Phải đối mặt thế nào với lời phê bình của sếp và đồng nghiệp?

 

Bạn đã cảm thấy thế nào khi nhận được lời phê bình từ Sếp và đồng nghiệp? Chắc hẳn rất ít người trong chúng ta có thể dễ dàng vui vẻ chấp nhận những lời chê trách. Thay vào đó, thường sẽ là những cảm xúc tiêu cực, khó chịu hay phẫn nộ… Tuy nhiên, chính những lời phê bình lại là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự tiến bộ của chúng ta. Vì vậy, việc luyện tập và chuẩn bị để đối mặt với những lời phê bình là điều hoàn toàn cần thiết. Hãy cùng chúng tôi phân tích 4 bước sau để lời phê bình mang lại lợi ích lớn nhất nhé!

Bước 1: Nắm bắt phản ứng tự nhiên của bản thân để bình tĩnh lắng nghe

Khi gặp một lời phê bình, chúng ta thường có 3 xu hướng phản xạ. Thứ nhất, ngay lập tức phản công lại lời phê bình – “Điều này không đúng…” và tìm cách đổ lỗi cho người hoặc sự việc khác – “Do máy tính của tôi bị đơ nên…”. Thứ hai, ta mỉm cười gật đầu đồng ý – “Vâng, tôi sẽ cố gắng thay đổi!” – nhưng trong lòng lại đang sôi sục và không hề đồng tình với lời chê trách. Thứ 3, cũng gật đầu đồng ý – “Ok, tôi đã hiểu” và lờ đi cho qua luôn.

Đúng vậy, tự vệ là phản ứng bản năng của chúng ta khi nghe lời phê bình từ người khác. Khi sếp phê bình bản kế hoạch của ta còn sơ sài, ta nghĩ ông sếp này thật khó tính thay vì tập trung xem cần sửa đổi chi tiết phần nào. Khi đồng nghiệp chê ta nói chuyện thiếu tinh tế với khách hàng. Ta bảo cô này biết gì về vị khách của ta mà nhận xét, thay vì xem xét lại cách nói chuyện của bản thân. 

Những cảm xúc tiêu cực khi lắng nghe lời phê bình

 Đây chính là rào cản tâm lý khiến chúng ta có xu hướng kháng cự lại lời phê bình. Vì vậy, chúng ta cần kiểm soát được những phản ứng tự vệ của bản thân để có bình tĩnh lắng nghe và phân tích vấn đề thấu đáo hơn. Lấy ví dụ về Mai Anh – một nhân viên văn phòng – khi nghe sếp nhận xét rằng trang phục của cô hơi hở hang và thiếu chuyên nghiệp. Tại thời điểm đó, cô tức giận nghĩ: “Thật xấu hổ, không ngờ sếp lại khiếm nhã như vậy”. Tuy nhiên, sau khi hiểu được những phản xạ tự nhiên của bản thân, cô nhận ra rằng mình chỉ đang quan trọng hóa vấn đề lên. Sau đó, cô đã có thể bình tĩnh xem xét lại trang phục của bản thân và thấy rằng việc cần làm của cô đơn giản là chọn những bộ trang phục kín đáo và phù hợp hơn. 

Bạn biết đấy, không có ai là hoàn hảo cả và ta luôn cần những lời góp ý để trở nên hoàn thiện hơn. Những cảm xúc tiêu cực khi nghe lời phê bình là rất tự nhiên, nhưng chúng ta vẫn hoàn toàn có thể kiểm soát nó. Từ đó, ta có thể bình tĩnh lắng nghe, dành thời gian suy ngẫm và tìm ra đưa ra những lựa chọn đúng đắn. Nếu lời phê bình mang tính chất góp ý xây dựng, bạn có thể vui vẻ đón nhận để trở thành một người hoàn thiện hơn. Nhưng nếu nó có thể làm bạn bị tổn thương , bạn hoàn toàn có thể bỏ qua nó để tránh bị ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng của mình.

