TÁM THÓI QUEN ĐỂ THÀNH ĐẠT TRONG CUỘC SỐNG

 

Thói quen của sự thành đạt được xây dựng trên các nguyên tắc, phù hợp với quy luật tự nhiên mang lại cho chúng ta những lợi ích tối đa và bền vững. Nguyên tắc sống đúng đắn không bao giờ làm bạn thất bại.

Thói quen 1: Luôn luôn chủ động hành động

Chủ động không chỉ có nghĩa là đi bước đầu tiên. Đó là nhận lãnh trách nhiệm về hành vi của mình (trong quá khứ, hiện tại và tương lai) và có sự lựa chọn dựa trên những nguyên tắc và giá trị hơn là cảm xúc và hoàn cảnh nhất thời. Họ được thúc đẩy bởi những giá trị đã được suy nghĩ thấu đáo chọn lọc và tiếp thu. Một vài câu nói để minh họa cho tính chủ động như: “Không ai có thể làm tổn thương bạn nếu bạn không đồng ý” hay: “Họ không thể lấy đi sự tự trọng của chúng ta nếu chúng ta không cho họ cái quyền đó”. Qua đó, có thể thấy chính sự tự nguyện cho phép hay đồng tình của chúng ta khiến ta đau khổ hơn nhiều so với bản thân sự việc xảy ra. Hay một câu nói khác: “Số phận của tôi ngày hôm nay chính là do sự lựa chọn của tôi ngày hôm qua”. Những kinh nghiệm khó khăn nhất mà chúng ta đã trải qua lại trở thành lò tôi luyện tính cách, phát triển sức mạnh bên trong, đem lại cho ta quyền tự do để xử lý các tình huống khó khăn trong tương lai và thúc đẩy người khác làm theo mình. Những hoàn cảnh khó khăn thường tạo ra các thay đổi về mô thức. Điều quan trọng nhất là cách chúng ta phản ứng như thế nào đối với những gì chúng ta trải nghiệm.

Sự khác biệt giữa người chủ động và người thụ động thể hiện ở mọi cử chỉ hành động. Người chủ động luôn hoàn thành những việc mà họ muốn hoàn thành, giành được sự tự tin, giữ được tinh thần ổn định, tính tự lập và kiếm được thu nhập khá hơn. Người thụ động không thể hoàn thành công việc, vì người thụ động không bao giờ chịu hành động dứt khoát. Hậu quả là người thụ động sẽ đánh mất sự tự tin, tự hủy hoại khả năng làm việc độc lập, và chấp nhận một cuộc sống của kẻ tầm thường. Người chủ động đại diện cho sự thay đổi  hành động, họ  không muốn trở thành nạn nhân, hoặc ở vào thế thụ động hay đổ lỗi cho người khác. Họ làm điều đó bằng cách phát triển và sử dụng bốn khả năng thiên phú của con người, đó là: nhận thức bản thân (lắng nghe chính mình), lương tâm, trí tưởng tượng và ý chí độc lập, theo cách tiếp cận từ trong ra ngoài để tạo sự thay đổi. Họ quyết định trở thành nguồn lực sáng tạo trong chính cuộc đời mình, đó là quyết định quan trọng nhất mà một người có thể đưa ra. Ngược lại, người thụ động có thái độ tiêu cực luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác thường bị ảnh hưởng bởi tình cảm hoặc cảm xúc. Không có trách nhiệm với lời hứa của mình đối với người khác hành động theo bản năng hơn là lý trí.

