VỀ THĂM “ĐẤT THÉP” - ĐỊA ĐẠO CỦ CHI

“Mình về Bến Dược nghe em

Tìm trong khoảng lặng êm đềm khúc ru

Anh lính liệt sĩ ngàn thu

Tâm nhang cháy đỏ vi vu hồn người.

Tam giác sắt của một thời

Mưa bom bão đạn vẫn ngời niềm tin

Đất chở che, đất giữ gìn

Mấy tầng địa đạo muôn nghìn chiến công…”

(Về Củ Chi – Đỗ Xuân Thu)

Lịch sử đã qua đi lâu lắm rồi nhưng những năm tháng hào hùng ấy vẫn còn vang vọng mãi trong những vần thơ và câu hát như cái cách mà sự thiêng liêng của mảnh đất địa đạo Củ Chi – vùng ngoại ô Tây Bắc của TP. Hồ Chí Minh, nơi được mệnh danh là “đất thép thành đồng” để lại trong trái tim của biết bao thế hệ, trong đó có chúng tôi – những Đoàn viên Thanh niên SAPUWA của ngày hôm nay.

Sáng chủ nhật (25/03/2018) trong trẻo và mát lành. Đúng 6h30, 3 chiếc xe chở hơn 70 Đoàn viên SAPUWA rời bánh từ điểm tập kết. Xe lăn bánh theo quốc lộ 22 tiến về huyện Củ Chi. Qua ô kính cửa sổ, chỉ thấy những cánh rừng cao su âm u, bạt ngàn chạy dài bất tận và những con đường đất đỏ nhỏ hẹp, ngoằn nghèo dẫn lối vào khu di tích địa đạo.

Các bạn Đoàn viên SAPUWA đã có mặt tại điểm tập kết từ rất sớm

Xe bắt đầu chuyển bánh chậm dần và dừng hẳn trước cổng vào khu di tích. Đoàn ghé thăm và thắp hương tưởng niệm ở đến Bến Dược.

Điểm đến đầu tiên – Đền Bến Dược

Chúng tôi – các Đoàn viên SAPUWA kính cẩn cúi đầu trước sự hi sinh thầm lặng mà vô cùng lớn lao của hơn 44.520 anh hùng liệt sĩ tại Đền Bến Dược. Nơi những người con ưu tú của quê hương được khắc tên trong đền vì sự nghiệp độc lập, tự do của dân tộc. Những cảm xúc xen lẫn trong chúng tôi, tự hào có, ngưỡng mộ có, biết ơn có. Tự hỏi bản thân đã làm được gì cho quê hương Tổ quốc? Phải chăng đó không chỉ là cảm xúc của riêng chúng tôi mà là của tất cả những người con nay được trở về viếng thăm nơi đất mẹ. Đoàn thắp lên bia đá những nén hương để tưởng nhớ những người con của dân tộc đã ngã xuống trên mảnh đất Củ Chi anh hùng

Lắng nghe Hướng dẫn viên giới thiệu về Khu di tích

Thắp hương tưởng niệm và tri ân các Anh hùng Liệt sĩ tại Đền Bến Dược

Sau khi thắp hương tưởng niệm, Đoàn SAPUWA nhanh chân di chuyển vào sâu bên trong khu di tích. 2 bên lối đi nhiều dây leo và cây cổ thụ, rải rác những lán trại chứa những mảnh bom đạn mà giặc đã thả xuống mảnh đất Củ Chi năm nào.

Tiến vào khu vực địa đạo

Bom và pháo Mỹ trên đất Củ Chi

Trước mắt chúng tôi, một khu địa đạo hoang sơ dần hiện ra được dẫn lối bởi những con đường đất nhỏ hẹp, xung quanh là những bụi tre đâm thẳng lên bầu trời để đón lấy ánh sáng. Những trận chiến ác liệt năm xưa bất chợt được tái hiện lại và hiện lên trước mắt.

Qua lời của Hướng dẫn viên, Địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20. Đây chính là hệ thống “phòng thủ ngầm” có quy mô lớn nhất trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam, được quân dân xây dựng trong 20 năm chỉ bằng những dụng cụ thô sơ. Và địa đạo thể hiện sự kiên cường, trí thông minh, niềm tự hào của người dân Củ Chi.

Lời kể sống động đưa chúng ta quay về trận kháng chiến ác liệt năm nào

Chúng tôi được dẫn tới một đoạn địa đạo “mẫu”, mà theo lời giới thiệu thì đã được khoét rộng hơn “nguyên bản” để du khách có thể chui qua chứ không phải bò như những du kích dũng cảm năm nào. Dẫu địa đạo đã được khoét rộng hơn, nhưng để có thể dịch chuyển trong đó, ai nấy đều phải lom khom, không được cao hơn mặt đất quá 80– 90cm. Muốn vậy phải cúi gập lưng, khuỵu thấp hai chân xuống mà lò dò từng bước một cách khó khăn. Cả đoạn địa đạo này chỉ vẻn vẹn có 120m nhưng không dễ dàng chinh phục chút nào. Thế là, mọi người vừa dò dẫm trong đường ngầm tối mờ, ẩm thấp, vừa cố gắng nép mình để không bị đụng trần.

