Hộ gia đình - Nhân tố quyết định để bảo vệ môi trường
“Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững thì cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.” Lời dạy của Bác không chỉ đúng trong giai đoạn giữ nước mà còn đúng trong từng lĩnh vực thời kỳ dựng nước. Và công tác bảo vệ môi trường là một trong số đó. Bảo vệ môi trường phải bắt đầu từ nhân dân, từng hộ gia đình vì gia đình là tế bào của xã hội. Tế bào khỏe mới hình thành nên một xã hội khỏe.
Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi thực thi các quy định và chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Để từng chủ trương, chính sách của Nhà nước được thực hiện hiệu quả thì mỗi hộ gia đình cần được triển khai hiểu rõ để thực hiện tốt.
Bác Hồ đã từng dạy “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững thì cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.” Lời dạy này không chỉ đúng trong giai đoạn giữ nước mà còn đúng trong từng lĩnh vực thời kỳ dựng nước. Và công tác bảo vệ môi trườnglà một trong số đó.
Môi trường gắn liền với cuộc sống mỗi người. Theo Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường, môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật. Thực trạng hiện nay, khi nền kinh tế Việt Nam đang từng bước phát triển để hội nhập với nền kinh tế thế giới và đi kèm theo đó là sự mất cân bằng dẫn đến thiếu bền vững giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Môi trường đang bị suy thoái, ô nhiễm nghiêm trọng và đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Làm sao để bảo vệ được môi trường đã không còn là chuyện của các nước lớn, của các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo mà chính là nhiệm vụ của từng người trong xã hội, của các thành viên trong một gia đình.
Trong phạm vi hộ gia đình, môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các thành viên trong gia đình đó. Nếu các thành viên trong gia đình đều có ý thức và hành động bảo vệ môi trường thì các vấn đề môi trường mới có thể giải quyết được ở phạm vi địa phương, khu vực hay toàn cầu. Luật hóa các quy định bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình nhằm hướng dẫn các hộ gia đình tham gia công tác bảo vệ môi trường có hiệu quả, thiết thực.
Theo Điều 53, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 hộ gia đình có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường sau đây:
- Thu gom và chuyển chất thải sinh hoạt đến đúng nơi do tổ chức giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa bàn quy định; xả nước thải vào hệ thống thu gom nước thải;
- Không được phát tán khí thải, gây tiếng ồn và tác nhân khác vượt quá tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, sinh hoạt của cộng đồng dân cư xung quanh;
- Nộp đủ và đúng thời hạn các loại phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
- Tham gia hoạt động vệ sinh môi trường khu phố, đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng và hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư;
- Có công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh, an toàn đối với khu vực sinh hoạt của con người;
- Thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong hương ước, bản cam kết bảo vệ môi trường.
Thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí gia đình văn hóa.
Ý nghĩa của từng hoạt động bảo vệ môi trường tại hộ gia đình:
1. Thu gom và chuyển chất thải sinh hoạt đến đúng nơi do tổ chức giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa bàn quy định; xả nước thải vào hệ thống thu gom nước thải.
Chất thải sinh hoạt của từng hộ gia đình gồm rác thải và nước thải.
Về rác thải: hơn 70% thành phần rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình là chất hữu cơ dễ phân huỷ, nếu không được thu gom và xử lý thì sẽ tạo ra mùi hôi thối, nước rỉ rác độc hại, ngoài ra còn làm mất vẻ mỹ quan đô thị. Với dân số khoảng 98.000 dân, trung bình một ngày thị xã Gò Công phát sinh hơn 40 tấn rác thải các loại, trong đó hơn 80% là rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên chỉ có khoảng 70% lượng rác phát sinh được thu gom và xử lý.
Đội ngũ thu gom rác gồm có khoảng 50 công nhân Công ty Công trình đô thị và 32 tổ thu gom rác dân lập. Vì địa bàn thị xã Gò Công không giống nhau giữa các phường, xã nên với đội ngũ nhân viên thu gom rác như hiện nay, việc đảm bảo thu gom xử lý rác đáp ứng yêu cầu thực tế và bảo đảm được cảnh quan môi trường sạch đẹp chung là điều vô cùng khó khăn.
Rác thải là một vấn đề nhỏ trong cuộc sống mỗi gia đình nhưng việc xử lý rác thải là một điều khó khăn, phức tạp. Nếu rác không được thu gom và xử lý thì sẽ là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước, môi trường đất, là nơi để các vectơ truyền bệnh như ruồi muỗi phát triển, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ. Nhiều nơi trên địa bàn thị xã như khu vực cầu Tây Ban Nha, kênh Bến Xe do rác thải không được thu gom xử lý, vứt bừa bãi xuống dòng nước đã góp phần đáng kể làm suy giảm chất lượng nước tại nơi đây.
Ô nhiễm môi trường do rác thải hiện nay có ở khắp nơi, không còn tập trung ở các đô thị lớn mà ngay cả ở các vùng nông thôn xa xôi. Dọc theo 2 bên các tuyến đường giao thông từng ụ rác thải phát sinh và ngày càng tăng không kiểm soát, nếu không có biện pháp xử lý sẽ ảnh hưởng đến môi trường đất, không khí và sức khỏe người dân.