Thói quen 2: Bắt đầu bằng cái mục tiêu đã được xác định

Mục tiêu rất quan trọng đối với thành công, cũng như không khí quan trọng đối với sự sống vậy. Không ai có thể thành công mà không xác lập một mục tiêu rõ ràng. Không ai từng sống mà không cần không khí. Hãy đặt ra những mục tiêu, để giúp bạn tiến về phía trước. Tất cả mọi thứ đều được sáng tạo hai lần lần đầu tiên bằng tinh thần và lần thứ hai bằng vật chất. Các cá nhân, gia đình, tập thể và tổ chức định hình tương lai của mình bằng cách tạo ra một tầm nhìn và mục đích cho bất kỳ công việc nào. Họ không sống ngày qua ngày mà không có mục tiêu rõ ràng. Họ xác định và cam kết với nguyên tắc là trọng tâm luôn tách ra khỏi nhưng cảm xúc do hoàn cảnh và các nhân tố khác mang lại để đánh giá các phương án khác nhau trong cuộc sống, giá trị, các mối quan hệ, và những mục tiêu quan trọng nhất đối với họ. Tuyên ngôn sứ mệnh là hình thức cao nhất của lần sáng tạo bằng tinh thần của một cá nhân, gia đình hoặc tổ chức. Đó là quyết định quan trọng nhất vì nó chi phối tất cả những quyết định khác. Tạo ra nền văn hóa đằng sau một sứ mệnh, tầm nhìn và những giá trị chung chính là cốt lõi của sự lãnh đạo.

Thói quen 3: Ưu tiên cho điều quan trọng nhất

Ưu tiên cho điều quan trọng nhất là lần sáng tạo thứ hai hoặc sáng tạo bằng vật chất. Đây là lúc bạn tổ chức và hành động xung quanh việc sáng tạo tinh thần (mục đích, tầm nhìn, giá trị và những ưu tiên quan trọng nhất của bạn). Những việc thứ yếu không được đến trước. Những việc chính yếu không bị xếp lại phía sau. Việc hôm nay không để ngày mai. Đừng bao giờ để cái quan trọng nhất bị cái tầm thường nhất chi phối. Các cá nhân và tổ chức tập trung vào những gì quan trọng nhất, bất kể nó có khẩn cấp hay không. Điều quan trọng nhất là giữ cho những việc quan trọng nằm ở vị trí quan trọng. Dưới đây là 6 điều bạn có thể áp dụng hàng ngày để đặt ưu tiên và giúp bạn làm việc với khả năng tốt nhất của mình:

1. Hãy dành thời gian xác định mục đích của bạn, để chắc chắn rằng những việc bạn ưu tiên làm sẽ phù hợp với những mục tiêu đó. Hãy nhớ rằng có nhiều người cố gắng để đạt được thành công nhưng khi đã đạt được rồi mới nhận ra rằng mình đã chọn con đường sai lầm.

2. Phát triển tầm nhìn chiến lược và theo đuổi những việc của hiện tại sẽ ảnh hưởng tích cực đến tương lai của bạn. Hãy cân bằng cuộc sống của mình bằng cách đặt ưu tiên cho những vấn đề như sức khoẻ, các mối quan hệ riêng tư và các mục tiêu tài chính.

3. Hãy nỗ lực để cải thiện các mặt quan trọng trong cuộc sống của bạn. Nếu bạn là nhân viên bán hàng, hãy học cách trở thành người bán hàng giỏi. Nếu bạn là cha/mẹ, hãy học cách làm cha/mẹ cho tốt. Sức mạnh thuộc về những người có kiến thức thực tế.

4. Hãy chắc chắn rằng bạn hoàn thành tốt công việc ngay từ khi bắt đầu. Bạn càng hạn chế mắc lỗi thì càng mất ít thời gian để quay lại sửa chữa sai lầm.

5. Cần hiểu rằng điều quan trọng nhất trong đặt ưu tiên là khả năng lựa chọn khôn ngoan. Bạn luôn được tự do quyết định làm việc này hay việc kia. Bạn có thể chọn làm những việc có nhiều ý nghĩa hoặc việc có ít ý nghĩa hơn, nhưng một khi bạn đã chọn, bạn phải chấp nhận hậu quả từ sự lựa chọn đó.

Hãy xác định ngay từ ngày hôm nay những ưu tiên trong các lĩnh vực cuộc sống của bạn. Và hãy ưu tiên những việc đem lại cho bạn sức khoẻ, hạnh phúc và sự phát triển trong dài hạn. Thời gian trôi qua rất nhanh và những gì bạn phải hi sinh ngày hôm nay sẽ được đền bù xứng đáng bằng tương lai tươi sáng của bạn.

