Hội nhập kinh tế: Doanh nghiệp phải hành động ngay

(TBTCVN) - Việt Nam hiện đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 9 hiệp định đã có hiệu lực. 

Riêng hai thỏa thuận thương mại tự do thế thệ mới, FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được nhận định là rộng lớn nhất mà Việt Nam từng tham gia… Tuy vấn đề nhận diện cơ hội là điều cần thiết, nhưng trong bối cảnh hiện nay việc quan trọng mà theo lời khuyên của các chuyên gia là chúng ta đừng chờ đợi, mà cần phải có hành động ngay từ hôm nay…

 

Cơ hội từ thị trường rộng mở

 

Tính tới thời điểm hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đặc biệt, việc ký kết một loạt các hiệp định thương mại tự do với các đối tác, liên minh lớn vừa qua đang mở ra một cơ hội lớn mà nền kinh tế Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng cần nắm bắt và tận dụng cơ hội.

 

Tại cuộc hội thảo "Hội nhập kinh tế và tự do hóa thương mại: Tầm nhìn cho doanh nghiệp Việt Nam", do Công ty PwC và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc Công ty PwC Việt Nam cho rằng, cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế TPP, EVFTA, cũng như các FTA khác có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam. Những hiệp định này mang lại cơ hội phát triển thị trường một cách sâu rộng hơn cho các doanh nghiệp – vốn là một yếu tố quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế - khu vực và phát triển kinh tế Việt Nam.

 

Ngay đối với cơ hội khi Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng thêm 14,5%; người tiêu dùng sẽ mua được hàng hóa tốt hơn với giá rẻ hơn và sẽ có thêm vốn đầu tư nước ngoài nhiều hơn. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp cận được thị trường tiêu thụ rộng lớn gồm hơn 600 triệu dân với tổng GDP ở mức 2,6 nghìn tỷ USD.

 

Còn đối với TPP, nếu các điều kiện kinh tế thuận lợi thì bên cạnh việc mở ra một thị trường khổng lồ cho hàng hóa Việt Nam, hiệp định này được kỳ vọng giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 33,5 tỷ USD và giá trị xuất khẩu sẽ tăng thêm 68 tỷ USD năm 2025.

 

Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao cũng thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Một trong những kỳ vọng khi thực thi các FTA là việc gia tăng lợi ích trong chuỗi giá trị. Ví dụ, trong số khoảng 2,5 triệu người lao động đang làm việc cho hơn 6.000 doanh nghiệp trong ngành Dệt may thì có tới 70% thực hiện các công đoạn tiêu tốn nhân lực nhưng lại có giá trị gia tăng thấp, như gia công cắt – may – hoàn thiện để xuất khẩu. Còn các nguyên liệu đầu vào như vải, bông sợi và các vật liệu may mặc… thì Việt Nam đang nhập khẩu hơn 65%. Trong khi đó lại để khâu thiết kế quần áo rơi vào tay các đối thủ quốc tế, mặc dù đây chính là khâu mang lại giá trị gia tăng cao nhất trong chuỗi giá trị của ngành.

 

Nhưng với các điều kiện từ TPP, EVFTA và các FTA khác sẽ là áp lực có thể thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam đổi mới, sáng tạo để cạnh tranh bằng các công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

 

Đồng thời, các lợi ích tài chính có thể đến từ việc cắt giảm thuế xuất nhập khẩu, các biện pháp bảo hộ và hàng loạt các loại thuế - phí, cũng như việc điều chỉnh chế tài cho minh bạch và khoan dung hơn, và việc giảm các hàng rào phi thuế quan. Cơ chế hải quan ổn định cũng hỗ trợ các doanh nghiệp hoạch định kế hoạch phát triển và vận hành dài hơi hơn.

 

Cần có tầm nhìn và hành động để vượt qua thách thức

 

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, nhưng dường như sự chuẩn bị của các doanh nghiệp hiện lại chưa xứng tầm.

