CHUYẾN ĐI VỀ NGUỒN TẠI KHU DI TÍCH LỊCH SỬ RỪNG SÁC – CẦN GIỜ 2019

“Cần Giờ quê em nắng đẹp bốn mùa

Đảo nhỏ thân thương đêm ngày sóng vỗ

Anh đến đón em khi biển trời trong xanh bát ngát

Khi thuyền về đầy khoang cá nặng…

Đường vào rừng Sác nơi chiến khu xưa

Nghe đàn chim vui hót

Em gái Cần Giờ mang cả cuộc đời xây đắp cho quê hương…

Anh sẽ đón em khi Cần Giờ đơm hoa kết trái

Khi biển trời xanh ngát một màu.

Em ở Cần Giờ nhưng âm vang cả trùng dương.”

(Em ở Cần Giờ - Nguyễn Thịnh)

Nằm ở phía Đông Nam, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 60 km, với bãi biển đẹp đầy vẻ hoang sơ, khu rừng ngập mặn được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, những chiến tích hào hùng của đoàn đặc công Rừng Sác anh hùng thời chống Mỹ cứu nước, tất cả những điều đó đã khiến Cần Giờ trở thành điểm du lịch sinh thái – lịch sử hấp dẫn của TP. Hồ Chí Minh.

Hướng tới kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/04/1975 - 30/04/2019), và ngày Quốc tế Lao động 1/5, đồng thời tạo sân chơi bổ ích cho các Đoàn viên thanh niên, được sự đồng ý của cấp ủy Chi bộ và Tổng Giám đốc hỗ trợ, Đoàn thanh niên SAPUWA đã tổ chức chuyến đi về nguồn tại khu di tích lịch sử Rừng Sác – Cần Giờ vào ngày 21/4 vừa qua.

Khởi hành lúc 6h30 từ công ty, các đoàn viên thanh niên SAPUWA mang chung tâm trạng bồi hồi, nôn nóng để đến thăm và tìm hiểu về lịch sử khu căn cứ Rừng Sác năm xưa. Chuyến xe đưa chúng tôi xa dần sự náo nhiệt ồn ào của đô thị và tiến về Cần Giờ trên con đường Rừng Sác làm cho huyện ven biển này gần hơn bao giờ hết. Sau hơn 2 giờ, đoàn đến khu nghĩa trang Rừng Sác- Cần Giờ.

Điểm đến đầu tiên - Nghĩa trang rừng Sác

Các đoàn viên SAPUWA nghiêng mình, cúi đầu thành kính dâng hoa và dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Rừng Sác. Tại đây, các bạn đã được nghe chú quản lý kể về cuộc đấu tranh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh tại chiến khu Rừng Sác, kể về những trận chiến đã diễn ra khốc liệt tại nơi đây.

Đoàn viên thanh niên SAPUWA kính cẩn nghiêng mình trước sự hi sinh của hơn 1.200 chiến sĩ đã ngã xuống tại mảnh đất Cần Giờ

Kính cẩn dâng lên các anh những nén hương với lòng thành kính

Rời nghĩa trang Rừng Sác với những nỗi niềm tri ân, niềm cảm xúc sâu lắng, đoàn di chuyển đến Trung tâm dã ngoại thanh thiếu nhi Cần giờ để tham gia vào những hoạt động giải trí hấp dẫn. Các đoàn viên được thử thách bằng trò chơi vận động “Chinh phục rừng ngập mặn” bằng cách băng rừng, đi trên những gốc cây, lội sình, bắt cá bằng tay không, nhóm lửa nướng cá, nướng khoai…Tất cả đều là những thử thách đầy cam go mà tất cả các bạn đều phải vượt qua. Với tinh thần đồng đội luôn được đề cao, lòng quyết tâm dâng trào, không có gì có thể làm khó được các thanh niên SAPUWA khi hai đội chơi đều hoàn thành xuất sắc thử thách mà Ban tổ chức đặt ra.  

Tinh thần hào hứng chuẩn bị chinh phục thử thách

Băng rừng ngập mặn

Thậm chí lăn lê bò trườn

Hay cặm cụi nhóm lửa

Cá lóc đắp bùn hun khói, khoai lang nướng thơm lừng – Thành quả thật hấp dẫn phải không nào!

