An toàn thực phẩm - Vấn đề nóng bỏng hiện nay

Hiện nay, tình hình an toàn thực phẩm (ATTP) đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội, nó không chỉ diễn ra ở các nước đang phát triển, kém phát triển mà còn ở cả những nước phát triển, có trình độ khoa học - công nghệ tiên tiến. Ở Việt Nam, tình hình ATTP trong cả nước, nhất là khu vực đô thị, đang tạo nhiều lo lắng cho người dân. Sức khỏe là vốn quý của mỗi con người và của toàn xã hội, do đó vấn đề ATTP ngày càng trở nên nóng bỏng và được cộng đồng hết sức quan tâm. 

Thực trạng ATTP hiện nay

Việc người sản xuất, kinh doanh sử dụng những loại cám tăng trọng trong chăn nuôi, thuốc kích thích tăng trưởng các loại rau xanh; những hóa chất cấm dùng trong chế biến nông thủy sản, sử dụng nhiều loại chất tẩy rửa thịt, cá ôi thối…; do quy trình chế biến hay do nhiễm độc từ môi trường, từ dùng nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi để tưới rau làm cho hàm lượng kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh trong rau, quả cao hơn nhiều so với qui định, hoặc thực phẩm không rõ nguồn gốc,… gây ảnh hưởng xấu đến tiêu dùng và xuất khẩu. Các thông tin về ngộ độc thực phẩm, tình hình vi phạm tiêu chuẩn ATTP, dịch bệnh gia súc, gia cầm… xảy ra ở một số nơi, càng làm cho người tiêu dùng thêm hoang mang, lo lắng. 

Theo báo cáo của các ngành chức năng, công tác bảo đảm ATTP những năm qua đã có nhiều tiến bộ, được lãnh đạo các cấp quan tâm và coi đây là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Việc Nhà nước ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật An toàn thực phẩm đã nâng cao vai trò quản lí nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là vai trò của UBND các cấp. Công tác quản lý nhà nước về ATTP được chú trọng hơn; kiến thức, sự hiểu biết của người dân về vấn đề bảo đảm sức khỏe cũng được nâng lên; các nhà sản xuất, kinh doanh cũng hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ các điều kiện bảo đảm ATTP đối với sản phẩm làm ra... 

 

Tuy nhiên, do nhịp sống hối hả hiện nay, đối với người tiêu dùng, việc nhận biết, phân biệt giữa thực phẩm đảm bảo an toàn với thực phẩm không an toàn là vấn đề hết sức khó khăn. Theo tài liệu của Cục Quản lý chất lượng vệ sinh ATTP của Bộ Y tế, số lượng các vụ ngộ độc thực phẩm cũng như số người bị nhiễm độc thực phẩm còn khá cao, đặc biệt là các trường hợp mắc bệnh nhiễm trùng bởi thực phẩm. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn cả nước, các vụ ngộ độc thực phẩm đang diễn biến phức tạp, có nhiều người tử vong… Gần đây, sự khác biệt giữa các kết quả phân tích, kiểm tra chất lượng sản phẩm vừa gây không ít khó khăn cho người sản xuất vừa tạo thêm hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng. Có thể nói, chưa bao giờ sự lo ngại trước vấn đề ATTP lại nóng bỏng và được rất nhiều người quan tâm như hiện nay. 

Giải pháp khắc phục

Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030. Để tạo động lực thúc đẩy thực hiện Chiến lược, ngoài việc triển khai đồng bộ ba loại giải pháp mang tầm vĩ mô về phạm trù cơ chế - chính sách; phạm trù kinh tế - xã hội; phạm trù khoa học - công nghệ, thiết nghĩ chúng ta cần chú trọng một số giải pháp cụ thể, thiết thực, đó là:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để người tiêu dùng tự bảo vệ mình. Công tác truyền thông phải thường xuyên, liên tục, có tính hệ thống; cung cấp đầy đủ thông tin, phân tích đánh giá đúng thực trạng, đưa ra khuyến cáo cần thiết cho các nhà lãnh đạo - quản lý hoạch định chính sách; định hướng chuẩn mực cho người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh,... Khắc phục những thông tin không chính xác, làm thiệt hại cho người sản xuất và gây hoang mang cho người tiêu dùng, thậm chí gây rối loạn cho xã hội. 

