Ngày Nước thế giới: Bảo vệ nguồn nước, bảo vệ sự sống

Ngày Nước thế giới được các quốc gia trên thế giới tổ chức vào ngày 22 tháng 3 hằng năm nhằm kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng trên toàn thế giới về tầm quan trọng của tài nguyên nước và vận động chính sách về quản lý bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt.

Ba phần tư diện tích trái đất được bao phủ bởi nước. Tuy nhiên lượng nước ngọt trên trái đất chỉ chiếm một lượng nhỏ – khoảng 1%. Nước đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, thiếu nước thì sự sống sẽ diễn ra rất khó khăn. Chúng ta đang được tận hưởng rất nhiều nước và đó là nước sạch, nhưng cũng có không ít người đang phải sống trong cảnh thiếu thốn nước, và họ phải chấp nhận dùng nước bẩn.

Nước sạch là nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn, nếu tình trạng khai thác và sử dụng không hợp lý như hiện nay còn tiếp diễn thì một ngày không xa sẽ cạn kiệt nguồn nước. Khi đó con người sẽ đứng trước thảm họa không có nước sạch để duy trì sự sống.

 


 

Các nguyên nhân làm ô nhiễm nguồn nước

Ảnh hưởng do phát triển công nghiệp và dịch vụ:

  • Việc gia tăng nhiều nhà máy, xí nghiệp từ quy mô nhỏ hộ gia đình đến quy mô lớn dẫn đến nhu cầu về nguồn nước tăng, không những nước phục vụ cho sản xuất mà còn phục vụ sinh hoạt cho một số lượng lớn công nhân từ nhiều vùng khác nhau tập trung về. Đặc biệt ở các khu vực chưa có hệ thống cấp nước, mật độ khai thác nước dưới đất sẽ gia tăng nhanh, từ đó dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn nước và sụp lún đất
  • Các chất thải công nghiệp như khói, bụi... tạo nên mưa axit, làm thay đổi chất lượng nước ngọt, ảnh hưởng xấu đến đất và môi trường sinh thái.
  • Việc xả nước thải sản xuất từ các nhà máy, khu chế xuất khu công nghiệp chưa được xử lý vào sông rạch, ao hồ gây ô nhiễm nước mặt, nước dưới đất. Thậm chí có nơi còn cho nước thải chảy tràn trên mặt đất để tự thấm xuống đất hoặc đào các hố dưới đất để xả nước thải làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tầng nước dưới đất. 

 


+ Ảnh hưởng do hoạt động của con người:

  • Các dòng nước mặt (sông, kênh rạch...), đặc biệt là ở vùng đô thị đều bị ô nhiễm trầm trọng bởi rác thải, nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư xả vào kênh rạch chưa qua xử lý.
  • Nhu cầu nước sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt và các hoạt động khác của con người gia tăng, dẫn đến tình trạng khai thác nước dưới đất tràn lan gây cạn kiệt nguồn nước và ảnh hưởng đến môi trường như sụp lún, nhiễm mặn...
  • Nhiều giếng khoan thi công không đúng kỹ thuật, giếng gần khu vực nhà vệ sinh, hệ thống xử lý nước thải, giếng khoan hư không được trám lấp là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước.
  • Nhiều sự cố gây thất thoát nước do đường ống dẫn nước cũ gãy bể lâu ngày, rò rỉ nước từ van hư cũ. Lười hoặc quên tắt van cũng là nguyên nhân gây lãng phí nước.
  • Để gia tăng môi trường sống, con người phá rừng lấy đất, san ruộng cất nhà, làm đường dẫn đến mất khả năng giữ nước của đất, lượng nước bề mặt không được thấm bổ sung vào nước ngầm mà chảy vào sông rạch, ra biển...

+Ảnh hưởng do một số nguyên nhân khác:

  • Hệ thống kênh rạch không được nạo vét dẫn đến tích tụ một khối lượng lớn các vật chất hữu cơ từ nước thải, rác thải gây bồi lắng và ảnh hưởng đến việc tiêu thoát của dòng nước.
  • Các bãi chôn rác không đạt yêu cầu kỹ thuật, nước rỉ ra từ rác thấm vào mạch nước ngầm hoặc cho chảy tràn trên mặt đất vào kênh rạch.
  • Ảnh hưởng do chưa có ý thức về sử dụng và bảo vệ nguồn nước như sử dụng bừa bãi, hoang phí, không đúng mục đích sử dụng...
  • Các dòng nước mặt trên sông, kênh rạch còn bị ô nhiễm do xăng dầu của các tàu bè đi lại, hoặc các sự cố vận chuyển khác trên sông, biển.

          Giải pháp bảo vệ nguồn nước

  • Xây dựng và nhân rộng các mô hình sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường thiết bị, công nghệ tự động trong giám sát hoạt động khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước; tăng cường cơ chế điều hòa, điều tiết các nguồn nước góp phần hạn chế thiếu nước theo vùng và theo mùa; xây dựng và thực hiện các phương án, giải pháp đảm bảo dòng chảy kiệt vào mùa khô trên các lưu vực sông.
  • Thực hiện cải tạo, phục hồi các dòng sông, đoạn sông nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt; thiết lập hành lang bảo vệ các nguồn nước quan trọng;
    - Triển khai mạnh các dự án khắc phục, cải tạo hồ, ao, kênh, mương, đoạn sông đã bị ô nhiễm, suy thoái nặng, trước hết là trong các đô thị, khu dân cư, vùng cung cấp nguồn nước sinh hoạt.
  • Đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường cho nhân dân, đặc biệt là dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn; cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, các chiến sĩ quân đội trên các đảo, quần đảo, ngư dân hoạt động trên biển.

 

 

  • Nhà nước cần có chế tài xử phạt thật nặng và nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi phá hoại môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
  • Tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân bằng nhiều hình thức tuyên truyền. Trong đó chú trọng tính phù hợp, tính thực tiễn về nội dung và hình thức tuyên truyền cho từng loại đối tượng. Riêng đối tượng là học sinh, sinh viên cần đưa vào chương trình chính khóa kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sạch là quá trình lâu dài và nhiều khó khăn. Song, nếu có sự chung tay của nhà nước và cả cộng đồng thì chắc chắn môi trường của chúng ta sẽ được cải thiện. Mỗi người cần nhận thức và có hành động tiết kiệm nước, dù nhỏ - nhưng sẽ góp phần rất lớn trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này, góp phần bảo vệ sự sống của con người và mọi sinh vật trên trái đất. Vì vậy, tất cả chúng ta hãy cùng hành động! 

 

Nguồn: kktcaobang.gov.vn/index.php

Sưu tầm: Văn Hiến - IT

zalo

Đặt hàng online

zalo