 

Điển hình là mặc dù việc nắm bắt thông tin về các hiệp định là vô cùng quan trọng, nhiều doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa - chưa được trang bị đầy đủ hoặc ít khả năng tiếp cận thông tin cơ bản về các FTA. Hậu quả là các doanh nghiệp không tận dụng được lợi ích từ FTA. Kết quả một cuộc khảo sát đầu năm 2015 của VCCI cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp Việt hiểu và sẵn sàng cho các sân chơi như TPP, AEC chỉ khoảng 20 - 30%. Hầu hết các doanh nghiệp gần như “mù tịt” về lộ trình của Việt Nam trong AEC. Đáng lo ngại hơn, có tới 60  - 70% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng các hiệp định này không mấy ảnh hưởng đến họ.

 

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh chưa đủ minh bạch, thông thoáng và còn thiếu một hệ thống pháp luật đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, việc cải cách khung thể chế kinh tế sẽ đòi hỏi bản thân các doanh nghiệp phải tái cấu trúc cách tổ chức hoạt động, cách sử dụng các nguồn lực, cũng như hệ thống công nghệ,… như thế, doanh nghiệp mới có thể tồn tại trong môi trường kinh doanh thay đổi.

 

Thêm nữa,  thị trường tiêu thụ trong nước đang chào đón hàng hóa nhập khẩu có chất lượng, thương hiệu và giá cả cạnh tranh hơn từ các nước đối tác FTA và đây cũng chính là một thách thức khác đối với các nhà sản xuất trong nước. Hàng hóa Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu hấp dẫn khách hàng nội địa và chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng của các khu vực thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản,…

 

Tương tự, nhiều thách thức đang nổi lên từ các yêu cầu khắt khe hơn trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường và trách nhiệm doanh nghiệp. Việc tuân thủ các yêu cầu này sẽ khiến chi phí sản xuất và vận hành tăng, dẫn tới việc doanh nghiệp hoặc phải chuyển gánh nặng tài chính cho người tiêu dùng, hoặc phải tự chịu chi phí mà giảm biên lợi nhuận.

 

Để tận dụng được cơ hội, doanh nghiệp Việt cần chủ động thay đổi để nắm bắt cơ hội vượt qua thách thức là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên câu hỏi nằm ở chỗ các doanh nghiệp sẽ vượt qua các rào cản hiện hữu như thế nào để đáp ứng một cách hiệu quả kỳ vọng thay đổi và thực sự đạt được lợi ích do các cơ hội mang đến.

 

Theo đó, ông Patrick Tay, Giám đốc Tư vấn Công ty PwC Malaysia đã chỉ ra 3 chiến lược mà các doanh nghiệp nên theo đuổi: Thứ nhất là luôn sẵn sàng với sự chia rẽ và bị chia rẽ; Thứ hai là sáng tạo và chi tiêu cho nghiên cứu phát triển (R&D); Thứ ba là theo đuổi toàn cầu hóa thông qua việc đưa tầm nhìn vượt qua doanh nghiệp mình, ngành nghề mình, quốc gia mình.

 

Còn Tổng Giám đốc Công ty PwC Việt Nam Đinh Thị Quỳnh Vân cho rằng: “TPP, EVFTA, và các FTA khác đã mang đến cả cơ hội và thách thức hiện hữu ngay trước cửa từng doanh nghiệp. Hành động để tận dụng cơ hội, vượt qua thử thách là điều quan trọng bên cạnh việc nhận diện những yếu tố này. Chúng tôi muốn nhắn nhủ với các doanh nghiệp một điều: Đừng chờ đợi, hãy hành động ngay hôm nay, nếu chúng ta muốn nắm bắt cơ hội để phát triển trong giai đoạn nhiều biến động này”.

 

Mai An

Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn

Sưu tầm: Thanh Tuấn - BP. IT

zalo

Đặt hàng online

zalo