Thói quen 4: Tư duy cùng thắng

Tư duy thắng - thua trở thành một thứ cố hữu tồn tại trong mỗi người, làm sao để cởi bỏ nó ra khỏi chúng ta? Cho có phải là nhận hay không? Cho gì không quan trọng, quan trọng là cách cho, nếu chúng ta cho đi đúng cách có nghĩa là chúng ta nhận lại được một điều gì đó ngay chính lúc ấy. Con người sinh ra mang trong mình tích ích kỷ vì vậy tư duy thắng thua luôn thường trực trong đầu và như thế hình thành nên những tư duy tiêu cực. Nếu chúng ta có sự chín chắn và rộng lượng, có mối quan hệ với độ tin cậy cao sẽ dễ hình thành tư duy cùng thắng, đôi bên cùng có lợi. Hãy mang lại cho xã hội những điều tốt đẹp, rồi chúng ta sẽ nhận được những điều tốt đẹp hơn mà xã hội sẽ mang lại.

Tư duy cùng thắng là khi khối óc và con tim tìm kiếm lợi ích chung dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau trong mọi tương tác. Đây chính là suy nghĩ về sự dồi dào của những cơ hội, của cải và nguồn lực cho tất cả mọi người, chứ không phải sự khan hiếm và cạnh tranh một mất một còn. Đó là niềm tin rằng có nhiều chiến thắng để đoạt lấy chứ không thể của riêng ai. Cũng như một buổi tiệc buffet mà có đủ thức ăn cho tất cả và món nào cũng có thể được ăn. Đời là bữa tiệc buffet mọi người cùng no cả. Đây không phải là kiểu suy nghĩ ích kỷ (thắng-thua) hoặc nhượng bộ (thua-thắng). Trong công việc và cuộc sống gia đình, các thành viên suy nghĩ một cách tương thuộc theo nghĩa “chúng ta” chứ không phải “tôi”. Tư duy cùng thắng thúc đẩy việc giải quyết mâu thuẫn và giúp các cá nhân tìm kiếm giải pháp đem lại lợi ích chung. Đó là sự chia sẻ thông tin, quyền lực, sự công nhận và phần thưởng.

Thói quen 5: Lắng nghe để được thấu hiểu

Các nguyên tắc giao tiếp trên cơ sở thấu hiểu lẫn nhau. Khi chúng ta lắng nghe với ý muốn thấu hiểu người khác, chứ không phải để đối đáp, thì đó là khi chúng ta bắt đầu một cuộc giao tiếp thật sự và gầy dựng mối quan hệ. Biết lắng nghe để thấu hiểu và để được thấu hiểu. Bởi vì, bạn có hai cái tai để nghe nhưng chỉ có một cái miệng để nói. Khi người khác cảm thấy mình được thấu hiểu, họ sẽ cảm thấy được ủng hộ và tôn trọng, hàng rào phòng thủ được hạ xuống, cơ hội nói chuyện cởi mở và thấu hiểu lẫn nhau sẽ đến một cách tự nhiên và dễ dàng hơn. Tại sao thói quen lắng nghe lại là bí quyết để tiếp cận người khác? Chính vì nhu cầu sâu thẳm của con người là được thấu hiểu. Ai cũng mong muốn được người khác tôn trọng và nhìn nhận giá trị của mình. Họ sẽ không bộc lộ những mềm yếu của mình trừ khi họ cảm nhận ra sự yêu thương chân thành và thấu hiểu. Khi đó họ sẽ kể cho bạn nghe nhiều hơn những gì bạn muốn nghe nữa. Nói cách khác, muốn thấu hiểu người khác cần sự tử tế, muốn được người khác thấu hiểu cần sự can đảm. Tính hiệu quả nằm trong sự cân bằng giữa hai vế đó.

