Ta nên làm gì lúc này?

 

Mấy hôm nay thấy mọi người cứ nhao nhao lên, đặc biệt là khi xăng tăng thêm 3000đ thì tin nhắn ào ào đủ thể loại. Tựu chung là mọi người đều lo lắng trước tình hình giá cả leo thang sắp tới. Vậy hành động đúng đắn lúc này nên là gì?

Hiện tại chúng ta đã là một phần của thế giới, một việc ở đâu đó bên kia địa cầu cũng ảnh hưởng tới cá nhân chúng ta. Do vậy tình hình hiện nay bản thân mỗi cá nhân chúng ta cũng không thể can thiệp được, ngay bản thân chính phủ cũng không còn có thể tự làm theo ý thích của mình nữa. Cho dù Việt Nam có theo Chủ nghĩa xã hội, hay chủ nghĩa tư bản, hay theo bất cứ thể chế chính trị nào thì nó cũng phải tuân theo quy luật chung, đó là quy luật thị trường.

Trước đây chúng ta tạo ra ít giá trị nhưng lại muốn hưởng nhiều hơn. Chúng ta bán tài nguyên để bù đắp vào khoản chênh này. Chúng ta tự sản xuất thì ít mà chỉ chăm chăm nhập khẩu từ cái tăm tới cái iphone 3G. Con người Việt Nam một thời gian ngắn lại đây mua sắm điên loạn. Dần dần thì việc bán tài nguyên hay kiều hối đổ về không đủ bù đắp khoản thiếu hụt. Để đến kết cục là chính phủ buộc phải tăng giá usd để hạn chế mua sắm đồ nhập khẩu của người dân.

Cũng cần nhắc lại là trước khi chính phủ phá giá tiền đồng thì để giảm giá usd ngoài chợ đen chính phủ đã tung đô la dữ trữ ra nhiều đợt. Tiếc là như muối bỏ bể, cộng với việc chính phủ nhăm nhe thực hiện các siêu dự án như Tàu cao tốc, rời đô lên ba vì, xây trục thăng long hay giờ đây là di chuyển các trường đại học; lại thêm bố Vinashine làm ăn thất bát. Thế nên Việt Nam bị giảm chỉ số tín nhiệm khiến cho các nhà đầu tư tháo chạy khỏi Việt Nam. Nhìn lại năm 97, cũng vì cái tòa tháp đôi cao nhất thế giới mà malaysia đã phải trả giá bởi cuộc khủng hoảng; thì giờ đây Việt Nam không khôn hơn là mấy, lại đi lại vết xe đổ.

Khó khăn thì tất nhiên ai cũng thấy, mọi người đều lo lắng, người giàu thì lo bảo toàn tài sản, người ngèo thì lo miếng cơm, học phí cho con hàng ngày. Ai cũng than thở, chỉ có điều việc này xuất phát từ tầm vĩ mô, vượt ra khỏi mong muốn của chúng ta. Chính phủ cũng khó khăn nhưng chính phủ là ai? chính phủ chẳng là ai cả. Còn chúng ta, mỗi chúng ta, tất cả đều là thực.

Lúc này đây, mỗi cá nhân chúng ta phải suy nghĩ hết sức sáng suốt. Không ai thương hay giúp chúng ta lúc này vì bản thân họ cũng có những nỗi lo của họ.  Điều tốt nhất có thể làm lúc này là phải nhìn sự việc ở mặt tích cực làm sao để tăng đầu vào và giảm đầu ra.

Giảm đầu ra đó là chi tiêu ít đi. Thay vì trước đây mua tăm Vip thì hãy chịu khó ra vùng ngoại ô…đẵn một thớ tre về mà đẽo dùng dần. Thay vì mua Sony vaio thì hãy mua acer, thay vì đi shopping ở ngoài thì hãy ở nhà mà xem phim,…Đừng mất bình tĩnh chạy theo số đông, nếu ta không có kiến thức hiểu biết về thị trường vàng thi đừng mua vàng, không hiểu biết về đất đai thì đừng mua đất. Nên hiểu rằng tiền không tự nó mất đi mà nó chỉ chuyển từ túi người này sang túi người khác, từ thằng dốt sang thằng khôn, từ người nghèo sang người giàu,….

