Nghịch lý trong sử dụng nước sạch ở xã Khánh Trung

Nước sạch là nhu cầu thiết yếu mà mỗi gia đình dù ở thành thị hay nông thôn đều mong muốn được sử dụng. Tuy nhiên, ở xã Khánh Trung (huyện Yên Khánh) có một nghịch lý là trong khi nhiều nơi “khát” nước sạch, thì một bộ phận người dân đã được lắp đặt nước máy đến tận nhà lại chỉ sử dụng rất ít, hoặc không sử dụng.

 

Tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch thấp

 

Hiện nay, xã Khánh Trung đã được đầu tư xây dựng trạm cấp nước sạch tập trung với công suất lớn nhưng đa phần các hộ dân vẫn sử dụng nguồn nước tự nhiên là nước giếng, nước mưa trong sinh hoạt.Khá nhiều hộ đã đầu tư lắp đặt đồng hồ và đường ống dẫn nước vào nhà nhưng lại chưa sử dụng, hoặc sử dụng rất ít. 

 

Tại gia đình bác Đoàn Thị Thắm, đồng hồ nước được lắp đặt cách đây 6 năm, nhưng đến nay chỉ số đồng hồ vẫn chưa đến 1m3 nước. Nói về lý do không sử dụng nước sạch từ trạm cấp nước tập trung, bác Thắm cho biết: Mặc dù đã lắp đặt đầy đủ nhưng để tiết kiệm nên gia đình tôi chỉ sử dụng nước giếng, nước mưa trong tất cả các sinh hoạt hàng ngày.

 

ông Phạm Ngọc Trữ, thôn 9 xã Khánh Trung cho biết: “Gia đình tôi đã lắp đồng hồ và đường ống dẫn nước sạch từ những năm đầu tiên khi trạm cấp nước sạch của xã Khánh Trung đi vào hoạt động, nhưng mỗi tháng chỉ dùng tối đa 2-3 m3 nước vào việc nấu ăn và đun nước uống, còn toàn bộ việc giặt giũ, tắm rửa thì tận dụng nước giếng hoặc nước mưa”. 

 

Do vậy, sau 6 năm lắp đặt đồng hồ và sử dụng nước sạch từ trạm cấp nước tập trung, đến nay chỉ số đồng hồ của gia đình ông mới có trên 80m3 nước. Ông Trữ cho biết thêm: Gia đình tôi là cán bộ hưu trí có lương chứ người dân làm ruộng lại càng phải đắn đo khi dùng nước sạch. 

 

Dù nằm ngay gần trạm cấp nước, nhưng thôn 9 vẫn còn 1/3 số hộ dân chưa lắp đặt đồng hồ nước sạch và cũng có nhiều hộ đã lắp nhưng không dùng hoặc dùng rất ít.

 

Được biết Trạm cấp nước sạch tập trung xã Khánh Trung được xây dựng năm 2009 với tổng vốn đầu tư 16 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới. Công suất thiết kế của Trạm đạt 950m3/ngày, đêm và đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho 1.700 hộ dân. 

 

Tuy nhiên, sau 6 năm đi vào hoạt động, toàn xã Khánh Trung mới có 730 hộ lắp đồng hồ nước, trong đó có trên 540 hộ chỉ lắp đồng hồ nhưng  không dùng nước sạch, số còn lại thì chỉ sử dụng dưới 4m3/tháng. Phần đông người dân ở Khánh Trung vẫn chọn nước giếng khoan, giếng đào hoặc nước mưa phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày. 

 

Với số vốn đầu tư lớn cùng chất lượng nước sạch tại Trạm Khánh Trung luôn đảm bảo theo quy định của Bộ Y tế thì việc người dân không sử dụng nước đã gây lãng phí trong đầu tư, đồng thời chất lượng cuộc sống của người dân không được nâng lên, luôn có nguy cơ xảy ra các dịch bệnh do nguồn nước gây ra.

 

Nâng cao nhận thức của người dân về nước sạch

 

Qua trao đổi, hầu hết các hộ dân đều cho rằng nguyên nhân không sử dụng hoặc sử dụng ít nước sạch do điều kiện kinh tế còn khó khăn. Người dân ở Khánh Trung chủ yếu sản xuất nông nghiệp với 2 vụ lúa và 1 vụ đông, ít nghề phụ nên thu nhập thấp. 

 

Với người nông dân canh tác trên một sào ruộng, mỗi vụ trừ chi phí từ cày bừa, giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu... còn lãi chẳng đáng là bao.Họ chủ yếu bám đồng, bám ruộng để lấy công làm lãi. 

