Hoạt động xử lý nước thải đô thị và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam

Ở Việt Nam, việc quản lý và vận hành các nhà máy xử lý nước cấp đã đi vào nền nếp, có bài bản với nhiều kinh nghiệm, nhưng xử lý nước thải (XLNT) là vấn đề mới. Do vậy, yêu cầu nhân lực trong việc quản lý và vận hành hiệu quả các nhà máy XLNT là vấn đề cấp bách hiện nay.

Thực trạng hoạt động xử lý nước thải đô thị

Theo Điều chỉnh Định hướng phát triển thoát nước đô thị và KCN Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 (phê duyệt theo Quyết định số 589/QĐ-TTg) đã đặt ra mục tiêu tổng quát: “Phát triển hệ thống thoát nước ổn định và đồng bộ bao gồm xây dựng mạng lưới thu gom, chuyển tải và nhà máy xử lý nước thải theo từng giai đoạn, phù hợp với quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, phát huy tối đa công suất thiết kế các nhà máy xử lý nước thải bảo đảm hiệu quả quản lý và đầu tư xây dựng.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là: 15% đến 20% tổng lượng nước thải tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường; đến năm 2025 là: 50% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại II trở lên và 20% đối với các đô thị từ loại V trở lên được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường”.

Theo các tài liệu điều tra, khảo sát, thống kê về thoát nước và XLNT đô thị, tỷ lệ bao phủ mạng lưới thoát nước ở các đô thị nước ta hiện chỉ đạt khoảng 30 - 70%, tỉ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đạt được từ 12 - 15% lượng nước thải phát sinh. Đặc biệt, còn có sự chênh lệch lớn về mức độ bao phủ của hệ thống thoát nước và xử lý nước giữa các đô thị do mức độ quan tâm và năng lực đầu tư khác nhau.

Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, cùng sự ra đời của nhiều cụm dân cư, nhiều khu đô thị mới phát sinh một lượng lớn nước thải xả ra môi trường. Ngoài ra, nhiều dự án thoát nước đã được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển (ODA) cũng chưa phát huy được hiệu quả để BVMT do việc đầu tư chưa đồng bộ giữa công trình xử lý với mạng lưới thu gom cũng như trình độ quản lý, vận hành hệ thống chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Do vậy, ONMT do nước thải đô thị đang là một vấn đề gây bức xúc cho toàn xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống và sự phát triển KT-XH của đất nước.

Từ kết quả rà soát về tình hình đầu tư, xây dựng và hoạt động của các nhà máy XLNT đô thị cho thấy, hiện nay có khoảng hơn 40 nhà máy XLNT đô thị tập trung đã đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế khoảng 800.000 m3/ngđ; khoảng 50 nhà máy đang trong giai đoạn lập dự án, thiết kế hoặc đang xây dựng nâng tổng công suất khoảng 2.100.000 m3/ngđ; các nhà máy đang hoạt động nhưng thực tế chỉ vận hành chưa đến 60% công suất thiết kế; tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý khoảng 12% so với tổng lượng nước thải phát sinh, còn thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu đặt ra cho giai đoạn 2020 theo Chiến lược về thoát nước đô thị và KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để ngành thoát nước đô thị phát triển đáp ứng được nhu cầu của xã hội, cần tiếp tục có những nghiên cứu đánh giá cụ thể về hiệu quả của các dự án đầu tư xây dựng các công trình nhà máy XLNT đô thị hiện nay, từ đó, đề xuất những biện pháp khắc phục những điểm yếu kém.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, quy hoạch chuyên ngành và có những giải pháp đột phá trong quản lý xây dựng và thu hút đầu tư cho lĩnh vực thoát nước đô thị. Cần có kế hoạch điều tra, khảo sát nguồn nhân lực đang làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp thoát nước để biết được nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này, đáp ứng cho nhu cầu trước mắt và cho cả trong tương lai.

Đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải

Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực thoát nước tại Việt Nam gắn liền với sự phát triển đô thị. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong những năm gần đây, hệ thống các đô thị Việt Nam từng bước phát triển, mở rộng về quy mô, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; diện mạo đô thị đã có nhiều thay đổi; chất lượng đô thị ngày càng được nâng cao; trong đó, có vai trò rất lớn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thoát nước và môi trường. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thoát nước đã thực hiện nhiệm vụ thoát nước ở hầu hết các đô thị: Đô thị đặc biệt, đô thị loại I, II, III và loại IV. Đến nay, có khoảng trên 70 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thoát nước.