Từng hộ gia đình nếu thực hiện tốt việc thu gom và chuyển chất thải sinh hoạt đến đúng nơi do tổ chức giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa bàn quy định sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc xử lý rác thải tại địa phương và góp phần giữ gìn được môi trường cảnh quan đô thị sạch đẹp.
Để làm tốt điều này, từng hộ gia đình có thể làm bằng những việc làm cụ thể như:
- Hợp đồng thu gom rác công lập hoặc dân lập;
- Bỏ rác đúng nơi quy định, nhất là tại các khu vực công cộng;
- Thực hiện 3T (tái sinh - tái chế - tái sử dụng) rác thải đối với các loại như túi nylon, giấy, vỏ chai nhựa..., nhằm giảm lượng rác thải ra môi trường.
- Không vứt rác bừa bãi vào nguồn nước, môi trường đất;
- Đóng rác phí đúng quy định. Theo quy định của UBND tỉnh Tiền Giang thì tiền rác phí thu ở mỗi hộ gia đình là 15.000 đ. Phí này được thu để chi trả cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Hiện nay khoảng phí này thu được không đủ để đáp ứng được các khoảng chi phí, mỗi năm UBND thị xã phải hỗ trợ thêm kinh phí cho hoạt động này, số tiền hỗ trợ khoảng 4 tỷ/năm. Chính vì vậy, việc nộp đúng và đủ rác phí tuy là việc làm nhỏ nhưng qua đó thể hiện được ý thức cùng giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân, và điều này góp phần đảm bảo cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải được duy trì, phát triển đồng thời giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Đối với nước thải: vấn đề quan tâm hiện nay là nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt. Lượng nước thải sinh hoạt phát sinh bằng khoảng 80% lượng nước sinh hoạt sử dụng, khoảng 80 lít/người/ngày. Hầu hết lượng nước thải sinh hoạt hiện nay đều chưa được thu gom và xử lý đúng quy định. Nước thải sinh hoạt phát sinh được xả thải vào các khu vực thấp trũng hoặc hệ thống thoát chung của thị xã và xả thải cuối cùng vào sông Gò Công. Hiện nay nước sông Gò Công đã suy giảm chất lượng ở một số khu vực như cầu Long Chánh, chợ Gò Công.
Đối với nước thải sản xuất: lượng nước thải sản xuất có số lượng lớn và thành phần ô nhiễm cao gồm có nước thải chăn nuôi, bệnh viện, sản xuất bún, cải chua... Hầu hết lượng nước thải này hiện nay đều không được xử lý đúng quy định và thải trực tiếp vào môi trường tiếp nhận và làm ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng một số nơi như kênh 5 Cơ, 3 Quyền. Đời sống nhân dân khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mùi hôi thối của nước ô nhiễm, nhiều bệnh xuất hiện như dị ứng da, lở, sốt xuất huyết...
Để thực hiện tốt việc thu gom và xử lý nước thải góp phần bảo vệ môi trường nước từng hộ gia đình cần phải thực hiện tốt các nội dung sau:
- Xử lý sơ bộ nước thải tại hộ gia đình như có sọt lược rác thải trước khi nước thải thoát vào cống.
- Xử lý nước thải sản xuất đúng quy định, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi.
- Sử dụng hầm tự hoại 2 hoặc 3 ngăn để xử lý nước thải từ nhà vệ sinh.
- Đấu nối ống xả nước thải vào hệ thống thoát nước theo đúng quy định.
Những việc làm tuy đơn giản nhưng góp phần tích cực trong việc giảm thiểu lượng nước thải ô nhiễm nồng độ cao phát sinh, đảm bảo mức độ ô nhiễm của nước thải không vượt quá khả năng chịu tải của môi trường tiếp nhận, góp phần giữ gìn được bền vững tài nguyên nước tại đia phương.
Nguồn: moitruong.com.vn
Sưu tầm: Yến Nhi-P.KTSX
Bài viết liên quan
- Bí quyết giữ đủ nước khi du lịch cho chuyến đi trọn vẹn
- Phụ nữ ngoài 30 nên uống gì đẹp da đẹp dáng giữ mãi tuổi xuân
- 2/9 nên đi đâu chơi ở TPHCM - Top 10 địa điểm cực hot hiện nay
- 2/9 nên du lịch ở đâu dắt nhau đi chữa lành healing tâm hồn
- Lý giải rối loạn điện giải là gì và các cách phòng tránh hiệu quả
- Nước ion kiềm nấu ăn được không khám phá các lợi ích bất ngờ
- Nước điện giải trị bệnh viêm da cơ địa tận dụng sức mạnh tự nhiên
- Các cách kiềm hóa cơ thể bảo vệ sức khỏe ngăn ngừa bệnh tật
- 5 dấu hiệu cơ thể thừa axit và biện pháp cân bằng hiệu quả
- Bí quyết uống nước đúng cách sau khi ăn để bảo vệ sức khỏe
- Các loại nước nên và không nên vào buổi tối cho giấc ngủ ngon
- Bí quyết pha trà bằng nước ion kiềm đặc biệt thơm ngon