Tăng đầu vào có nghĩa là tăng lương. Mọi thứ đều có cái giá của nó, nếu chúng ta chỉ chăm chăm than vãn, oán hận công ty thì hiệu quả công việc sẽ giảm; hiệu quả giảm thì lương cũng giảm theo rồi chúng ta sẽ còn thấy khó khăn hơn. Theo nguyên lý Stockdale hãy tin rằng mọi khó khăn đều sẽ qua để dũng cảm đương đầu với thử thách. Khó khăn là khó khăn chung, đâu chỉ có mình ta là khổ.

Ta cũng thấy rằng xã hội đang dịch chuyển rất nhanh. Mọi thứ đều tiến như vũ bão, từ công nghệ tới chính trị, từ môi trường xấu đi tới người ngày càng đông lên. Cuộc sống sẽ ngày càng khó khăn lên, không thể dễ đi. Nhưng khó khăn chỉ mang nghĩa tương đối, thời điểm này ta thấy khó khăn vì ta dốt, thời điểm khác ta thấy dễ dàng, không phải đời bớt khó khăn hơn mà chẳng qua là ta đã giỏi hơn mà thôi.

Lúc này là lúc phải tăng tốc. Không được để trình độ của chúng ta đứng yên, nếu một ngày mà chúng ta không học được cái gì mới thì là chúng ta đang thụt lùi, dần dần đến một lúc mà chúng ta không chạy kịp theo những người khác nữa. Mọi thứ đều tuân theo thuyết tiến hóa Darwin, ai không thích ứng thì bị đào thải, nghe thật nhẫn tâm nhưng đúng là mọi thứ quanh ta đều đang hoạt động như vậy.

Sẽ có người thắc mắc: tôi cống hiến bao nhiêu rồi mà tôi chẳng được hưởng gì, tôi chán rồi, tôi đi tìm việc chỗ khác đây. Đã trải qua ít nhất 4 vị trí tại 6 cty khác nhau tôi có đủ kiến thức và kinh nghiệm để trả lời rằng: Nguyên nhân sâu xa tại sao chúng ta cho rằng chúng ta cho đi nhiều, làm nhiều, cống hiến nhiều mà không được đền đáp xứng đáng đó là chúng ta bị chìm trong đám đông.

Giống như bẫy thu nhập trung bình mà Việt Nam đang vướng phải. Rất nhiều trong chúng ta bị vướng trong những người ở mức trung bình, cùng lắm hơn người trung bình một tí mà không thể vượt lên hẳn đám đông. Để vượt ra khỏi đám đông bí quyết là chúng ta phải hết sức nỗ lực trong mọi công việc cho dù đó là nhỏ nhất. Rất nhiều người tặc lưỡi chấp nhận kêt quả công việc ở mức trung bình mà không cố gắng làm tốt lên, khác biệt và sáng tạo. Chính vì vậy chúng ta bị chìm trong số đông những người bình thường.

Chúng ta có thể nổi bật trong một công ty 10 người, khó nổi bật trong một công ty 60 người, càng đông càng khó nổi bật, lại cực kỳ khó nổi bật trong những công ty không có hệ thống đánh giá và khen thưởng. Làm sao những việc ta làm tốt được sếp ta biết tới, chẳng nhẽ người khác không biết ta làm tốt thì ta quay về làm ở mức trung bình sao? Thực ra khi ta làm tốt một công việc gì đó ta đã được tương thưởng bằng niềm vui và trình độ bản thân nâng cao đâu cần phải người khác biết tới? Dần dần một lúc nào đó ta sẽ nổi bật, nếu cố gắng 10 lần mà chưa nổi bật thì cố gắng 100 lần, 1000 lần, rồi thì một lúc nào đó ta sẽ nổi bật.

Đa phần người lao động đều bị vòng lặp : cố gắng -> không được công nhận khen thưởng -> cố gắng -> vẫn không được công nhận -> cố gắng lần i -> không được cộng nhận -> không cố gắng nữa. Chính vì đa phần mọi người bị theo vòng lặp này mà rất dễ để những ai có lòng kiên trì và giữ được lửa nhiệt huyết thành công. Nếu như ai cũng cố gắng, ai cũng làm tốt thì mới khó nổi bật, thử nghĩ mà xem.

 

Nguồn: chienluocsong.com

Sưu tầm: Bảo Châu – P. Kế Toán

zalo

Đặt hàng online

zalo