Quản lý nguồn nước dựa trên tiếp cận thị trường

Moitruong24h - Nhằm quản lý tài nguyên nước (TNN) hiệu quả, công bằng và bền vững, Việt Nam đã thực hiện một số công cụ quản lý dựa trên tiếp cận thị trường như: thuế TNN; phí và lệ phí trong khai thác sử dụng nước; phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nảy sinh nhiều bất cập, trong điều tiết, khai thác, sử dụng nguồn nước một cách có hiệu quả.

Tại Việt Nam, quản lý nước bền vững đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi nước ta chỉ chủ động được chưa tới 30% nguồn nước, gần 70% còn lại là lượng nước phát sinh từ bên ngoài lãnh thổ. Trong khi đó, nguồn nước phát sinh từ bên ngoài lãnh thổ có xu hướng giảm do các quốc gia phía thượng nguồn tích nước để xây dựng thủy điện và phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng chưa hiệu quả, nguồn nước liên tục bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng cùng với ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu đã và đang gây sức ép không nhỏ đến toàn bộ đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế của đất nước. Do vậy, việc quản lý TNN dựa trên cơ sở tiếp cận thị trường, cần phải tuân thủ một số nguyên tắc, trong đó nguyên tắc cơ bản là cung - cầu. Đối với nhà quản lý, yêu cầu nước thải ra môi trường phải bảo đảm những tiêu chuẩn nước sạch buộc các đối tượng sử dụng nước phải xử lý, hoặc giảm chất thải ra môi trường. Vì vậy, công cụ chính sách được xây dựng trên nền tảng các quy luật thị trường, điều chỉnh hành vi của các chủ thể kinh tế trong quá trình sử dụng tài nguyên bằng cách tác động tới chi phí và lợi ích của họ. Công cụ này đem lại nguồn thu cho ngân sách, hoặc nguồn tài chính cho hoạt động xử lý ô nhiễm, phục hồi chất lượng TNN…

Tại Việt Nam, nguồn thu thực tế từ TNN vẫn là từ việc thu thuế, phí, lệ phí. Cụ thể, là thuế đối với hoạt động khai thác cho thủy điện; phí, lệ phí cấp phép khai thác, sử dụng TNN và xả nước thải vào nguồn nước. Tuy nhiên, nguồn thu này không tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Điển hình như, thực hiện Quyết định số 59/2006/QĐ- BTC của Bộ Tài chính về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định, lệ phí cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng TNN, xả thải nước vào nguồn và hành nghề khoan nước dưới đất, nhưng đến nay số phí thu được từ các đơn vị qua Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đạt 2,96 tỷ đồng. Số thuế thu được từ hoạt động khai thác cho thủy điện khoảng 2.900 tỷ đồng. Trong khi đó, hiện tại cả nước hằng ngày đang khai thác hàng triệu mét khối nước sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt, chưa được thu thuế. Theo thống kê dự toán thu ngân sách của Bộ Tài chính, tiền thu từ thuê đất, thuê mặt nước chỉ chiếm từ 0,6 đến 1,5% trong tổng thu ngân sách. Điều đó cho thấy, nguồn nước các ngành kinh tế đang sử dụng gần như miễn phí, đóng góp cho ngân sách không đáng kể…

Các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực TNN cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do mức thu thuế tài nguyên thấp, chưa đầy đủ và tương ứng với giá trị kinh tế do sử dụng nước. Việc điều tra, đánh giá nguồn TNN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa được coi trọng ở địa phương; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý cấp phép khai thác TNN và cơ quan thuế chưa chặt chẽ. Hệ thống thông tin về trữ lượng và chất lượng TNN tại địa phương chưa đầy đủ dẫn đến khó khăn trong việc thu thuế TNN. Ngoài ra, theo Nghị định số 154/2016/NĐ-CP của Chính phủ về phí BVMT đối với nước thải có quy định thu phí nước thải từ các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, khó xác định được quy mô tập trung như thế nào thì phải nộp lệ phí…

Để khắc phục tình trạng nêu trên, cũng như hướng tới việc quản lý TNN dựa trên tiếp cận thị trường, Việt Nam cần xác định rõ quan điểm định giá nước là cần thiết dựa trên giá trị kinh tế của nước với các mục tiêu cạnh tranh cho các lĩnh vực như: nước sử dụng cho sinh hoạt; nông nghiệp; công nghiệp; giao thông đường thủy và nuôi trồng thủy sản… Giá nước cần phải bảo đảm đủ các chi phí để cung cấp nước cho người tiêu dùng, ít nhất là bao hàm đủ chi phí vận hành bảo dưỡng, chi phí khấu hao công trình và đầu tư phục hồi các công trình cung ứng nước. Trợ cấp tiền sử dụng cho lĩnh vực thủy lợi và nước sạch cần giảm dần để khuyến khích sử dụng hiệu quả hơn và lâu dài… Ngoài ra, phí xả thải nước như chất thải đầu ra cần dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả một cách triệt để và cụ thể với các nội dung, tránh trường hợp không công bằng, trốn tránh nghĩa vụ nộp phí. Cần sớm hoàn thiện các quy định về phí BVMT đối với nước thải, trong đó cần làm rõ cơ sở sản xuất như thế nào là quy mô tập trung để dễ dàng xác định đối tượng cần nộp phí BVMT công nghiệp; làm rõ cách tính phí đối với doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Có thể mở rộng công cụ chính sách quản lý nước dựa trên tiếp cận thị trường bằng cách khuyến khích việc dán nhãn sinh thái và tuyên truyền cho người tiêu dùng cho các sản phẩm tiết kiệm nước…

 

PGS, TS NGUYỄN THẾ CHINH/Nhandan

Nguồn: moitruong24h.vn

Sưu tầm: Thanh Tuấn - IT

 

zalo

Đặt hàng online

zalo