QUẢN LÝ NƯỚC SẠCH VÀ CÁC VẤN ĐỀ SỨC KHOẺ
Việc cung cấp đủ nước sạch và an toàn cho ăn uống, sinh hoạt, sản xuất thực phẩm hoặc các mục đích giải trí có ý nghĩa rất quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Cải thiện việc cấp nước, vệ sinh môi trường và quản lý các nguồn tài nguyên nước tốt, có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia và đóng góp đáng kể vào việc xóa đói, giảm nghèo.
Năm 2010, Đại hội đồng Liên hiệp quốc thừa nhận công khai các quyền con người về nước và vệ sinh môi trường. Mọi người đều có quyền được sử dụng nước cho cá nhân và sinh hoạt chung đầy đủ, liên tục, an toàn, dễ tiếp cận và giá cả phải chăng.
Tiếp cận với nước
Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG 7) về nước sạch đã đạt được trên toàn cầu vào năm 2010. Mục tiêu đó là giảm một nửa tỷ lệ dân số thế giới không được tiếp cận với nước sạch. Năm 1990, có 48 quốc gia kém phát triển không đáp ứng được các mục tiêu này, nhưng tới nay nhờ những bước tiến vững chắc, 42 % dân số ở các nước này đã tiếp cận được với nguồn nước sạch đã qua xử lý.
Sự bất bình đẳng về địa lý, văn hóa xã hội và kinh tế vẫn tồn tại, không chỉ giữa các khu vực nông thôn và thành thị, mà còn ở ngay trong các thị trấn và thành phố đối với người dân có thu nhập thấp, các khu định cư không chính thức hoặc bất hợp pháp thường ít được tiếp cận với nguồn nước sạch đã qua xử lý so với những cư dân khác.
Nước và sức khỏe
Nước bị ô nhiễm và vệ sinh môi trường kém có liên quan đến các bệnh truyền nhiễm như dịch tả, tiêu chảy, kiết lỵ, viêm gan A, thương hàn và bệnh bại liệt. Các cá nhân có thể phòng tránh được phơi nhiễm với các nguy cơ do các dịch vụ vệ sinh môi trường và quản lý nước không đầy đủ, hoặc không thích hợp. Điều này đặc biệt đúng đối với các cơ sở chăm sóc y tế, nơi mà cả bệnh nhân và đội ngũ nhân viên y tế phải ở trong môi trường có nguy cơ nhiễm trùng và bệnh tật nhưng các dịch vụ về nước sạch, vệ sinh môi trường và công tác vệ sinh không được đáp ứng. Trên toàn cầu, 15% bệnh nhân bị nhiễm trùng trong thời gian nằm viện, ở các nước thu nhập thấp tỷ lệ này cao hơn nhiều.
Nước ăn uống, sinh hoạt của hàng trăm triệu người đã bị nhiễm bẩn và ô nhiễm hóa chất do việc quản lý nước thải đô thị, nước thải công nghiệp và nông nghiệp không phù hợp.
Ước tính có khoảng 842.000 người chết mỗi năm vì tiêu chảy do không đảm bảo an toàn nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường và vệ sinh tay. Và 361.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết mỗi năm có thể tránh được nếu các yếu tố nguy cơ ô nhiễm nước được giải quyết. Ở những nơi thiếu nước sạch, mọi người thường không rửa tay, do đó làm tăng thêm khả năng tiêu chảy và các bệnh khác.
Tiêu chảy là bệnh được biết đến rộng rãi nhất liên quan đến thực phẩm và nước bị ô nhiễm nhưng còn có những mối nguy hiểm khác. Gần 240 triệu người bị nhiễm bệnh sán máng - một bệnh có tính chất cấp và mãn tính do ký sinh trùng có trong nước bị ô nhiễm.
Ở nhiều nơi trên thế giới, các côn trùng sống, sinh sản trong dụng cụ chứa nước và truyền bệnh như sốt xuất huyết. Một số các loài côn trùng là vectơ truyền bệnh, sinh sản trong dụng cụ chứa nước sạch, chứ không phải là nước bẩn, và các thùng chứa nước sạch hộ gia đình chính là chỗ chúng sinh sản. Do vậy, việc đậy kín các dụng cụ chứa nước tại các hộ gia đình, ngăn các vector sinh sản ở đó là biện pháp can thiệp đơn giản và cũng có thể có lợi ích khác là giảm sự ô nhiễm nước do phân.
Hiệu quả kinh tế và xã hội
Khi nguồn nước được cải thiện và dễ tiếp cận, mọi người chỉ cần tốn ít thời gian và công sức trong việc lấy nước. Điều này cũng giúp cho các cá nhân an toàn hơn do không phải thực hiện những chuyến đi dài hoặc nguy hiểm để lấy nước. Nguồn nước tốt hơn cũng có nghĩa là ít phải chi tiêu về y tế, bởi vì họ ít ốm đau và giảm chi phí chữa bệnh, và có sức khỏe tốt hơn để làm kinh tế.
Đối với trẻ em là đối tượng có nguy cơ đặc biệt sẽ tránh khỏi các bệnh lây truyền qua nước khi tiếp cận với nguồn nước sạch có thể giúp trẻ có sức khỏe tốt hơn và vì vậy mà việc học tập sẽ tốt hơn, mang lại tương lai lâu dài cho cuộc sống của trẻ.
