Người dân Đắk Lắk vào suối mót nước

Ngoài việc lo cây trồng chết khô, gia đình ông Y Blơ còn đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Các thành viên trong gia đình phải đi hơn 7 km để mót nước ở các con suối.

 

Mua nước tưới cà phê

Ông cho biết rẫy cà phê của gia đình mới tưới được một đợt, do đó cây đang bị héo lá rồi chết dần. Nếu thời tiết nắng nóng kéo dài 1 tháng nữa mà không có mưa thì coi như cà phê chết hết.

Ngoài lo việc thiếu nước cho cây trồng, gia đình ông Y Blơ còn đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Hiện nay, các thành viên trong gia đình ông phải đi hơn 7 km để mót nước ở các con suối chưa trơ đáy.

 

 

Gần 2 ha cà phê của gia đình ông Y Blơ bị khô héo. Ảnh: M. Q

 

“Tuy nhiên do nguồn nước có hạn nên nếu không đến sớm coi như hôm đó không có nước để dùng. Hạn hán khiến gia đình tôi cũng như các hộ khác trong buôn thiếu đói từng ngày”, ông Y Blơ nói.

Tương tự tại xã Ea M’Droh (huyện Cư Mgar) tất cả các hồ, suối đã bị cạn trơ đáy khiến nhiều diện tích cây trồng ở khu vực này rơi vào tình trạng chết cháy.

Dù rẫy ở cách suối Ea M’droh chỉ vài trăm mét nhưng gia đình anh Lý Thanh Tú ở thôn Hợp Hòa (xã Ea M’Droh) vẫn phải đi xin nước để tưới cho gần 5 sào cà phê.

Để chống hạn cho cây trồng, ngoài việc tận dụng những vũng nước còn sót lại dưới suối Ea M’droh, gia đình anh Tú còn phải đi mua nước của các hộ có giếng khoan (với giá 40.000 đồng/giờ bơm) tưới cho cây trồng.

“Do nhu cầu nước tưới cao nên để mua được nước, tôi cũng phải xếp hàng khá lâu. Tính đến nay, vườn cà phê của gia đình mới chỉ tưới đợt 1, vì thế nhiều cây đã bị héo, vàng lá", anh Tú nói.

 

Hơn 90% hộ dân ở xã Ea Sin thiếu đói do hạn hán. Ảnh: M. Q

 

Theo ông Y Yơh Kbuôk - Chủ tịch xã Ea Sin trên địa bàn có 4 hồ trữ nước tưới cho cây trồng của người dân nhưng hiện nay 3 trong số đó đã trơ đáy. Để có nước tưới cho cà phê, các hộ dân phải kéo ống dài hơn 2 km để bơm nước. Tuy nhiên, lượng nước có hạn nên không đáp ứng được nhu cầu là bao.

“Hầu hết, người dân địa phương là đồng bào dân tộc nên hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Hiện nay tình trạng hạn hán kéo dài khiến hơn 90% các hộ dân trên địa bàn thiếu ăn. Để hỗ trợ người dân, xã đã đề xuất UBND huyện và tỉnh cấp kinh phí mua gạo và khảo sát khoan giếng”, ông Y Yơh thông tin.

 

Hàng trăm hồ trơ đáy

Ông Phạm Quang Mười - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cư M’Gar, cho biết địa phương có 66 hồ đập. Tuy nhiên, ngay cả hồ Buôn Yông với dung tích 17 triệu m3 cũng cạn kiệt dẫn đến 10.000 ha cây trồng không có nước tưới hơn 1 tháng nay.

“Để khắc phục tình trạng này, huyện đã dùng kinh phí dự phòng khoan 5 cái giếng phục vụ cho hơn 1.000 hộ dân ở Ea Quế, Ea Tar, Ea Mróh. Địa phương cũng đề xuất xin tỉnh cấp 28 tỷ đồng nạo vét hồ đập”, vị trưởng phòng nói.

Theo một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, nhiều trạm bơm trên địa bàn "đắp chiếu", một số huyện không còn nguồn nước ngầm để khai thác.

Vị lãnh đạo này cho biết thêm, dự kiến tình hình khô hạn có thể kéo dài đến giữa tháng 5. Trong khi đó, hiện tổng dung tích nước các hồ chứa chỉ còn khoảng 145 triệu m3, tập trung chủ yếu ở 3 hồ lớn là Ea Súp Thượng (58 triệu), Krông Buk Hạ (69 triệu) và Buôn Yong (5,5 triệu).

Các hồ chứa nhỏ phần lớn đã cạn, trong đó 118 hồ khô hoàn toàn, mực nước sông xuống thấp. "Các hồ nước trơ đáy dẫn đến 36.961 ha cây trồng bị ảnh hưởng (tăng 5.366 ha so với năm ngoái). Thiệt hại ước tính từ đầu mùa khô đến nay là 1.110 tỷ đồng. Khoảng 21.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt ở hầu hết địa bàn các huyện", vị này thông tin.

Người dân mót nước để tưới cho cây trồng. Ảnh: M. Q

 

Để khắc phục tình trạng hạn hán, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương sử dụng nước tiết kiệm; kiểm tra tu bổ các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại khu dân cư...

 

Nguồn: news.zing.vn

Sưu tầm: Trần Thị My, Tổ hóa

zalo

Đặt hàng online

zalo