Môi trường bị ô nhiễm khiến 1,7 triệu trẻ tử vong mỗi năm

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính mỗi năm các chất gây ô nhiễm môi trường đã khiến cho khoảng 1,7 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong. Nguyên nhân là do nguồn nước không an toàn, thiếu điều kiện vệ sinh, thực hành vệ sinh kém và ô nhiễm trong nhà và ngoài trời, cũng như chấn thương. 

Báo cáo mới nêu bật những nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng tử vong ở trẻ em có thể ngăn ngừa thông qua các biện pháp can thiệp sẵn có đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Những nguyên nhân như tiêu chảy, sốt rét và viêm phổi, có thể được ngăn ngừa bằng cách sử dụng màn được xử lý bằng thuốc trừ sâu, nhiên liệu nấu ăn sạch và tăng cường tiếp cận với nguồn nước sạch.

 

TS. Margaret Chan, Tổng giám đốc WHO cho rằng: "Môi trường ô nhiễm là một trong những nguyên nhân gây tử vong đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Các cơ quan và hệ miễn dịch của trẻ đang phát triển, các cơ quan và đường hô hấp nhỏ hơn khiến trẻ đặc biệt dễ bị tổn thương do không khí và nước bẩn".

 

Trẻ sơ sinh tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời, bao gồm khói thuốc gián tiếp, có nguy cơ cao bị viêm phổi trong thời thơ ấu cũng như tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp mãn tính ví dụ như hen suyễn trong phần còn lại của cuộc đời. WHO cũng nhấn mạnh nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ and và ung thư gia tăng do tiếp xúc với ô nhiễm không khí. Hơn 90% dân số thế giới được cho là hít thở không khí không đáp ứng các hướng dẫn về chất lượng WHO đề ra.

 

TS. Maria Neira, Cục trưởng Cục Y tế Công cộng cho rằng: “Việc đầu tư loại bỏ các nguy cơ môi trường đến sức khỏe như cải thiện chất lượng nước hoặc sử dụng nhiên liệu sạch sẽ mang lại những lợi ích sức khoẻ to lớn. Môi trường ô nhiễm gây hậu quả nặng nề đến sức khoẻ của con cái chúng ta”.

 

Sự gia tăng của chất thải điện và điện tử cũng là mối lo ngại. Nếu không xử lý đúng cách, các độc tố trong chất thải có thể gây tổn hại đến trí thông minh và gây mất tập trung, tổn thương phổi và ung thư cho trẻ phải tiếp xúc với các độc tố đó. Những mối lo ngại bao gồm: nguy cơ biến đổi khí hậu gia tăng do nhiệt độ tăng và nồng độ CO2, thúc đẩy sự phát triển của phấn hoa và có thể là bệnh hen. Theo báo cáo, ước tính 44% trường hợp hen suyễn ở trẻ em trên toàn thế giới được cho là có liên quan đến sự phơi nhiễm môi trường.

 

Ngoài nêu bật gánh nặng của trẻ nhỏ, báo cáo mới đề xuất các phương thức để giảm các yếu tố nguy cơ và sau đó là giảm tỷ lệ tử vong. Đó là giảm ô nhiễm không khí, tăng tiếp cận với nguồn nước sạch và điều kiện vệ sinh, bảo vệ phụ nữ mang thai khỏi khói thuốc lá và xây dựng môi trường an toàn hơn để giảm tai nạn và thương tích.

 

Các giải pháp tiềm năng khác được đề cập trong báo cáo là loại bỏ nấm mốc và sâu bệnh khỏi nhà ở, loại bỏ sơn chì, đảm bảo điều kiện vệ sinh và dinh dưỡng tốt trong các trường học và sử dụng quy hoạch đô thị tốt hơn để tạo thêm không gian xanh trong các thành phố. Quản lý an toàn chất thải công nghiệp theo ngành cũng được nhấn mạnh cùng với việc ngừng sử dụng thuốc trừ sâu độc hại và lao động trẻ em trong nông nghiệp.

 

 

Các nguyên nhân môi trường hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi

 

1. Nhiễm khuẩn đường hô hấp

 

570.000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong do ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời và khói thuốc gián tiếp.

 

2. Tiêu chảy

 

361.000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong do ít được tiếp cận với nước sạch, điều kiện vệ sinh.

 

3. Tử vong trong tháng đầu đời

 

270.000 trẻ dưới 1 tháng tuổi tử vong có thể ngăn ngừa nếu được tiếp cận với nước sạch, điều kiện vệ sinh trong các cơ sở y tế và giảm ô nhiễm không khí.

 

4. Sốt rét

 

200.000 trường hợp trẻ dưới 5 tuổi tử vong có thể được ngăn ngừa nhờ có những cải thiện môi trường, bao gồm việc giảm các điểm muỗi phát triển hoặc tích trữ nước uống.

 

5. Thương tích ngoài ý muốn

 

200.000 ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi liên quan đến môi trường, bao gồm ngộ độc, ngã và đuối nước.

N.P.D-NASATI

 

Nguồn: dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe

Sưu tầm: Ngọc Ánh – P.HCTC

 
zalo

Đặt hàng online

zalo