Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, cấp sổ đỏ đất nông nghiệp, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, hộ dân ở Hà Nội đẩy mạnh đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 40 mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao. Thành phố đang xây dựng các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực này.

Từ nhiều năm nay, phong trào chăn nuôi bò sữa tập trung tại xã Phù Ðổng, huyện Gia Lâm phát triển mạnh, với đàn bò khoảng 1.800 con. Nhờ chăn nuôi bò sữa, nhiều gia đình trong xã có thu nhập khá, đời sống kinh tế được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, do chăn nuôi chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, phân bò và chất thải hữu cơ không được thu gom, xử lý, dẫn đến môi trường khu dân cư bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng cuộc sống của người dân. Ðể giải quyết vấn đề này, một số hộ dân đã xây dựng bể bi-ô-ga, nhưng hiệu quả của phương pháp này không cao. Tiếp đó, một số hộ dân sử dụng nguồn phân bò để nuôi giun quế, nhưng do quy mô sản xuất nhỏ, chỉ xử lý được khoảng hai, ba tấn/ngày, lượng phân bò bị ùn ứ trong khu dân cư, thậm chí, một số hộ dân còn đổ bừa bãi ở khu vực bờ đê, bãi sông Ðuống. Bức xúc về tình trạng này, Chủ tịch HÐQT Hợp tác xã Phát triển nông nghiệp và dịch vụ thương mại Hiệp Thư Nguyễn Xuân Hùng đã mạnh dạn đầu tư một xưởng rộng 1.500 m2, gồm 50 bể nuôi, tại thôn Phù Dực 2, xã Phù Ðổng để nuôi giun quế. Ông đã ứng dụng khoa học - công nghệ vào chăn nuôi, xây dựng hệ thống chuồng trại hiện đại, khép kín, bảo đảm quá trình chăn nuôi không phải sử dụng hóa chất và không phát sinh mùi hôi. Giun quế sinh trưởng, phát triển nhanh và có thể thu hoạch sau 40 ngày, với giá bán khoảng 100 nghìn đồng/kg. Sau quá trình chăn nuôi, phân bò tự phân hủy trở thành phân bón vi sinh rất tốt cho các loại cây trồng. Mô hình nuôi giun quế đã rất thành công khi toàn bộ lượng phân bò thải ra trên địa bàn xã Phù Ðổng được xử lý triệt để, bảo đảm vệ sinh môi trường. Các hộ dân không còn phải lo lắng, tốn kém đầu tư hệ thống xử lý phân bò và chất thải hữu cơ trong chăn nuôi. Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, thành công lớn nhất của trại nuôi giun quế là đã góp phần thay đổi nhận thức của người chăn nuôi trong việc bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện nay, hợp tác xã đang chuyển giao công nghệ nuôi giun quế hiện đại này cho người dân tại xã Lệ Chi (huyện Gia Lâm) và huyện Thạch Thất.

Tại xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, khu nhà lưới rộng 2.600 m2 trồng rau thủy canh theo công nghệ hiện đại từ I-xra-en của Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Ðức Phát vừa đi vào hoạt động cũng bước đầu đạt hiệu quả. Các loại rau do hợp tác xã ươm, trồng đều sinh trưởng và phát triển tốt, không có sâu bệnh. Nhiều loại rau chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm như rau muống, xà lách, cải ngọt… đã cung cấp cho bếp ăn các trường học, cơ quan, nhà hàng lớn trên địa bàn huyện, được người tiêu dùng đón nhận. Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ Trần Quang Khánh cho biết, nhờ lợi thế vùng đất bãi sông Hồng màu mỡ, nhiều năm nay, người dân đã phát triển vùng trồng rau, cây ăn quả rộng hơn 110 ha, trong đó có khoảng 12 ha trồng rau đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới tuy còn mới mẻ, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, nhưng người dân đã nhanh chóng nắm bắt được khoa học - công nghệ, tổ chức sản xuất ổn định. Từ thành công của mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, cung cấp cho thị trường Thủ đô những sản phẩm an toàn, chất lượng.

Theo báo cáo của đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 40 mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài những mô hình tiêu biểu nêu trên, có thể kể đến mô hình sản xuất giống và hoa lan Hồ Ðiệp của gia đình bà Nguyễn Thị Kim Dung và Hợp tác xã Ðan Hoài (huyện Ðan Phượng), mô hình trồng nấm của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Ðức), mô hình chăn nuôi lợn rừng và trồng rau hữu cơ bản địa dưới tán rừng (huyện Thạch Thất)… Ðiều đáng chú ý là người dân đã mạnh dạn liên kết góp vốn, góp đất sau khi ruộng đã được dồn đổi, quy hoạch thành vùng sản xuất, đầu tư hàng tỷ đồng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Các mô hình sản xuất sớm đi vào hoạt động ổn định, tạo ra những sản phẩm chất lượng, có giá trị kinh tế cao và bước đầu mang lại hiệu quả cho các nhà đầu tư.

Mới đây, trong đợt kiểm tra việc thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, chủ động của các địa phương trong việc định hướng, khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ðây là những minh chứng cụ thể, sống động để thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô thì việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế, nhất là chưa thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp lớn. Ðồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm còn rất rộng mở. Thành phố luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, người dân đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.

 

Nguồn: nhandan.com.vn

Sưu tầm: Thiên Trang – TTPP Phú Mỹ Hưng

zalo

Đặt hàng online

zalo