Giải pháp quản lý bảo vệ môi trường nước khu vực thượng lưu sông Kiên Giang

Sông Kiến Giang là một sông trục tưới tiêu thuộc Hệ thống thủy lợi Nam Thái Bình dài khoảng 30 km. Cửa vào cống Tân Đệ lấy nước tưới từ sông Hồng, cửa ra là cống Lân chảy ra vùng ven biển thuộc tỉnh Thái Bình. Hiện nay, môi trường nước khu vực thượng lưu (KVTL) sông Kiến Giang đang chịu tác động bởi các nguồn thải từ sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ... gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
​Hiện trạng môi trường nước KVTL sông Kiến Giang

KVTL sông Kiến Giang từ cửa vào đến đoạn kết thúc của TP. Thái Bình có 4 sông nhánh nhỏ (sông Bồ xuyên, sông Bạch, sông Vĩnh Trà và sông 3/2); đoạn chảy qua thị trấn Vũ Thư có các nhánh sông tưới tiêu của hệ thống thủy lợi Nam Thái Bình như sông Kênh, sông Cự Lâm… Nguồn nước thải sinh hoạt của các khu dân cư và nước thải công nghiệp của các cơ sở sản xuất công nghiệp, khu công nghiệp (KCN) tập trung thuộc huyện Vũ Thư và TP. Thái Bình theo các sông nhánh này chảy vào sông Kiến Giang đã góp phần làm suy giảm chất lượng nước.

   

Bản đồ KVTL sông Kiến Giang
 

Các nguồn gây ô nhiễm sông Kiến Giang gồm:

Nguồn ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt

Ô nhiễm môi trường nước ngày càng tăng và rất phức tạp. Khu vực TP. Thái Bình, nước mưa, nước thải sinh hoạt (khoảng 35.000m3/ngày, đêm) chưa được xử lý hòa với nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ nằm xen kẽ trong khu dân cư thoát chung vào một hệ thống thoát nước mưa và đổ ra các thủy vực tiếp nhận đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước mặt của các sông như: Vĩnh Trà, Bồ Xuyên, sông 3/2, sông Bạch và sông Pari. Các sông này đều bị ô nhiễm các chất hữu cơ, thường xuyên bốc mùi hôi thối ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe nhân dân và mỹ quan đô thị. Kết quả phân tích mẫu nước tại ngã ba Cầu Phúc Khánh - sông Bạch tháng 10/2013 các chỉ số BOD5 vượt 1,2 lần, COD vượt 1,5 lần, N vượt 15 lần, tổng coliform vượt 12,6 lần so với cột B, TCVN 5942 - 1995.

Nguồn ô nhiễm từ nước thải công nghiệp

Hiện tại, trong lưu vực sông Kiến Giang có 4 KCN (Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, Sông Trà thuộc TP. Thái Bình và KCN Tiền Hải thuộc huyện Tiền Hải) đã hình thành và đang hoạt động sản xuất. Trong đó, KCN Nguyễn Đức Cảnh và Phúc Khánh đã đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải (XLNT) tập trung và đi vào vận hành. Đối với KCN Tiền Hải chưa có chủ đầu tư cơ sở hạ tầng nên việc thực hiện lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường và dự án khu XLNT tập trung tại KCN chưa được đầu tư xây dựng. Hiện nay nước thải được các doanh nghiệp tự tiến hành xử lý, nhưng một số doanh nghiệp xử lý không đạt quy chuẩn xả thải theo quy định (QCVN 40:2011/BTNMT cột A giá trị C).

Ngoài ra, còn 12 CCN khác như CCN An Hòa, Minh Hòa (Kiến Xương), CCN Phong Phú, Tam Quang, CCN Vũ Thư đã được quy hoạch và đang kêu gọi đầu tư.

Các CCN còn lại hầu hết đều không có nhà đầu tư xây dựng kinh doanh cơ sở hạ tầng, mặc dù UBND tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ 50% kinh phí cho nhà đầu tư xây dựng khu XLNT tập trung nhưng chưa có nhà đầu tư thực hiện.

