Luôn miệng "xin lỗi" hàng ngày, người Nhật vẫn cho rằng: Có 3 kiểu người càng hay nói lời xin lỗi càng dễ gây chán ghét!

 

Không hẳn luôn miệng nói xin lỗi đều nhận được ánh nhìn thiện cảm, trái lại, nó có thể bộc lộ khá nhiều khuynh hướng tâm lý tiêu cực của chính bản thân người nói.

 “Xin lỗi” là hai từ cần phải nói khi chúng ta mắc lỗi sai, dù là ai, làm gì trong môi trường nào. Thế nhưng, khi sử dụng “xin lỗi” như một cái máy thì rất có thể, nó sẽ phản tác dụng, gây ác cảm với người xung quanh, cũng như phản ánh một góc khuất tâm lý tiêu cực nào đó của chính bản thân mình.

Chẳng hạn như tại Nhật Bản - quốc gia gắn liền với những lời xin lỗi xuất hiện mỗi ngày trong đời sống, từ lâu, không ít người đã mang chủ đề này ra thảo luận và đã đưa ra một kết quả đồng nhất: Không hẳn luôn miệng nói xin lỗi đều nhận được ánh nhìn thiện cảm của người đối diện, trái lại, nó có thể bộc lộ khá nhiều khuynh hướng tâm lý tiêu cực:

Tự đánh giá thấp bản thân

Người hay nói lời xin lỗi gần như ngay lập tức khi bị chất vấn, phản bác thuộc tuýp tâm lý này sẽ luôn tự nhủ bản thân mình quá yếu kém, tệ hại chẳng có tài cán gì, trong khi đó, mọi người xung quanh ai cũng giỏi giang hơn nên việc họ chất vấn mình, bảo mình sai thì tức là mình sai. Không cần nói nhiều, phải nói xin lỗi. 

Người Nhật cho rằng, tuýp này là “nạn nhân” của môi trường sống từ thuở nhỏ, cụ thể hơn là cách giáo dục của gia đình. Bố mẹ từ nhỏ không cho con sự tự do, suốt ngày chỉ biết bảo “con không được làm việc này”, “con sai rồi”,... cuối cùng, đứa trẻ lớn lên sẽ bị ám ảnh bởi những việc mình không thể làm, sinh ra tâm lý xem bản thân yếu kém.

Nghe qua có vẻ tuýp người này đáng được thông cảm nhưng việc luôn xem bản thân non kém về lâu về dài sẽ khiến bản thân họ trở nên nhu nhược, sống và làm việc theo lời nói của người khác, đánh mất chính kiến và lòng tự tôn của bản thân. Mặt khác, những người bên cạnh cũng cảm thấy chán nản khi tiếp xúc với kiểu người này. 

Ở nhiều khía cạnh của cuộc sống, xung đột qua phương thức tranh luận chính là tiền đề thúc đẩy sự phát triển, cả công việc lẫn các mối quan hệ riêng tư. Trong khi đó, người tự đánh giá thấp bản thân luôn tránh các cuộc tranh luận bằng lời “xin lỗi”. 

Cứng đầu

Người cứng đầu thì dễ gì họ chịu xin lỗi ai, đây có lẽ là suy nghĩ chung của rất nhiều người. Nhưng thực tế thì cứng đầu có rất nhiều kiểu, có người cứng đầu “không sợ trời không sợ đất”, chẳng thích cúi người trước mặt ai và cũng có người cứng đầu sẽ liền xin lỗi ngay khi bị chỉ trích, chất vấn vì “việc của tôi, xin lỗi rồi, bây giờ để tôi yên được chưa?”.

Tuýp xin lỗi cứng đầu thường không muốn tiếp thu ý kiến của người khác, trong lòng luôn tự cho rằng ai nói gì thì nói. Bố mẹ mắng, xin lỗi cho họ đỡ lèm bèm; sếp chê trách, xin lỗi cho đỡ phiền; bạn bè giận, xin lỗi cho xong chuyện;... cứ thế, họ xin lỗi mà cứng đầu chẳng quan tâm mình có thật sự sai hay không.

Kiểu người cứng đầu này sẽ gây chán ghét hơn trăm lần so với các kiểu người khác. Bởi họ sẽ liên tục tái diễn lỗi lầm của mình, dù có bị chỉ trích bao nhiêu lần, họ sẽ chữa cháy bằng lời xin lỗi rồi cứ thế ngoảnh mặt đi, tiếp tục làm và hành động những việc mình cho là đúng. Tất nhiên, nghe lời xin lỗi từ kiểu người cứng đầu này mãi ai mà chẳng chán ghét, bực mình. 

Chứng tỏ bản thân

Người hay xin lỗi thì chứng tỏ điều gì? Câu trả lời là rất nhiều. Hay xin lỗi lúc ở ngoài đường, chứng tỏ mình lịch sự. Hay xin lỗi trong công việc, chứng tỏ mình biết lắng nghe. Hay xin lỗi trong tình yêu, chứng tỏ mình chiều chuộng nửa kia. Hay xin lỗi trong các mối quan hệ bạn bè xã hội, chứng tỏ mình có văn hóa... 

Thực chất, kiểu người này không hại gì đến ai, chỉ là quen miệng thích chứng tỏ và mong muốn khi nhớ về mình, ai cũng cho rằng mình là một con người khéo léo. Nhưng khéo léo và thảo mai chỉ cách nhau có một sợi tóc. 

Người nói xin lỗi quá nhiều mà không cho bản thân có cơ hội suy nghĩ xem lời xin lỗi nói ra có làm đối phương khó chịu hay không, luôn là người không nhìn rõ sợi tóc ấy và cứ thế, tự biến mình thành kẻ hề trong mắt người khác. 

Thành thực, không hẳn lúc nào người khác cũng muốn nghe lời xin lỗi của đối phương quá thường xuyên, dù họ sai hay không sai. Trong công việc cũng vậy, các mối quan hệ cũng thế, thay vì xin lỗi hãy chủ động đi tìm giải pháp. 

Nếu bản thân là người có văn hóa, biết lắng nghe, nhìn thấy điểm sai của bản thân thì nó sẽ tự bộc lộ chứ không cần phải “chứng tỏ” quá nhiều qua hai từ “xin lỗi”. Chúng ta chỉ “chứng tỏ”, “tỏ vẻ”, “tỏ ra” cái gì mà mình không có, phải không?

 

Nguồn: afamily.vn

Sưu tầm: Lệ Hồng - P.DVKH

zalo

Đặt hàng online

zalo