Bắt đầu chinh phục đường hầm “lịch sử”

Đường hầm vừa thấp vừa hẹp

Lên được mặt đất, mọi người mồ hôi ướt đầm đìa. Ai nấy bảo nhau: “Tại sao ông cha ta ngày xưa lại tài tình như vậy?” “Tại sao với điều kiện như vậy mà các anh các chị có thể đập tan quân đội giặc hùng mạnh”?

Chỉ biết rằng những đường hầm dài hun hút được đào sâu trong lòng đất, với hệ thống gồm 3 tầng, từ đường "xương sống" toả ra vô số nhánh dài, nhánh ngắn ăn thông nhau, có nhánh trổ ra tận sông Sài Gòn, với các phòng chức năng: phòng y tế, bếp Hoàng Cầm, chứa vũ khí, lương thực và cả phòng chiến đấu,… không chỉ thể hiện cái tài, cái khôn, cái khéo của thế hệ cha ông ta mà còn thể hiện nghị lực phi thường, ý chí kiên cường chiến đấu, quả cảm đến không ngừng trước tội ác của kẻ thù đang ngày đêm dày xéo trên quê hương, đất nước. Cuộc sống hơn 40 năm về trước được tái hiện lại một cách rõ rệt nhất. Có niềm tự hào nào lớn lao hơn khi bằng chính những vũ khí thô sơ tự chế này, chúng ta đã chiến đấu với hàng tá xe tăng, đại bác của kẻ thù. Có niềm anh dũng nào rực rỡ hơn khi ở chính nơi hiểm hóc này chúng ta đã đưa ra những quyết định quan trọng làm nên bao chiến công hiển hách.

Phòng y tế

Bếp Hoàng Cầm đi vào lịch sử

Sau khi chinh phục đường hầm, Đoàn được thưởng thức món khoai mì luộc chấm với muối mè dân dã – đặc sản của vùng kháng chiến Củ Chi ngày xưa. Chỉ từ cây khoai mì (củ sắn) mà người dân Củ Chi đã sáng tạo ra biết bao món ăn dân dã, đậm chất miền Tây nhưng lại không kém phần hấp dẫn.

Thưởng thức khoai mì luộc chấm muối vừng

Sau khi thưởng thức khoai mì, mọi người tự do đi tham quan khu di tích, sau đó ăn trưa tại nhà hàng Địa Đạo, nghỉ ngơi và lên xe rời Khu di tích Củ Chi lúc 13h00.

Tham quan Hầm chông tự tạo

Hình ảnh tái hiện một thời chiến đấu hào hùng của người dân Củ Chi

Trở về sau chuyến tham quan, chắc hẳn trong mỗi Đoàn viên SAPUWA không khỏi tự hào với những đóng góp của người dân Củ Chi trong chiến tranh, biết ơn sự  hy sinh cao cả của ông cha ta, lại càng thấm thía hơn ý nghĩa của hai chữ “về nguồn”. Sinh ra trong hòa bình và chỉ biết đến chiến tranh qua sách vở, thì chuyến tham quan này là một cách để hiểu về cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ nhưng đầy vẻ vang của quân dân Củ Chi nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung, để từ đó, những Đoàn viên Thanh niên SAPUWA có thêm nghị lực sống và công tác tốt hơn, trở thành người công dân có ích cho nước nhà.

**************

Khi cả nước hân hoan chào đón kỉ niệm 87 năm ngày Thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/03/1931 - 26/3/2018), thì các Đoàn viên Thanh Niên SAPUWA đã có chuyến tham quan địa đạo Củ Chi vào ngày Chủ nhật, 25/03/2018. Chi đoàn SAPUWA rất vinh dự khi có chị Lê Thị Thanh Trang (Phó Bí thư Đảng uỷ Doanh nghiệp Q. Gò Vấp) và chị Nguyễn Thị Ngọc Lan (Uỷ viên Ban chấp hành Đảng uỷ Doanh Nghiệp Q. Gò Vấp) cùng tham gia chuyến hành trình về nguồn.

Chuyến đi do Chi Đoàn Thanh niên công ty TNHH Nước Uống Tinh Khiết Sài Gòn tổ chức được sự quan tâm, hỗ trợ vật chất và tinh thần của Ban Tổng Giám đốc, Công Đoàn, Hội chữ thập đỏ và của tất cả các CB-CNV đang công tác và làm việc tại SAPUWA.

Kiều My - Marketing

 

 

zalo

Đặt hàng online

zalo