Nguồn ô nhiễm từ hoạt động nông nghiệp

Ô nhiễm môi trường do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón: Trong sản xuất lúa và hoa màu hiện nay, nông dân trong tỉnh đã và đang sử dụng một khối lượng lớn phân hữu cơ, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, sử dụng tùy tiện không đúng quy trình, chủng loại, không đảm bảo thời gian cách ly, số ít còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng, quá hạn sử dụng đang là những áp lực chính cho nông dân và môi trường đất, nước; các loại hoá chất này một phần cây hấp thụ, phần còn lại ngấm vào đất, nước, gây ô nhiễm môi trường đất, nước và giảm đa dạng sinh học.

Ô nhiễm do chăn nuôi gia trại, trang trại: Lưu vực sông Kiến Giang có hơn 300 trang trại và 11.000 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Kết quả phân tích chất lượng môi trường năm 2013 của Sở TN&MT tỉnh Thái Bình cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường của các trang trại chăn nuôi đang ở mức báo động, đặc biệt là nước thải các trang trại chăn nuôi tập trung, tại ao nuôi thủy cầm có hàm lượng COD, BOD5, coliform, amoni, tổng N, tổng P vượt TCCP nhiều lần; các chất thải đều chưa qua xử lý thải trực tiếp ra ao hồ và ruộng lúa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến chất lượng môi trường sống của người dân nông thôn.

Ảnh hưởng của môi trường đối với cộng đồng ven sông Kiến Giang

Khu vực TP. Thái Bình tập trung 4 KCN và 12 CCN, các KCN đã xây dựng hệ thống XLNT và đưa vào hoạt động tương đối ổn định. Tuy nhiên các CCN và các làng nghề thủ công chưa xây dựng hệ thống XLNT dẫn đến việc ô nhiễm kim loại nặng, ô nhiễm các hợp chất hữu cơ tổng hợp. Ô nhiễm kim loại nặng trong sản xuất công nghiệp là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh hiểm nghèo đối với cộng đồng. Đồng thời, ô nhiễm các hợp chất hữu cơ tổng hợp bao gồm các chất nhiên liệu, chất màu, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng trong nông nghiệp, các phụ gia trong dược phẩm thực phẩm trong công nghiệp…gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

Ngoài ra, khi nguồn nước sông Kiến Giang bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước cửa sông Kiến Giang là cửa Lân. Nguồn nước bị ô nhiễm làm nguồn thủy sản bị chết, gây tổn thất lớn cho các hộ nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của cộng đồng dân cư ven cửa sông.

Ngoài ra, ô nhiễm nước vùng ven cửa sông còn làm ảnh hưởng đến phát triển du lịch ven biển và nghề sản xuất muối của địa phương.

 


Đoạn sông Lân (Kiến Giang) Tiền Hải, Thái Bình

 

Một số giải pháp quản lý, BVMT nước KVTL sông Kiến Giang
 
Các giải pháp kỹ thuật

Bổ sung nguồn nước trong mùa kiệt: Tận dụng nguồn nước các hồ thủy điện xả nước vào các đợt trong năm mở cống Tân Đệ, các cống nhỏ lấy nước vào sông Kiến Giang cũng như các sông nhỏ và hệ thống kênh mương lấy nước và trữ nước sông để tận dụng tưới tiêu và duy trì dòng chảy làm tăng khả năng pha loãng của nguồn nước.

 


Nguồn nước bị ô nhiễm gây tổn thất lớn cho các hộ nuôi trồng thủy sản

 

Nạo vét, khơi thông dòng chảy, duy trì dòng chảy mùa kiệt: Hàng năm bồi lắng phát triển nhanh không đồng đều, tùy theo từng đoạn mà mức độ bồi lắng khác nhau. Hiện nay, sông lâu ngày không được nạo vét tình trạng bồi lắng phát triển nhanh, cao trình đáy tự nhiên cao hơn cao trình thiết kết từ 1- 1,5 m. Từ thực tế đó cho thấy, cần nạo vét toàn tuyến sông từ cống Tân Đệ đến đập Cổ Ninh.
 
