Lợi ích của quá trình hội nhập toàn cầu

Hội nhập quốc tế là một quá trình bao gồm việc giảm các chi phí thương mại-kinh tế trong mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa các nước. Nếu được tổ chức đúng cách và bài bản, hội nhập quốc tế sẽ mang đến lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Đây là nhận định được Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thương mại quốc tế, ông Aleksandr Knobelyu đưa ra trong bài viết mới đây trên trang mạng Nước Nga tương lai (giai đoạn 2017-2035).

Trái với một số kết luận vội vàng khi cho rằng hội nhập là một trò chơi với tổng bằng 0 và chỉ ngày càng mất mát nhiều hơn, hội nhập là việc tiến hành phân bổ nguồn lực bổ sung giữa các thành viên tham gia nhằm gỡ bỏ các rào cản như thuế và phi thuế quan, vốn làm tổn hại đến lợi ích của tất cả các bên. Có thể gọi hội nhập bằng một tên gọi khác là "cùng thắng" khi tất cả các bên đều được hưởng lợi. Bất cứ bên nào tham gia cũng đều muốn nhận về càng nhiều lợi ích càng tốt từ việc gỡ bỏ các rào cản thương mại đó. Đây cũng là lý do khiến tất cả các bên đều cần đến quá trình đàm phán.

 Nhìn chung các nước đều thắng khi hội nhập, nhưng bên cạnh đó vẫn luôn tồn tại sự bất lợi của các nước trong một số lĩnh vực nhất định. Việc gỡ bỏ các rào cản cũng đồng nghĩa với việc tăng tính cạnh tranh, trong đó có cạnh tranh từ các nhà cung cấp nước ngoài có trình độ chuyên nghiệp trong lĩnh vực nhất định nào đó cao hơn. Tất nhiên, các nước ít có khả năng cạnh tranh nhất trong lĩnh vực đó sẽ "thua cuộc". Khi hình thành các quan điểm đàm phán, các nước hoặc các chủ thể thương mại sẽ xem xét tham gia vào các lĩnh vực khác nhau tùy theo khả năng. Từ khả năng của mỗi nước sẽ xác định được vị thế của nước đó trong đàm phán.

 Như vậy, một mặt việc thúc đẩy quá trình hội nhập toàn cầu là rất phức tạp bởi thực tế, tất cả các nước đều muốn thu về càng nhiều lợi ích càng tốt; mặt khác, vị thế đàm phán của từng nước cũng rất phức tạp do thiếu cân bằng giữa các nhóm ngành công nghiệp, hay còn được gọi trong thuật ngữ kinh tế là "nhóm lợi ích đặc biệt". Khi các đối tác thương mại đạt thỏa thuận, nếu nước nào không tham gia vào quá trình đàm phán, luật của cuộc chơi sẽ không có hiệu lực với nước đó và trong tương lai "người ngoài cuộc" sẽ phải gánh chịu những tổn thất do không được kết nối với một cấu trúc mới của mối quan hệ kinh tế-thương mại thế giới. Nếu một nước không đạt thoả thuận đúng lúc về tự do hoá thương mại và giảm các rào cản, trong khi các đối tác và láng giềng đều đạt thoả thuận này, nước đó sẽ vừa mất khả năng hội nhập vừa mất những yếu tố có thể tiết kiệm cho nền kinh tế quốc gia trong tương lai. 

 

Nguồn: trungtamwto.vn

Sưu tầm: Thanh Tuấn - BP IT

 
zalo

Đặt hàng online

zalo