Thói quen 6: Đồng tâm hiệp lực

Một cá nhân đơn lẻ có thể làm nên điều vĩ đại chỉ có trong thần thoại. Không có vấn đề gì mà chúng ta không thể cùng nhau giải quyết. Nếu có một mình, chúng ta chỉ có thể tự giải quyết một vài vấn đề. Tại sao chúng ta đứng một mình? “Chúng ta không nên chỉ sử dụng trí tuệ của mình, mà hãy mượn trí tuệ của nhiều người khác”  Wooddrow Wilson. Tinh thần làm việc nhóm chỉ có được khi bạn tập trung vào “chúng tôi” thay vì “tôi”. Mục tiêu bao giờ cũng quan trọng hơn vai trò cá nhân. Có bao giờ bạn tự hỏi rằng bạn được lợi ích gì khi tham gia nhóm? Nếu chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, thì bạn sẽ không bao giờ thấy được toàn cảnh. “Nếu muốn phát huy hết tiềm năng của cả đội thì một cầu thủ phải sẵn sàng đặt lợi ích cá nhân dưới mục tiêu của toàn đội” - Bud Wilkinson.

Không còn nghi ngờ gì nữa, nhóm trí tuệ có thể thông minh hơn trí tuệ cá nhân nhiều. Ngạn ngữ Nhật “Không ai có thể thông minh bằng tất cả chúng ta”.  Mỗi thành viên đều có một vị trí thích hợp để phát huy hết khả năng của mình. Chúng ta không chỉ đơn thuần làm việc cùng nhau, mà là đồng tâm hiệp lực làm việc cùng nhau. Làm việc với những người khác nhằm hướng tới chia sẻ mục tiêu tạo nên sự đồng thuận trong việc theo đuổi mục tiêu chung. Các thành viên trong nhóm phải hiệp lực với nhau khi làm việc. Đồng tâm hiệp lực là hoạt động cao nhất trong cuộc sống, là sự tập hợp vận dụng cùng lúc tất cả thói quen từ 1 đến 5, là sự huy động 4 khả năng thiên phú của con người. Đồng tâm hiệp lực nghĩa là tạo ra giải pháp thứ ba – không phải cách của tôi, không phải cách của bạn, mà là cách thứ ba tốt hơn cách mà mỗi người có thể tự nghĩ ra. Đó là kết quả của sự tôn trọng lẫn nhau, thấu hiểu và thậm chí tôn trọng sự khác biệt của người khác trong giải quyết vấn đề, và nắm bắt cơ hội. Những tập thể và gia đình đồng tâm hiệp lực phát triển mạnh mẽ dựa trên sức mạnh của từng cá nhân, khiến cho sức mạnh tổng thể mạnh hơn từng phần cộng lại. Những đội nhóm và các mối quan hệ kiểu này phản đối sự cạnh tranh thù địch (1+1 = ½). Họ không chấp nhận sự thỏa hiệp (1+1 = 1 ½) hoặc thậm chí cộng tác thuần túy (1+1 = 2). Họ tiến đến sự hợp tác sáng tạo (1+1 = 3, hoặc hơn).

Thói quen 7: Không ngừng rèn giũa bản thân

Không ngừng rèn luyện là việc liên tục đổi mới bản thân trên bốn lĩnh vực cơ bản của đời sống: thể chất, tinh thần, trí tuệ  xã hội/tình cảm.

Rèn luyện thể chất là luôn quan tâm chăm sóc cơ thể với chế độ ăn uống quân bình “âm dương” là thuận theo quy luật của tự nhiên và vũ trụ. Vì vậy, người ốm quá “âm” cần ăn đồ “dương”, và ngược lại người ốm quá “dương” cần ăn đồ “âm” để khôi phục lại sự cân bằng đã mất. Ví dụ người sốt cảm lạnh thì ăn cháo gừng, tía tô, người cảm nắng thì ăn cháo hành, người bị nhiệt miệng thì uống những nước có hàn tính mạnh như nước rau má,…(Ngô Đức Vượng, Minh triết trong ăn uống của Phương Đông); đồng thời nghỉ ngơi, thư giãn và luyện tập sức khỏe thường xuyên. Luyện tập là hoạt động thuộc phần tư thứ hai mà đa số chúng ta không làm thường xuyên vì không cấp bách. Vì không làm nên sớm muộn gì ta cũng rơi vào phần tư thứ nhất - đối phó với các vấn đề sức khỏe và khủng hoảng xảy ra. Rèn luyện sức khỏe là rèn luyện cho cơ thể ba phẩm chất: sức chịu đựng, sự dẻo dai và sức mạnh. Sức chịu đựng có được từ bài tập tay chân, làm tăng hiệu quả hoạt động của tim mạch. Sự dẻo dai có được nhờ tập luyện co giãn. Sức mạnh có được nhờ tập luyện sức bền của cơ bắp. Bản chất của sự tăng cường thể chất là để duy trì và nâng cao hiệu suất làm việc, thích nghi và thụ hưởng.

