Nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ quản lý cấp trung

 

Doanh nghiệp muốn hoạt động và đạt kết quả tốt thì việc phân cấp nhân viên là điều rất cần thiết. Vì vậy, bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần bộ phận quản lý cấp trung. Vậy nhà quản trị cấp trung là ai và họ có vai trò như thế nào trong doanh nghiệp?

1. Quản lý cấp trung là gì?

Quản lý cấp trung bao gồm các nhà lãnh đạo trung gian, ít thẩm quyền hơn quản lý cấp cao và ở trên những quản lý cấp thấp. Bộ phận này là cánh tay đắc lực của quản lý cấp cao trong việc thực hiện các chiến lược kinh doanh và vận hành hệ thống quản lý.

Quản trị cấp trung là bộ phận trung gian liên kết quản lý cấp cao và nhân viên cấp dưới

Họ là trưởng các phòng ban, giám đốc các xưởng sản xuất nhỏ, hay tổ trưởng tổ kỹ thuật. Đây được xem là bộ phận trung gian liên kết các quản lý cấp cao với nhân viên cấp dưới.

2. Vai trò của các nhà quản lý cấp trung

  • Tổ chức, triển khai và thực hiện hóa các thông tin, chính sách của các cán bộ cấp cao đối với nhân viên cấp dưới.
  • Cầu nối liên lạc giúp truyền đạt thông tin về các mục tiêu, chiến lược, chính sách…của cấp trên cho các cấp dưới.
  • Nắm giữ vai trò ra quyết định đối với các vấn đề nằm trong phạm vi thẩm quyền của họ.
  • Quản lý nhân sự, quản lý công việc trong bộ phận.
  • Người quản lý và phân công từng nhiệm vụ công việc cho các nhân viên trong bộ phận quản lý.
  • Một nhà cung cấp thông tin hoặc là người đồng hành, tư vấn, tham mưu.

3. Kỹ năng cần thiết của nhà quản lý cấp trung

3.1. Kỹ năng quản lý sự thay đổi

Khả năng giao tiếp, ứng phó và thực hiện thay đổi là kỹ năng cơ bản của các nhà quản trị cấp trung. Họ thường là người kiểm soát phản ứng của nhân viên đối với việc thay đổi môi trường làm việc để đưa ra sự động viên cần thiết giúp việc thay đổi được diễn ra hiệu quả. Ngoài ra, họ còn được đào tạo bài bản để giúp nhân viên chuẩn bị tinh thần và có khả năng xử lý quá trình thay đổi của môi trường làm việc.

3.2. Kỹ năng giao tiếp

Không phải bất cứ ai giỏi giao tiếp cũng đều thành công. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, những người thành công đều giỏi giao tiếp. Thực tế, kỹ năng giao tiếp đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với cán bộ lãnh đạo cấp trung. Họ cần báo cáo kế hoạch với cấp trên, truyền thông tin cho cấp dưới. Bởi vì chuỗi thông tin liên lạc diễn ra theo hai chiều lên xuống, do đó, chỉ số EQ cao và kỹ năng giao tiếp là điều không thể thiếu.

3.3. Kỹ năng báo cáo

Một nhà lãnh đạo cấp trung cần minh bạch giữa công việc, kết quả công việc đội nhóm của bạn. Do đó, những bài báo cáo trong các buổi họp cần phải phù hợp với các dự đoán, đề mục được yêu cầu để đánh giá trung thực công việc của nhóm bạn.

3.4. Thiết lập và đạt được mục tiêu

Bạn cần có khả năng đánh giá sự ưu tiên và các kỹ năng quản lý thời gian để đáp ứng Chỉ số đánh giá hiệu suất công việc (KPIs) của mình. Bạn cũng được mong đợi sẽ nâng cao KPIs cho đội nhóm của mình và xác định các nhu cầu đào tạo, hoặc những hỗ trợ khác để nhân viên đáp ứng được chỉ số này. 

3.5. Sự đổi mới

Khả năng đổi mới là kỹ năng mà bất cứ nhà quản lý giỏi nào cũng phải có. Đây là điều làm nên sự khác biệt giữa doanh nghiệp của bạn và đối thủ. Nhà quản trị cấp trung không chỉ tìm kiếm cách thức làm việc mới mà còn phải thử nghiệm và đánh giá cách thức đó. Bên cạnh đó, sự tự tin và kỹ năng đàm phán tốt sẽ đem lại thuận lợi cho sự đổi mới của bạn.

Nguồn:  pms.edu.vn

                                                                                                         Sưu tầm: Dziễm Trung – Thư ký ĐGN

zalo

Đặt hàng online

zalo