Do đặc thù của từng đô thị, số doanh nghiệp chuyên làm nhiệm vụ thoát nước chỉ tập trung ở một số đô thị lớn, còn lại các doanh nghiệp hoạt động mang tính chất đa ngành nghề, bao gồm cả môi trường, xây dựng. Thực hiện chủ trương của Nhà nước, các doanh nghiệp hoạt động trong Ngành Nước đang tiến hành cổ phần hóa. Đến nay, đã có khoảng 30% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thoát nước tiến hành xong cổ phần hóa và đang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Số doanh nghiệp còn lại đang xây dựng phương án cổ phần hóa toàn bộ công ty hoặc cổ phần hóa một bộ phận công ty.

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thoát nước những năm trước đây chủ yếu tập trung vào vấn đề thoát nước, tránh ngập úng trong các đô thị, vấn đề XLNT chưa được chú ý. Thời gian gần đây, vấn đề XLNT đang từng bước được các đô thị quan tâm. Theo báo cáo của Cục Hạ tầng Kỹ thuật - Bộ Xây dựng, đến nay, có khoảng 40 nhà máy xử lý nước thải tập trung đã xây xong và đưa vào vận hành với tổng công suất thiết kế 800.000 m3/ngày.đêm và có khoảng 50 nhà máy nước thải tập trung đang trong quá trình thiết kế, xây dựng hoặc chuẩn bị hoàn thành.

Xuất phát từ những đặc điểm và yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thoát nước và XLNT, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này tiếp tục tăng cao về số lượng, nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trước mắt, đặc biệt là nguồn nhân lực để quản lý, vận hành hiệu quả các nhà máy xử lý nước thải với công nghệ xử lý đa dạng, hiện đại trong tương lai.

Hiện nay, có 3 trường Đại học đang đào tạo Kỹ sư cấp thoát nước: Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc Hà Nội và Đại học Thủy lợi. Số lượng tuyển sinh của mỗi trường từ 120 - 150 sinh viên chuyên ngành cấp thoát nước trong một năm. Đối với các trường đào tạo cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, ngành cấp thoát nước có khoảng 10 trường (chủ yếu các trường trực thuộc Bộ Xây dựng). Những năm gần đây, nhu do cầu sử dụng nhân lực trình độ trung cấp và cao đẳng chuyên ngành cấp thoát nước giảm, vì vậy, việc tuyển sinh của các trường giảm, chỉ tuyển từ 150 - 200 chỉ tiêu.

Đối vối việc đào tạo lực lượng công nhân kỹ thuật hoạt động trong lĩnh vực thoát nước thực hiện khá thuận lợi. Ngoài các trường thuộc Bộ Xây dựng quản lý, các trường thuộc Bộ LĐ, TB&XH và nhiều bộ, ngành khác cũng tham gia đào tạo. Vì vậy, nhu cầu về công nhân kỹ thuật của các doanh nghiệp thoát nước được đáp ứng khá kịp thời.

Bên cạnh đào tạo nhân lực cho lĩnh vực thoát nước ở các trường đại học, cao đẳng và công nghân kỹ thuật, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đào tạo tại chỗ. Phần lớn các đơn vị thực hiện các chương trình đào tạo ngắn ngày, mang tính cập nhật, bổ túc kiến thức chuyên ngành, nâng cao nghiệp vụ theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm do đơn vị tổ chức, đội ngũ giảng viên chủ yếu là cán bộ quản lý của doanh nghiệp.

Từ kết quả trên cho thấy, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật đã được các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thoát nước quan tâm, chủ động đầu tư một cách thiết thực. Chính vì vậy, khi được giao quản lý, vận hành các nhà máy XLNT có công nghệ mới, đã hoàn thành nhiệm vụ được giao bằng cách thực hiện các chương trình đào tạo ngay tại đơn vị với sự hỗ trợ của các chuyên gia. Song trong tương lai với nhiều nhà máy XLNT được đưa vào hoạt động, chắc chắn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực sẽ tăng lên nhiều lần.

PGS. TS. ỨNG QUỐC DŨNG

Nguồn: tapchitainguyenvamoitruong.vn/383

Sưu Tầm: Phan Thị Thuỷ - BKS

zalo

Đặt hàng online

zalo