Rèn giũa tinh thần mang lại sự định hướng cho cuộc sống và có quan hệ chặt chẽ với thói quen 2. Văn học, âm nhạc hay sự giao tiếp với thiên nhiên cũng là cách làm đổi mới tinh thần. Khi dành thời gian để suy tư về những trọng tâm và ý nghĩa của cuộc sống, ta cũng cảm thấy tinh thần được tươi trẻ hơn. Đó là lý do tại sao tuyên ngôn sứ mệnh cá nhân lại quan trọng.

Trí tuệ của chúng ta phát triển tới đâu đa phần phụ thuộc vào việc học tập. Học tập không ngừng và mở rộng tri thức là phương pháp tự đổi mới tinh thần hiệu nghiệm. Không có cách nào tăng cường và mở rộng sự hiểu biết tốt hơn việc tạo thói quen thường xuyên đọc sách – hoạt động thuộc góc phần tư thứ hai. Qua đó, bạn có thể tiếp cận được với những tư tưởng lớn trên thế giới qua các thời đại. Những cuốn sách có giá trị sẽ giúp chúng ta mở rộng nhận thức về văn hóa, đổi mới tinh thần cũng như thanh lọc tâm hồn. Viết cũng là một phương pháp hiệu quả để “rèn giũa” trí tuệ. Duy trì việc ghi chép hàng ngày những suy nghĩ, những trải nghiệm, những ý tưởng và những điều đã học sẽ giúp tâm trí minh mẫn, nhạy bén và chính xác. Điều này cũng ảnh hưởng đến khả năng tư duy rõ ràng và sự hiểu biết thấu đáo.

Quan hệ xã hội/tình cảm tập trung vào các nguyên tắc lãnh đạo bản thân, giao tiếp thấu hiểu và hợp tác sáng tác.

Quá trình tự đổi mới bao gồm đổi mới cân bằng cả 4 mặt của con người: thể chất, tình thần, trí tuệ, quan hệ xã hội/tình cảm. Mặt nào cũng quan trọng ngang nhau và phát huy hiệu quả tối ưu khi được xử lý cân bằng và thông minh. Bỏ qua mặt nào cũng tạo ra áp lực kìm hãm chống lại sự thành công và phát triển. Đó chính là thói quen giúp chúng ta tăng khả năng áp dụng những thói quen hiệu quả khác. Đối với một tổ chức, Thói quen 7 nâng cao tầm nhìn, đổi mới, sự cải thiện liên tục, tránh tình trạng quá tải, kiệt quệ và đặt doanh nghiệp vào một lộ trình phát triển mới. Đối với gia đình, nó tăng cường tính hiệu quả trong những hoạt động thường lệ giữa các cá nhân, ví dụ như việc thiết lập truyền thống nuôi dưỡng sự đổi mới trong gia đình.

Thói quen thứ 8: Tìm ra tiếng nói của bản thân và giúp người khác tìm ra tiếng nói của riêng họ.

Thói quen thứ 8 nối tiếp và phát triển tư tưởng của 7 Thói quen để thành đạt (“7 thói quen để thành đạt”, The 7 Habits of Highly Effective People của tác giả Stephen R. Covey)[38]. Thói quen thứ 8 (Thói quen thứ 8 từ hiệu quả đến vĩ đại của Stephen R. Covery)[39] mang đến cho chúng ta những khái niệm mới về hiệu năng của con người và tổ chức trong xã hội mới. Tìm ra tiếng nói của bản thân là một sức mạnh bẩm sinh trong ta. Đó là những hạt mầm thành công chưa được khai thác. Chúng ta đều được ban tặng những “món quà thiên phú” từ lúc chào đời: tài năng, năng lực, trí thông minh và các cơ hội. Và cổ vũ người khác tìm ra tiếng nói của họ tìm ra sức mạnh của bản thân và biết cách sử dụng tiếng nói của mình.

