Gia Lai: Cần sớm tạo điều kiện cho người dân huyện Ia Pa ổn định cuộc sống

Huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai được thành lập từ năm 2002 trên cơ sở sáp nhập từ 9 xã của huyện Konchoro và thị xã Ayunpa, với dân số 54.500 người, trong đó có tới 72% dân số là người dân tộc thiểu số J'rai và Bahnar. Khu trung tâm hành chính của huyện được quy hoạch với tổng diện tích 1.578ha.

 

Theo quy hoạch, sau khi hình thành huyện mới, tại khu trung tâm huyện sẽ thành lập thị trấn Ia Pa có dân số từ 4.000 - 6.000 hộ với khoảng 20.000 nhân khẩu. Thế nhưng sau gần 15 năm hình thành, khu trung tâm huyện mới có khoảng 1.000 hộ với khoảng 5.000 nhân khẩu sinh sống. Mặc dù huyện đã hình thành một số khu dân cư gắn liền với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng "điện - đường - trường - trạm"; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để "thu hút" người dân ở các nơi đến lập nghiệp và phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu theo quy hoạch. Số lượng dân quá ít nên nhiều năm nay, huyện chưa thành lập được thị trấn. 

 

 

Theo tìm hiểu của phóng viên TTXVN, nhà máy nước tại huyện Ia Pa thường xuyên bị vỡ đường ống do áp lực bơm ở độ cao hơn 150m, do đó, bà con ở trong huyện thường xuyên phải ra dòng sông Ba lấy từng can nước về dùng. Riêng vào mùa nắng hạn của những tháng đầu năm 2016, toàn huyện có hơn 800 hộ thiếu nước sinh hoạt. Ngoài ra, do nguồn nước bị nhiễm bẩn từ chất thải của các nhà máy chế biến sắn, chế biến đường ở thượng nguồn của con sông nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước sinh hoạt của bà con. Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, khó khăn lớn nhất tại khu trung tâm huyện Ia Pa là thiếu nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh phục vụ đời sống của người dân. Khu trung tâm huyện có dòng sông Ba chảy qua, trên cơ sở đó, huyện đã đầu tư khoảng 8 tỷ đồng xây dựng nhà máy nước có hệ thống lắng lọc với công suất 320m3/ngày, cung cấp nước sinh hoạt cho các khu dân cư trên địa bàn. Tuy nhiên, lượng nước trên cũng chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu của người dân; một số khu dân cư ở xa nằm ngoài vùng cấp nước của nhà máy, huyện cũng hỗ trợ bà con làm giếng khoan, giếng đào để lấy nước sử dụng. 

 

Anh Trần Văn Nghĩa, ở làng Plôm, xã Kim Tân nói: Gia đình anh lập nghiệp ở đây được hơn 7 năm. Anh cho rằng, nguồn nước ở đây chưa đảm bảo vệ sinh nhưng vẫn phải dùng vì không có nguồn nước khác thay thế. Lo lắng về nguồn nước sinh hoạt, nhiều hộ trên địa bàn đã bỏ tiền ra mua nước để dùng. 
 


 

Mới đây, sau khi kiểm tra tình hình thực tế tại tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chấp thuận phương án đưa nước từ hồ chứa Ayun Hạ đến khu trung tâm huyện Ia Pa bằng nguồn vốn Trung ương thực hiện các công trình cấp bách. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao các Bộ, ngành có liên quan cùng với các cấp chính quyền địa phương tỉnh Gia Lai tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực tế để sớm triển khai thực hiện phương án này có hiệu quả. 
 

Để giải quyết khó khăn cho huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai đã xây dựng phương án đưa nước từ hồ chứa công trình thuỷ lợi Ayun Hạ về tại khu trung tâm huyện Ia Pa. Đây là phương án mang tính căn cơ và "táo bạo" bởi nguồn vốn thực hiện lên tới hơn 100 tỷ đồng để kéo đường ống dẫn nước dài đến hơn 30km. Nếu phương án được thực hiện, sẽ có 15.000 người tại khu trung tâm huyện và một số xã lân cận được hưởng thụ nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 90% số dân là người dân tộc thiểu số; phục vụ nước tưới cho 500ha các loại cây trồng; đồng thời cải tạo được môi trường sinh thái trong vùng. 


Ông Nguyễn Thế Hùng - Chủ tịch UBND huyện Ia Pa cho biết, khi phương án này triển khai, tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ tốt đời sống và sản xuất của người dân, chắc chắn người dân tự nguyện đến với Ia Pa ngày càng nhiều hơn. Dự kiến đến năm 2020, tại khu trung tâm của huyện sẽ có hơn 4.000 hộ dân đến lập nghiệp./. 

 

Nguồn: http://dantocmiennui.vn/kinh-te-xa-hoi/gia-lai-can-som-tao-dieu-kien-cho-nguoi-dan-huyen-ia-pa-on-dinh-cuoc-song/82812.html

Sưu Tầm: Vũ Lâm _  Tổ Bảo Trì

zalo

Đặt hàng online

zalo