Thứ hai, ngăn chặn các sản phẩm thực phẩm nguy hại từ bên ngoài vào nước ta, làm ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Về phía quản lý nhà nước, cần khắc phục tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm, làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước về các văn bản pháp luật liên quan đến ATTP; hướng dẫn cặn kẽ, đầy đủ, kịp thời giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển đúng định hướng, tuân thủ nghiêm quy trình và các quy định về ATVSTP khi đi vào hoạt động. Đồng thời, tăng cường, nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP nhất là ở cấp huyện, xã; xử lý nghiêm khắc những đối tượng vi phạm, có như vậy mới sàng lọc, giúp những cơ sở thực sự có chất lượng tồn tại và phát triển, những cơ sở thiếu ý thức, điều kiện cần thiết buộc phải dừng hoạt động.  

Về phía người tiêu dùng, cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt chất lượng thực phẩm; chặt chẽ và thận trọng trong lựa chọn sản phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc; kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin, lên án, tẩy chay những cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm ATTP, tạo sức ép đến nhà sản xuất, kinh doanh cũng như nhà quản lý nhằm đảm bảo sự ATTP cho cộng đồng. 

Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi nhất để công nghiệp sản xuất sạch phát triển; trong đó, chú trọng phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất thịt sạch, rau sạch, phụ gia thực phẩm...bảo đảm an toàn theo đúng tiêu chuẩn được các cơ quan chức năng đánh giá, chứng nhận. Các cơ quan nhà nước cần có sự giám sát chặt chẽ, khắt khe chất lượng nông thủy sản, thực phẩm đảm bảo đạt yêu cầu; đồng thời khuyến khích người sản xuất tự công bố chất lượng mặt hàng, đề cao đạo đức trong sản xuất, kinh doanh, với phương châm vì sự an toàn cho người tiêu dùng sẽ đóng vai trò chủ đạo trong quyết định chất lượng, thương hiệu hàng hóa. Thực chất, không ít nhà sản xuất, kinh doanh chỉ quan tâm đến lợi nhuận, chẳng cần nghĩ đến hệ quả xấu do mặt hàng của mình có thể gây ra cho cộng đồng.

Trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với tư cách là thành viên bình đẳng của WTO, việc tạo ra các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn ATTP là một yêu cầu có tính nguyên tắc. Chất lượng thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa, nguồn động lực quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn liên quan đến vấn đề văn hóa, đến an ninh chính trị xã hội và sự trường tồn của giống nòi... Do đó, nếu chỉ yêu cầu người tiêu dùng “nói không với thực phẩm không an toàn” thì vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề ATTP; mà nó phải được bắt đầu từ người sản xuất và người chế biến, bởi chỉ có họ mới biết rõ đâu là sản phẩm sạch và đâu là không sạch…

Đối với tỉnh Lâm Đồng, vấn đề ATTP cũng không nằm ngoài tình trạng chung của cả nước. Những vụ ngộ độc thức ăn đã xảy ra ở một số nơi trên địa bàn, kể cả khách du lịch; tình trạng sản phẩm chè vượt dư lượng độc tố bị ngừng xuất khẩu vào Đài Loan… là những bài học về ATTP. Tuy nhiên, với lợi thế về nông nghiệp công nghệ cao (chiếm 15% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp và 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp), nếu biết phát huy thì sản phẩm nông nghiệp an toàn của Lâm Đồng sẽ có sức cạnh tranh cao không chỉ đối với thị trường trong nước mà cả nước ngoài, nhất là các sản phẩm thế mạnh của tỉnh… và khi đó giá trị mang lại cho người sản xuất sẽ cao lên rất nhiều. Vấn đề đặt ra là phải phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng CNH, HĐH, đưa nhanh các tiến bộ khoa học mới về công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và công nghệ chế biến; áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế vào sản xuất, chế biến; tập trung thâm canh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là thủy lợi, nước sạch, giao thông, điện… Trong hội nhập quốc tế, Lâm Đồng cần tuân thủ các cam kết quốc tế; đồng thời chủ động xây dựng và vận dụng các luật lệ, quy tắc quốc tế; áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất, chế biến; tăng cường tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế của Lâm Đồng để thu hút đầu tư…

 

Nguồn: baolamdong.vn

Sưu tầm: Xuân Vân – TTPP Phú Mỹ Hưng

zalo

Đặt hàng online

zalo