Tìm ra tiếng nói của bạn

Để tìm ra tiếng nói của mình, bạn phải biết mình giỏi mặt nào, bạn thích làm gì, bạn nên làm gì, đang trăn trở, quan tâm đến điều gì. Khi bạn toàn tâm toàn ý, cả thể xác lẫn tinh thần, đặt hết 100% vào một dự án hoặc công việc, bạn tập trung cho công việc, và không gì có thể ngăn cản bạn thành công. Bạn cần lắng nghe tiếng nói bên trong của lương tâm (tiềm thức) mách bảo, cho bạn biết điều phải làm.

Gợi cảm hứng cho người khác tìm ra tiếng nói của họ.

Khi đã tìm ra tiếng nói của mình, bạn có thể bắt đầu truyền cảm hứng cho người khác để họ cũng tìm ra tiếng nói của chính họ. Các nhà lãnh đạo lớn luôn gợi hứng cho người khác tự giác ý thức, tìm ra bản thân mình và tiếng nói của mình. Cá nhân và tổ chức nào tìm ra được tiếng nói của mình thì sớm muộn gì cũng trở nên vĩ đại. Nói cách khác, nhà lãnh đạo gợi hứng cho người khác phát triển các tiềm năng của họ lên đến mức cao nhất có thể.http://vuahocvalam.com/data/upload/PIC5(20).jpg

Thói quen thứ 8 giúp giải quyết 5 nghịch lý như sau:

(1) Con người luôn mong muốn có những mối quan hệ tốt đẹp và sự bình an trong tâm hồn, nhưng cũng không muốn từ bỏ lối sống và các thói quen của mình.

(2) Các mối quan hệ được xây dựng dựa trên sự tin cậy, nhưng hầu hết mọi người đều nghĩ về cái “tôi” của mình nhiều hơn - tôi muốn, tôi có quyền…

(3) Các nhà quản trị muốn chi phí thấp nhưng hiệu quả cao, còn nhân viên của họ thì muốn làm ít nhưng nhận nhiều.

(4) Hoạt động của các doanh nghiệp tuân theo các quy luật kinh tế thị trường; nhưng tổ chức của họ thì vận hành theo các quy luật văn hóa.

(5) Xã hội vận hành theo giá trị được đa số thừa nhận, nhưng hầu hết chúng ta lệ thuộc vào những quy tắc và quy luật không thể phá vỡ của tự nhiên.

Trình bày 8 thói quen nêu ở trên để thành đạt là những chiếc chìa khóa để thành công trong mọi hoàn cảnh. Sau đây chúng ta tìm hiểu ở phần sau 17 kỹ năng giao tiếp - ứng xử trong kinh doanh nhằm rèn luyện những quy tắc ứng xử tuyệt vời, phù hợp chân lý cuộc sống nên tạo được hiệu quả về tâm lý, dẫn đến thành công trong và ngoài công việc và các mối quan hệ giữa con người. Giao tiếp chính là thấu hiểu lẫn nhau hay nói cách khác các nguyên tắc giao tiếp trên cơ sở thấu hiểu lẫn nhau. Vì vậy, muốn có thói quen giao tiếp hiệu quả, bạn không chỉ đơn thuần dựa vào kỹ thuật giao tiếp, hãy xây dựng cho mình kỹ năng lắng nghe thấu hiểu lẫn nhau và rèn luyện từ rất nhiều công sức và lòng quyết tâm dựa trên cơ sở tính cách, dẫn đến sự cởi mở và tin cậy. Bạn cũng cần mở các tài khoản tình cảm để tạo sự thông hiểu giữa những tâm hồn như Pascal: “Con tim có lý lẽ riêng mà lý trí không hiểu được”.

Chúng ta ai cũng biết một tài khoản ở ngân hàng là gì. Chúng ta gửi tiền vào đó và tích luỹ một quỹ tiết kiệm để có thể rút ra khi cần. Tài khoản tình cảm là một ẩn dụ để mô tả lượng tin cậy mà chúng ta tích lũy trong một mối quan hệ nào đó. Đó là cảm giác an toàn chúng ta có đối với một người khác.

