Nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm

Trong bối cảnh nhiều vấn đề môi trường phát sinh nhanh trên địa bàn TPHCM nhưng công tác kiểm soát chưa theo kịp, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) buộc phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kiểm soát chất lượng môi trường. Đây cũng là cơ sở để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà UBND TPHCM đề ra từ nay đến năm 2020.

Giảm rác thải chôn lấp

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng lượng rác thải sinh hoạt của thành phố đã đạt con số 7.500 tấn/ngày, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2016. Tỷ lệ tăng này cũng được duy trì đều qua các năm. Thế nhưng, cho đến nay, phần lớn khối lượng rác thải vẫn được xử lý bằng biện pháp chôn lấp.Điều này đã tạo gánh nặng rất lớn cho thành phố trong việc tìm quỹ đất lớn phục vụ cho việc chôn lấp rác.

Mặt khác, những mặt trái của giải pháp xử lý rác bằng biện pháp chôn lấp như phát sinh mùi hôi, nước rỉ rác đã gây nhiều bức xúc trong cộng đồng người dân. Điển hình nhất là vụ gây mùi hôi nghiêm trọng tại Khu xử lý rác Đa Phước đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại TP HCM và địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề, nhất là khu vực quận 7 trong thời gian qua.

Trước thực tế đó, một mặt Sở TN-MT cấp thiết triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm thiểu lượng rác thải phát sinh và đổi mới công nghệ xử lý rác.Cụ thể, dự kiến đầu quý 2-2017, đồng loạt triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn.Việc thực hiện được xác định thường xuyên và lâu dài chứ không làm thí điểm như trước đây.

Riêng tại các tuyến đường do lực lượng thu gom rác dân lập phụ trách, sẽ tiến hành tập huấn kỹ năng kết hợp hỗ trợ đổi phương tiện thu gom rác để đồng bộ hóa trang thiết bị thu gom và nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình. Cùng với giải pháp này, phương án cổ phần hóa hoạt động thu gom, quét dọn rác cũng sẽ được triển khai. Kế đến, sẽ hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đang tham gia xử lý rác thải tại thành phố chuyển đổi công nghệ xử lý theo hướng giảm chôn lấp và tăng tái chế rác thải.

 

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm (quận 6, TPHCM) sau khi cải tạo. Ảnh: THÁI HÒA

 

Liên quan đến hoạt động xử lý rác thải, UBND TPHCM cũng vừa phê duyệt chủ trương cho phép Công ty Trisun Green Energy đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, công nghiệp bằng công nghệ đốt plasma với tổng vốn đầu tư 520 triệu USD. Dự án này sẽ được xây dựng tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi với tổng diện tích 13ha, triển khai trong vòng 33 tháng tính từ thời điểm hiện tại. Khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ có công suất xử lý 1.000 tấn rác thải sinh hoạt/ngày và 1.000 tấn rác thải nguy hại, công nghiệp/ngày.

Trước đó, UBND TPHCM cũng phê duyệt cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP phối hợp với Công ty Hitachi Zosen của Nhật Bản thí điểm đầu tư nhà máy sản xuất đốt rác phát điện tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi. Hiện các bên liên quan đang đề xuất UBND TP cho phép đầu tư nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt khí hóa hiện đại với công suất 1.000 tấn/ngày từ nguồn vốn đầu tư của công ty. Dự kiến, sau khi các nhà máy tái chế rác thải đi vào hoạt động, TPHCM sẽ đảm bảo tỷ lệ rác thải chôn lấp xuống còn 60%, thay vì 90% như hiện nay.

Kiểm soát nồng độ khí thải và nước thải

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết ngoài những giải pháp cấp bách xử lý rác thải thì những giải pháp đầu tư cho hạ tầng kiểm soát chất thải ô nhiễm, khí thải và nước thải cũng được gấp rút đầu tư. Trước mắt, trong năm 2017, sở nhanh chóng hoàn thiện hệ thống quan trắc không khí, nước thải.Đây sẽ là cơ sở để đưa nồng độ các chất ô nhiễm vào tầm kiểm soát, làm cơ sở để đề xuất cũng như triển khai những giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tránh tình trạng như hiện nay, mật độ diện tích và dân số của thành phố lớn nhưng hệ thống quan trắc rất mỏng; những thông số ô nhiễm quan trắc được, không đảm bảo độ chính xác cao cho toàn thành phố cũng như từng khu vực cục bộ nên khó áp dụng những giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường phù hợp và hiệu quả cho từng khu vực.

Kết hợp với nâng cao chất lượng hệ thống quan trắc môi trường, sở sẽ triển khai giải pháp chế tài cần thiết để buộc các chủ nguồn thải có khối lượng nước thải lớn 1.000m3/ngày đêm trở lên phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Các hệ thống quan trắc này sẽ được kết nối trực tiếp với hệ thống tiếp nhận thông tin điện tử của sở, cho phép sở cũng như các cơ quan chức năng cập nhật thường xuyên hoạt động xử lý môi trường của doanh nghiệp. Đặc biệt, ngăn chặn tình trạng xả lén nước thải ra môi trường.

Riêng với hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu chế xuất, khu công nghiệp đã hoàn tất việc lắp đặt hệ thống quan trắc, đơn vị đầu tư hạ tầng khác nhau nên gây khó khăn cho quá trình phân tích dữ liệu thông tin. Vấn đề này sẽ được sở sớm khắc phục trong thời gian tới.

Tại cuộc họp triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa, khẳng định: “Ô nhiễm môi trường không những làm môi trường đầu tư tại TPHCM kém hấp dẫn, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Do vậy, ngoài những kế hoạch mà Sở TN-MT đề ra, thì cần rút ngắn tiến độ thực hiện các chương trình để tăng hiệu quả mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, với hoạt động phân loại rác thải tại nguồn - cơ sở nền tảng để giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp, tăng lượng rác tái chế cho thành phố, cần phải sớm thực hiện ngay.

UBND TP đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với những đơn vị liên quan nghiên cứu và chế tạo xe 2 ngăn phù hợp với đặc thù khu dân cư của thành phố. Vấn đề còn lại là sớm đề xuất những chính sách hỗ trợ phù hợp cho lực lượng thu gom rác dân lập để tạo điều kiện cho họ chuyển đổi phương thức hoạt động đáp ứng yêu cầu chương trình phân loại rác tại nguồn mà thành phố đang triển khai.

Về các dự án đầu tư hạ tầng cho môi trường đã được thành phố phê duyệt cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Không thể để thành phố đi thụt lùi trong công tác bảo vệ môi trường sống”.

Phúc Anh SGGP Online

Nguồn: vea.gov.vn/vn/quanlymt

Sưu tầm: Văn Hiệp – tổ hóa

zalo

Đặt hàng online

zalo