Xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học tại Bà Rịa - Vũng Tàu

(TN&MT) - Hiện nay, xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học là phương pháp tiên tiến trên thế giới, giúp xử lý các vấn đề ô nhiễm trong nước thải và an toàn với môi trường. Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT), công nghệ này được nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh ứng dụng hiệu quả.

Từ năm 1997, Xí nghiệp Chế biến mủ cao su Xà Bang thuộc Công ty cao su Bà Rịa được xây dựng trên địa bàn xã Quảng Thành (huyện Châu Đức) với tổng vốn đầu tư 56 tỷ đồng, trong đó, hệ thống xử lý nước thải (XLNT) ứng dụng công nghệ sinh học chiếm 3 tỷ đồng. Từ đó đến nay, xí nghiệp không ngừng đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống XLNT, mời các chuyên gia trong nước và nước ngoài tư vấn, đầu tư giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường. Theo đó, các hạng mục thường xuyên được công ty đầu tư nâng cấp gồm bể sục khí cung cấp oxy cho vi sinh, bể lọc vi sinh, cải tạo hệ thống lấy bùn… Tính đến nay, Công ty đã đầu tư gần 20 tỷ đồng cho tổ hợp quy trình XLNT.

Với công suất hoạt động 1.500m3 ngày/đêm, hệ thống XLNT ứng dụng công nghệ sinh học luôn bảo đảm xử lý triệt để toàn bộ lượng nước thải từ sản xuất của Xí nghiệp Chế biến mủ cao su Xà Bang. Nước thải sau khi xử lý bảo đảm các chỉ số đạt loại B theo Quy chuẩn Việt Nam. Ông Hoàng Trọng Tiến, Phó giám đốc Xí nghiệp Chế biến mủ cao su Xà Bang cho biết, hệ thống XLNT hoạt động ổn định ngay cả trong mùa cao điểm khi sản lượng bình quân hơn 100 tấn mủ/ngày và đặc biệt là không ảnh hưởng đến môi trường gây hại cho sức khỏe của người dân xung quanh.

Công ty CP Chế biến XNK thủy sản tỉnh BR-VT (Baseafood) là đơn vị sản xuất trong lĩnh vực chế biến hải sản. Nước thải sản xuất của công ty chủ yếu phát sinh từ quá trình chế biến, vệ sinh nhà máy với khoảng 120m3/ ngày đêm. Lượng nước thải này có hàm lượng chất hữu cơ, dinh dưỡng cao nếu không xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường. Theo ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Baseafood, để giải quyết tình trạng này, công ty đã nhận chuyển giao công nghệ XLNT sinh học từ Viện cơ học ứng dụng TP. Hồ Chí Minh với công suất thiết kế 600m3/ngày đêm. Bên cạnh đó, công ty cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng mỗi năm để thay đổi và hoàn thiện công nghệ XLNT hoàn chỉnh nhất. Theo đánh giá hàng năm của Sở TN-MT, công nghệ XLNT của công ty hiệu quả. Nước thải của công ty sau xử lý đạt cột B, trong đó có một số chỉ tiêu đạt cột A trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.

 

KCN Đông Xuyên (TP. Vũng Tàu) có diện tích 160ha, với 66 DN hoạt động trong các lĩnh vực: may mặc, cơ khí, chế tạo giàn khoan, cung ứng nhân lực, chế biến hải sản… Trước đây, hầu hết nước thải sản xuất và sinh hoạt của các DN này đều đổ trực tiếp ra sông Dinh. Từ năm 2009, KCN Đông Xuyên đã đầu tư xây dựng một nhà máy XLNT tập trung với công nghệ SBR hoạt động ngầm mẻ hóa lý, sinh học. Nhà máy này có công suất 3.000m3/ngày đêm, có thể XLNT cho tất cả các DN đóng trên địa bàn KCN Đông Xuyên. Ông Trần Bảo Ân, Phó Giám đốc đầu tư và khai thác hạ tầng KCN Đông Xuyên và Phú Mỹ 1 (IZICO) cho biết, từ khi có nhà máy XLNT tập trung, các DN nằm trong KCN phải xử lý trước khi đấu nối đường ống để xả nước thải về nhà máy XLNT, từ đây nhà máy sẽ xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Nhờ đó tình trạng ô nhiễm về nước thải do hoạt động xả thải của các DN trong KCN giảm hẳn.
 

Như vậy có thể thấy, ứng dụng KH-CN trong XLNT đã góp phần lớn trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm do nước thải. Trong đó, XLNT bằng công nghệ sinh học được xem là giải pháp phù hợp giúp các DN làm tốt công tác BVMT.

 

Bài, ảnh: Yến Nhi

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Sưu tầm: Phương Anh - Tổ Hóa

zalo

Đặt hàng online

zalo