Việc nạo vét, vớt bèo khơi thông dòng chảy làm tăng tốc độ dòng chảy từ đó làm tăng khả năng tự làm sạch, giúp giảm tải ô nhiễm cho dòng sông.

Kè bờ sông phòng chống sạt lở, xói lở bờ: Hiện nay, sông Kiến Giang mới kè 14 km đoạn từ cống Tân Đệ đến ngã ba Phúc Khánh, đoạn từ ngã ba Phúc Khánh đến đập Cổ Ninh chưa được kè có nguy cơ sạt lở. Do vậy, cần kè bờ đoạn còn lại dài 7,5 km từ ngã ba Phúc Khánh đến đập Cổ Ninh.

Các giải pháp quản lý

Quản lý và kiểm soát các nguồn nước thải, giảm thiểu phát sinh chất ô nhiễm tại nguồn: Khu vực TP. Thái Bình và thị trấn Vũ Thư hiện nay đang đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm chủ yếu do việc xử lý chất thải rắn bằng biện pháp chôn lấp không đúng quy cách, đặc biệt là việc thải bỏ chất thải rắn y tế chung với chất thải rắn sinh hoạt ẩn chứa rất nhiều mầm bệnh và các chất độc hại nguy hiểm. Cần phải xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh, tăng cường thu gom rác thải sinh hoạt khu vực đô thị và nông thôn đưa về nơi xử lý. Khu vực TP và thị trấn hầu hết đã xây dựng nhà vệ sinh có bể tự hoại. Tuy nhiên, ở các khu vực nông thôn chưa được chú trọng vấn đề này cần khuyến khích và tạo điều kiện để các hộ gia đình xây dựng nhà vệ sinh có bể tự hoại để xử lý sơ bộ chất ô nhiễm; Các trang trại chăn nuôi, hoặc chăn nuôi hộ gia đình sử dụng bể biogas để XLCT chăn nuôi; từng bước thực hiện XLNT các làng nghề truyền thống.

XLNT của các nguồn thải tập trung để giảm tải lượng chất ô nhiễm chảy trực tiếp vào sông: Cần có kế hoạch xây dựng nhà máy XLNT sinh hoạt trên toàn tỉnh trước hết là TP. Thái Bình nơi tập trung nhiều dân cư và các loại hình sản xuất. Đối với các KCN, CCN chưa có hệ thống XLNT phải khẩn trương xây dựng và đưa vào vận hành. Nếu KCN, CCN không thực hiện thì tiến hành xử lý vi phạm. Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp sau khi đã được cấp phép hoạt động yêu cầu các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các quy định về môi trường.

Tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ làm công tác môi trường về BVMT: Tổ chức các lớp tập huấn môi trường chuyên sâu để nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ làm công tác môi trường; Phổ biến rõ những hậu quả của ô nhiễm môi trường cho người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Tăng cường công tác quản lý, hoàn thiện thể chế và pháp luật về BVMT: Xác định rõ trách nhiệm và phân công, phân cấp hợp lý nhiệm vụ BVMT giữa các ngành, các cấp; Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho cơ quan quản lý về BVMT, chú trọng cấp huyện, TP, cấp xã, phường, thị trấn. Kiên quyết đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động hoặc buộc di dời cơ sở đến KCN, CCN, điểm công nghiệp đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nằm xen kẽ trong khu dân cư. Tổ chức kiểm soát ô nhiễm chất thải, nhất là chất thải nguy hại trong sản xuất công nghiệp, y tế; Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản và chế biến, bảo quản thực phẩm. Tăng cường áp dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thân thiện với môi trường cho các ngành công nghiệp trong KCN, CCN và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

ThS. Nguyễn Quỳnh Trang

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Nguồn: vea.gov.vn

Sưu tầm: Thanh Tuấn - BKS

zalo

Đặt hàng online

zalo