽ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn. Tuy nhiên với những khó khăn hiện tại, mục tiêu này rất khó để hoàn thành.

Bà Vinh nhấn mạnh, trong thời gian tới, để tăng hiệu quả quản lý chất thải rắn trên địa bàn, đồng thời thúc đẩy hoàn thành tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Sở TN&MT Gia Lai sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư.

Cùng với đó, Sở TN&MT Gia Lai đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quản lý chất thải rắn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; hướng tới phân loại rác tại nguồn.

Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư dự án xử lý chất thải; xây dựng, ban hành và hướng dẫn các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tài chính cho các tổ chức, cơ sở đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn có áp dụng công nghệ tiên tiến, hạn chế chôn lấp.

 

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Sưu tầm: Phương Anh – Tổ Hoá

zalo

Đặt hàng online

zalo