"Khát" ngay bên công trình nước sạch

 

(ANTV) - Nhằm phục vụ nước sinh hoạt vùng nông thôn, trong thời gian qua, Lâm Đồng đã xây dựng nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, quá trình vận hành, khai thác của các công trình này vẫn còn đó những vấn đề cần bàn tới để cho nước sạch không chỉ là niềm mong chờ của nhiều hộ dân.

 

Gia đình anh Ka Mong, xã BLá huyện Bảo Lâm là một trong những hộ dân được hưởng lợi trực  tiếp từ công trình nước sạch nông thôn. Anh và và bà con nhân dân nơi đây rất vui mừng, phấn khởi và tự nguyện nộp tiền nước một cách đầy đủ.


Tuy nhiên, trong mùa khô năm nay, những người may mắn như anh Ka Mong không nhiều. Ngoài việc nguồn nước mùa khô cạn kiệt, thì các công trình nước sạch tập trung bị xuống cấp, hư hỏng nhiều hạng mục đã khiến cho người dân không có nước sử dụng.


Mặc dù ở ngay bên cạnh công trình giếng khoan được đầu tư khoảng 700 triệu đồng, nhưng gia đình bà KRộp xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm cũng phải dùng nước giếng đào để sinh hoạt.


Và không khó bắt gặp những hình ảnh người dân phải sử dụng giếng đào ngay bên cạnh những công trình nước tập trung được đầu tư với nguồn kinh phí lớn.


Được biết, mỗi công trình giếng khoan phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 50 – 100 hộ dân có chi phí đầu tư khoảng 700 triệu – 1 tỷ đồng, còn công trình nước tự chảy phục vụ cho khoảng 100 đến 500 hộ có kinh phí đầu tư khoảng 25 tỷ đồng.


Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 252 công trình nước sạch tập trung và theo thiết kế, các công trình này sẽ sử dụng trên 5 năm mới bắt đầu phải duy tu sửa chữa. Thế nhưng, hiện Lâm Đồng đã có khoảng 25% số công trình hư hỏng xuống cấp, trong đó có trên 10% hư hỏng nặng cần sửa chữa cấp bách, và nhiều công trình chỉ mới đi vào sử dụng vài năm. Nguyên nhân của vấn đề trên thực tế xuất phát từ việc bất cập trong công tác vận hành, quản lý.


Ông Nguyễn Nhất Ninh – Giám đốc trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết: Các địa phương khi được giao quản lý công trình chưa nắm bắt rõ công tác quản lý vận hành, và luôn thiếu kinh phí.


Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người dân sống bên cạnh những công trình nước sạch được đầu tư tiền tỷ nhưng vẫn "khát" nước hoặc  dụng nguồn nước không hợp vệ sinh. Nhiều địa phương trong tỉnh có nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung xuống cấp phải kể đến huyện Đạ Hoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, đặc biệt huyện Đam Rông có tới 50% số lượng công trình xuống cấp, hư hỏng.


Với sự đầu tư tiền tỷ cho các công trình nước sinh hoạt tập trung nhưng lại diễn ra tình khai thác sử dụng không hiệu quả trong lúc người dân đang thiếu nước. Để sớm khắc phục tình trạng trên thiết nghĩ cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng, chính quyền các địa phương và cả ý thức của người dân, trong đó vấn đề xã hội hoá trong công tác cung cấp nước sạch sinh hoạt cần được chú trọng.


Có như vậy mới tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh cũng như có sự quản lý một cách hiệu quả các công trình nước sinh hoạt nông thôn, đáp ứng yêu cầu và nâng cao chất lượng nước sinh hoạt cho người dân. 


Nguồn: antv.gov.vn

Sưu tầm: Thanh Giang - Tổ Bảo Trì

zalo

Đặt hàng online

zalo