 

Đã vậy, mỗi gia đình có mấy khẩu ăn cộng với tiền điện, tiền sinh hoạt hàng ngày, nên gần như sử dụng nước sạch vẫn chưa được ưu tiên. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến của người dân cho rằng giá nước sạch hiện nay vẫn cao so với mức thu nhập ở khu vực nông thôn. Do đó, người dân vẫn lựa chọn nước giếng và nước mưa trong sinh hoạt gia đình.

 

Ngoài lý do giá nước ra, còn nguyên nhân nữa là do người dân chưa hiểu và nhận thức đúng  vai trò của nước sạch tác động đến cuộc sống hàng ngày như thế nào. Nhiều hộ gia đình vẫn cho rằng “nước giếng, nước mưa sạch, từ bao đời nay ông cha ta vẫn dùng có sao đâu”. 

 

Cùng với đó là do cách tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền và trạm cấp nước sạch xã còn chung chung, chưa sát với thực tế địa phương…dẫn đến sản lượng tiêu thụ nước không cao.

 

Để người dân hiểu về giá nước và chất lượng nguồn nước tự nhiên, có cách nhìn nhận khác về nước sạch, ông Nguyễn Tử Phúc, Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết: Hiện nay, giá nước sạch theo quyết định của UBND tỉnh đã thấp hơn giá thực tế Công ty sản xuất ra rất nhiều. 

 

Cụ thể theo cách tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí cấu thành giá thì 1 m3 nước sạch của Công ty có giá bình quân là 18.700 đồng. Tuy nhiên mức giá 18.700 đồng/m3 là quá cao, người dân nông thôn khó mà chấp nhận được. 

 

Do đó để đảm bảo vừa sản xuất, kinh doanh, vừa mang tính chất phục vụ nhân dân vùng nông thôn, khuyến khích người dân sử dụng nước sạch, UBND tỉnh đã có Quyết định về giá nước sạch nông thôn thấp hơn phương án giá thành nước sạch đã được tính đúng, tính đủ. 

 

Theo đó, giá nước sạch sinh hoạt dân cư là 6.600 đồng/m3; cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp là 8.800 đồng/m3; hoạt động sản xuất vật chất là 11.000 đồng/m3; kinh doanh dịch vụ là 14.600 đồng/m3. Như vậy, thực chất với mức giá mới người dân đã được hưởng lợi vì được tỉnh hỗ trợ về giá.

 

Về chất lượng nguồn nước tự nhiên, nhất là nước giếng đào, giếng khoan, ông Nguyễn Tử Phúc cho biết: Theo kết quả quan trắc, phân tích mẫu nước trên địa bàn tỉnh ta do Ban quản lý dự án chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện thì hầu hết các mẫu nước tự nhiên, nhất là mẫu nước giếng đào và giếng khoan trên địa bàn tỉnh đều không đạt. 

 

Nước giếng bị ô nhiễm nặng một số chất như Mangan, sắt, chì, kẽm... nhất là chứa chất asen mà nhân dân thường gọi là thạch tín, có tính chất rất độc hại, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân nếu sử dụng lâu dài. Chính vì vậy, người dân nên hạn chế dùng nước giếng đào, giếng khoan nông để đảm bảo sức khỏe cho gia đình.

 

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới chính quyền địa phương và Trạm cấp nước tập trung cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo để người dân hiểu được tác hại khi dùng nước không đảm bảo và những lợi ích và quyền lợi được hưởng khi dùng nước sạch. 

 

Thực tế với giá một khối nước sạch ở vùng nông thôn là 6.600 đồng thì không phải quá cao, trong khi người dân sử dụng nguồn nước giếng trong sinh hoạt cũng phải mất một khoản chi phí tiền điện bơm nước nhưng nguồn nước này có nguy cơ ô nhiễm và không an toàn. 

 

Do đó, để đảm bảo sức khỏe, người dân ở Khánh Trung nên thay đổi thói quen dùng nước trong sinh hoạt, sử dụng nước sạch làm sao vừa đảm bảo tiết kiệm, vừa đảm bảo sức khỏe, đưa chất lượng cuộc sống ngày càng đi lên và nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình cấp nước sạch tập trung trên điạ bàn nông thôn.

 

Bài, ảnh: Giáng Hương

 

Nguồn: baoninhbinh.org.vn

Sưu tầm: Thị Hà – P.kỹ thuật

zalo

Đặt hàng online

zalo