Nếu tôi gửi một tài khoản tình cảm nơi bạn qua tính lịch sự, tử tế, thành thật và trung thực với bạn, tôi đã tích lũy một quỹ tiết kiệm nơi bạn. Bạn sẽ ngày càng tin cậy tôi hơn và tôi có thể nhờ đến lòng tin cậy đó khi tôi cần. Khi tài khoản tín nhiệm lên cao, sự giao tiếp sẽ tự nhiên, dễ dàng và hiệu quả.

Nhưng nếu tôi có thói quen cư xử thô lỗ, thiếu kính trọng, nóng giận hay khinh thường bạn, phản bội lòng tin cậy nơi bạn thì tài khoản tình cảm của tôi sẽ thâm hụt. Mức độ tin cậy của bạn đối với tôi sẽ xuống thấp. Lúc đó tôi có thể làm gì được không? Không làm gì được cả.

Thế nhưng việc tích lũy những tài khoản tình cảm không thể làm một sớm một chiều. Việc xây dựng và sửa chữa những mối quan hệ con người là một cuộc đầu tư lâu dài.

Hiểu Người, cố gắng tìm hiểu người khác có lẽ là một trong những trương mục quan trọng nhất và là nền tảng cho những trương mục khác. Bạn phải biết bản thân người kia thế nào thì bạn mới có thể quyết định gởi gắm điều gì nơi họ. Bạn phải chạm được tới những mối quan tâm và nhu cầu thâm sâu của người ấy.

Một điều quan trọng đối với người này có thể lại là vụn vặt đối với người khác. Để bạn có thể gửi gắm vào trương mục tình cảm nơi một người, bạn phải coi điều gì người ấy cho là quan trọng thì cũng là quan trọng đối với bạn.

Giữ lời hứa là một tài khoản tình cảm quan trọng nhất, thất hứa là một căn cớ dễ gây sự xa lánh. Thực vậy, không có gì dễ làm người khác xa lánh hơn khi ta hứa mà không giữ lời. Người ta thường có nhiều mong đợi ở những lời hứa đặc biệt những lời hứa liên quan đến đời sống.

Đặc biệt trong vai trò làm cha mẹ, là tôn trọng lời hứa. Để làm điều này, không nên hứa quá nhiều và phải đắn đo những điều kiện có thể giúp ta giữ lời hứa của mình. Nếu chúng ta vun trồng thói quen giữ lời hứa của mình, chúng ta sẽ xây dựng được sự tin cậy đối với con cái. Sau này, khi con bạn muốn làm một điều gì mà bạn không muốn và nhìn thấy trước hậu quả mà con bạn không thấy, bạn có thể nói: “Con ơi, nếu con làm điều này, hậu quả chắc chắn sẽ là thế đó”. Nếu con bạn đã quen tin lời của cha mẹ, nó sẽ hành động theo lời khuyên của cha mẹ.

Tóm lại, tính cách của chúng ta về cơ bản bắt nguồn từ những thói quen. Đó là một chuỗi phản ứng dây chuyền từ suy nghĩ dẫn đến hành động, tạo nên thói quen và định hình tính cách và cuối cùng tạo nên số phận. Do đó thói quen là yếu tố quan trọng và mang tính bền vững. Thói quen là giao điểm của tri thức, kỹ năng và khát vọng. Trong đó, tri thức là một mô thức lý thuyết, tức là làm gì và tại sao; kỹ năng là làm như thế nào; còn khát vọng là động cơ, là muốn hành động. Chúng ta cần cả 3 yếu tố này để tạo nên thói quen. Thói quen là thứ có thể học và cũng có thể từ bỏ nhưng đòi hỏi phải có một quá trình và quyết tâm cao. Bởi vì, “mục đích tối thượng của giáo dục”, như Herbert Spencer nói: “Không phải là kiến thức mà là hành động”. Rồi trở thành thói quen của bạn. Thói quen tốt giúp bạn thành đạt và hạnh phúc.

 

Nguồn: vuahocvalam.com

Sưu tầm: Yến Nhi – P.KTSX

 

zalo

Đặt hàng online

zalo