ĐBSCL: Khuyến khích dùng nước mưa thay thế nước ngầm

Tận dụng và sử dụng nước mưa cho mục đích sinh hoạt là giải pháp hiệu quả giúp giảm áp lực khai thác nước ngầm quá mức trong bối cảnh nguồn nước mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBcũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

 

Tại buổi báo cáo kết quả “Thích ứng biến đổi khí hậu thông qua phát triển đô thị bền vững”- dự án do Liên minh Cơ quan Phát triển quốc tế  Úc (AusAID) và Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ (CSIRO) của Úc tài trợ, tổ chức tại Cần Thơ hôm 17-11, ông Nguyễn Nguyên Minh, Chủ nhiệm dự án phía CSIRO, cho biết mục tiêu của dự án là tập trung nghiên cứu và đưa ra các giải pháp cải thiện chất lượng nguồn nước; quy hoạch, quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên nước một cách hiệu quả, bền vững…


Theo ông Minh, một trong những nội dung chi tiết của dự án trên là thực hiện thí điểm thu gom, xử lý nước mưa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân (thí điểm tại phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ- PV). “Đây là giải pháp giúp tăng hiệu quả sử dụng nước trong bối cảnh nước mặt bị ô nhiễm và nước ngầm đang dần cạn kiệt như hiện nay”, ông Minh cho biết.


Theo khuyến cáo của một số nhà chuyên môn, chỉ nên sử dụng nguồn nước mưa được thu gom cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày như tắm, giặt…, chứ không nên sử dụng để ăn, uống vì kết quả nghiên cứu của dự án, cho thấy so với tiêu chuẩn của nước uống thì độ đục và chỉ tiêu về hàm lượng chất Coliforms của nước mưa vẫn chưa đạt. “Nhưng so với chỉ tiêu nước sinh hoạt thì tất cả chỉ tiêu đều đạt nên hoàn toàn có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt”, ông Đinh Diệp Anh Tuấn ở Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Cần Thơ (DRAGON), trường Đại học Cần Thơ cho biết.


Tuy nhiên, ông Tuấn lưu ý quá trình thu gom, xử lý nước mưa nên loại bỏ nguồn nước ở một, hai trận mưa đầu mùa và nên có công đoạn vệ sinh mái nhà để loại bỏ chất dơ trước khi thu gom và trữ nước.


Cũng theo ông Tuấn, dù chi phí lắp đặt hệ thống thu gom nước mưa hiện chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/bộ đối với hộ gia đình, nhưng việc triển khai rộng, nhất là ở khu vực nông thôn, đang gặp không ít khó khăn do thu nhập của người dân nơi đây còn hạn chế và do thói quen sử dụng lu, hũ chứa nước tạo nên.

 

Tuy nhiên, bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó chủ tịch UBND Cần Thơ- địa phương được triển khai thí điểm- cho biết thời gian tới địa phương sẽ nhân rộng mô hình này lên vì đây là giải pháp rất hiệu quả, giúp hạn chế sử dụng nước ngầm, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu. “Đây cũng là giải pháp giúp nông dân khu vực nông thôn tiếp cận được nhiều hơn với nguồn nước sạch, trong bối cảnh kinh phí đầu tư hệ thống đường ống nước ngầm quá tốn kém như hiện nay, nhất là ở khu vực nông thôn, dân cư thưa thớt”, bà cho biết.

 

Nguồn: www.thesaigontimes.vn

Sưu tầm: Tấn Tài - P. KTSX

zalo

Đặt hàng online

zalo