Sau khi chinh phục các trò chơi vận động, Đoàn dùng cơm trưa với những món hải sản đặc sản của Cần Giờ và nghỉ ngơi để tiếp tục tham gia những hoạt động không kém phần hấp dẫn vào buổi chiều.

Điểm đến tiếp theo là khu căn cứ cách mạng Rừng Sác. Nếu nói địa đạo Củ Chi là “căn cứ chìm” thì Đặc khu Rừng Sác (Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác, huyện Cần Giờ) là “căn cứ nổi” của quân và dân miền Nam trong 2 cuộc kháng chiến. Trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt của một chiến khu trên mặt nước, lại ở vị trí “sân sau” của quân thù, để đảm bảo sự tồn tại và tiến công được, lực lượng đặc công Rừng Sác phải xây dựng theo hướng đặc công hóa toàn bộ về tổ chức và hoạt động. Tại đây, chiến khu Rừng Sác năm xưa được tái hiện bằng những nhà sàn nối tiếp nhau bao gồm: nhà thông tin, nhà bếp, trạm quân y, trung tâm chỉ huy,…bao quanh tượng đài tưởng niệm gần 900 chiến sỹ đã ngã xuống đứng uy nghi giữa rừng.

Để vào sâu bên trong chiến khu, phải di chuyển bằng ca nô với tuyến đường thủy dài khoảng 5km

Sau khi xem phim tư liệu về các chiến công anh dũng của cha ông tại chiến khu, đoàn SAPUWA được tham quan nhà trung tâm chỉ huy, xem các dụng cụ và vũ khí đặc trưng của các chiến sỹ vùng đầm lầy cùng mô hình của kho xăng dầu Nhà Bè – một chiến công nổi bật của Trung đoàn đặc công Rừng Sác. Nơi đây từng ghi dấu chiến công và sự hy sinh oanh liệt của biết bao chiến sĩ đến từ nhiều địa phương khác nhau trong cả nước. Những con người bình dị ấy đã lập nên nhiều chiến công vang dội, tiêu diệt hàng trăm tàu chiến, phá hủy các kho tàng chiến lược, bí mật tiếp nhận và phân phối hàng nghìn tấn vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Tham quan các phòng ban của chiến khu

Thắp hương tưởng nhớ công lao của gần 900 chiến binh Rừng Sác đã anh dũng hi sinh

Đời sống của quân nhân được tái hiện sinh động rõ nét

Cuối cùng, đoàn được xem biểu diễn xiếc thú, khu động vật hoang dã với những đàn khỉ tự nhiên đông khoảng 1.000 con, rất tinh nghịch, gần gũi với con người. Đoàn cũng tham quan khu vực cá sấu hoa cà thuần chủng đang được bảo tồn và Bảo tàng Cần Giờ – là nơi đang lưu giữ nhiều hiện vật khảo cổ của vùng đất, minh chứng cho một nền văn hóa cổ lâu đời, phản ánh một cách sinh động về đời sống của những cư dân đầu tiên.

Đảo Khỉ là nơi sinh sống của một số lượng lớn khỉ các loại

Những chú khỉ tinh nghịch, dạn dĩ với du khách

Và như vậy “Hành trình về nguồn” của đoàn thanh niên SAPUWA đã khép lại, nhưng những ký ức, hình ảnh về chuyến đi vẫn còn đó. Cuộc hành trình dù ngắn ngủi nhưng cũng giúp mỗi Đoàn viên được trau dồi thêm về lịch sử chiến đấu hào hùng, can trường của quân và dân ta tại vùng đất Cần Giờ đầy máu lửa. Đồng thời, đây cũng là dịp để các Đoàn viên có cơ hội giao lưu học hỏi, xây dựng tình đoàn kết, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích sau những giờ làm việc căng thẳng. Để rồi từ đó, mỗi Đoàn viên thanh niên SAPUWA lại tự nhủ lòng mình biết trân trọng hiện tại, sống có trách nhiệm hơn, đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn thử thách trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Kiều My - Marketing 

zalo

Đặt hàng online

zalo