Bước 2: Tập trung vào lời phê bình hơn là người phê bình

Khi người đưa ra lời phê bình là những người thân thiết như ba mẹ, anh chị em, ta thường thấy ít khó chịu và dễ tiếp thu hơn. Nhưng những lời chê trách đưa ra bởi sếp hay đồng nghiệp lại khiến ta phát bực lên và chẳng vui vẻ gì. Hoặc bao giờ lời góp ý từ cô đồng nghiệp thân thiết cũng dễ nghe hơn là lời chê bai từ anh đồng nghiệp khác team. Đừng làm như vậy, hãy để những lời phê bình được “bình đẳng”!

Hãy để những lời phê bình được “bình đẳng”

 Bạn nên tập trung vào nội dung của lời phê bình hơn là quan tâm tới người phê bình. Bởi, khi quá chú ý vào người phê bình, bạn sẽ rất dễ để những cảm xúc cá nhân làm lời góp ý thiếu đi sự khách quan. Bất kỳ lời phê bình nào cũng đều mang mục đích mong muốn bạn cải thiện bản thân tốt hơn, không phụ thuộc nó tới từ ai. Để làm được điều này, bạn cần học cách thay đổi tư duy để có thể cởi mở hơn với những lời phê bình. Hãy giữ một “cái đầu lạnh” khi lắng nghe những lời phê bình nhé!

Bước 3: Dành thời gian để phân tích lời phê bình một cách cẩn thận

Có phải lời phê bình nào cũng tích cực? Lời phê bình nào cũng đúng? Không đâu, lời phê bình chỉ mang tính chất góp ý. Và việc của bạn là dành thời gian để giải mã và chọn lọc những thông tin có giá trị trong lời phê bình một cách cẩn thận. 

Dành thời gian để phân tích những lời phê bình cẩn thận

 Đôi khi, có những lời phê bình nghe rất chung chung như “Phong cách làm việc của cậu cần chuyên nghiệp lên!” Với những lời góp ý này bạn hẳn sẽ rất bối rối vì không biết phong cách làm việc ở đây là trong cách ăn mặc, cách giao tiếp hay cách xử lý công việc…? Chuyên nghiệp là cần phải nâng cao như thế nào hay phải xử sự ra sao? Đối với những trường hợp này, lời khuyên của chúng tôi là bạn nên có thêm trao đổi với người đưa ra lời phê bình, hãy hỏi anh ấy chi tiết hơn, ví dụ như anh ấy mong muốn bạn thay đổi điều gì, thay đổi như thế nào để trở nên chuyên nghiệp hơn…? Từ đó, bạn sẽ phân tích được lời phê bình một cách chi tiết nhất và thu thập thêm những thông tin quý giá.

Bước 4: Rút kinh nghiệm để hoàn thiện bản thân 

Sau khi đã phân tích, đánh giá và đối chiếu giữa lời phê bình và bản thân, bạn thấy bản thân cần thay đổi điều gì? Đừng chỉ nhìn nhận lời phê bình gói gọn trong một công việc hay một sự việc. Ví dụ như khi sếp phàn nàn rằng bản kế hoạch này của bạn còn sơ sài. Bạn đừng chỉ nghĩ rằng sửa chi tiết bản kế hoạch này là xong, mà bạn cần rút kinh nghiệm cho những bản kế hoạch sau nữa. Khi đồng nghiệp chê bạn thiếu tinh tế khi nói chuyện với khách hàng này, bạn không chỉ cần thay đổi thái độ làm việc với một khách hàng này mà còn cần cải thiện chất lượng phục vụ chuyên nghiệp hơn với những khách hàng sau. 

Không phải ai cũng đủ tinh tế để đưa ra những góp ý dễ nghe, mà thông thường bạn chỉ được nghe sẽ những lời chê trách chói tai. Nhưng chúng tôi tin rằng, sau khi hiểu được giá trị to lớn của những lời phê bình, bạn sẽ luôn giữ được bình tĩnh để lắng nghe và phân tích cẩn thận. Từ đó, bạn sẽ rút ra được những kinh nghiệm quý giá để phát triển bản thân!

 

Nguồn: workpro.vn

Sưu tầm: Phụng Hoàng - P. ĐHTTPP

zalo

Đặt hàng online

zalo