Nguồn nước
Mục tiêu thiên niên kỷ về nước sạch sử dụng thuật ngữ: “các nguồn nước uống đã qua xử lý” hoặc “các nguồn nước uống chưa qua xử lý”. Nhưng những nguồn nước được xử lý không nhất thiết đã là an toàn. Ít nhất 1,8 tỷ người sử dụng nguồn nước sạch bị ô nhiễm phân. Một tỷ lệ đáng kể nước cấp thông qua đường ống bị ô nhiễm, đặc biệt ở nơi việc cung cấp nước không liên tục hoặc xử lý nước không phù hợp. Ngay cả khi nguồn nước tốt, nước có thể bị ô nhiễm trong khi vận chuyển hoặc lưu trữ, đặc biệt là trong điều kiện vệ sinh môi trường không phù hợp.
Những thách thức
Biến đổi khí hậu, tình trạng khan hiếm nước tăng, dân số tăng trưởng, những thay đổi nhân khẩu học và đô thị hóa đã đặt ra những thách thức cho việc cung cấp nước sạch. Đến năm 2025, một nửa dân số thế giới sẽ sống ở các khu vực căng thẳng về nước. Việc tái sử dụng nước thải, thu hồi nước, các chất dinh dưỡng, hoặc năng lượng, đang trở thành một chiến lược quan trọng. Ngày càng có nhiều quốc gia sử dụng nước thải để tưới - tại các nước đang phát triển, diện tích đất được sử dụng nước thải để tưới chiếm 7%. Nếu việc sử dụng nước thải không phù hợp để tưới tiêu sẽ gây ra nguy cơ cho sức khỏe, quản lý an toàn nước thải có thể đem lại nhiều lợi ích, bao gồm tăng sản phẩm lương thực.
Việc chọn lựa nguồn nước sử dụng làm nước sạch và nước tưới sẽ tiếp tục phát triển, bằng cách dựa vào nguồn nước ngầm và nguồn nước thay thế khác, bao gồm cả nước thải. Biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến những biến động về lượng nước mưa thu được. Quản lý tất cả các tài nguyên nước sẽ cần phải được cải thiện để đảm bảo cho việc cung cấp và chất lượng nước.
Phản ứng từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO)
Với vai trò là cơ quan có thẩm quyền quốc tế về y tế công cộng và chất lượng nước, WHO hướng dẫn các nỗ lực toàn cầu để ngăn ngừa sự lây truyền bệnh qua đường nước, tư vấn cho chính phủ về việc phát triển các mục tiêu và quy chuẩn về những vấn đề sức khỏe cơ bản.
WHO xây dựng một loạt các nguyên tắc về chất lượng nước, bao gồm nước uống, sử dụng an toàn nước thải và nước giải trí. Các nguyên tắc chất lượng nước dựa trên việc quản lý những nguy cơ, và từ năm 2004, các hướng dẫn về chất lượng nước sạch bao gồm việc thúc đẩy các kế hoạch an toàn nước bằng cách xác định và ngăn ngừa những nguy cơ trước khi nước bị ô nhiễm. Năm 2015, WHO giới thiệu các khái niệm về kế hoạch vệ sinh an toàn nước để hỗ trợ thực hiện các hướng dẫn xử lý nước thải. WHO tiến hành thúc đẩy các hoạt động quản lý và đánh giá nguy cơ trong tất cả các nhóm, bao gồm các nhà cung cấp nước uống, các công ty xử lý nước thải, nông dân, cộng đồng và cá nhân.
Kể từ năm 2014, WHO đã thử nghiệm các sản phẩm xử lý nước tại hộ gia đình, dựa vào các tiêu chí về sức khỏe của WHO thông qua Đề án quốc tế của WHO về Đánh giá kỹ thuật xử lý nước tại hộ gia đình. Mục tiêu của Đề án là để đảm bảo rằng các sản phẩm được phân phối, bảo vệ người tiêu dùng khỏi các mầm bệnh gây ra bệnh tiêu chảy và tăng cường chính sách, quy định và các cơ chế giám sát ở cấp độ quốc gia nhằm hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phù hợp và sử dụng đúng các sản phẩm đó.
WHO phối hợp chặt chẽ với UNICEF trong một số lĩnh vực liên quan đến nước và sức khỏe. Ví dụ, việc thống nhất các kế hoạch hành động toàn cầu để chấm dứt các trường hợp tử vong trẻ em có thể phòng ngừa được do bệnh viêm phổi và tiêu chảy vào năm 2025 (GAPPD) đưa ra một số mục tiêu dự phòng và điều trị, bao gồm mục tiêu năm 2030 các cơ sở chăm sóc y tế và hộ gia đình tiếp cận được nước sạch. Các phương tiện thực hiện cho công việc trong các cơ sở chăm sóc y tế đã cắt giảm qua một số lĩnh vực y tế, bao gồm mức độ bao phủ y tế chất lượng, và hai cơ quan này đã thiết lập một kế hoạch làm việc để từng bước tiến tới tiếp cận nước sạch ở mức phổ cập tại cơ sở, quốc gia và toàn cầu
Nguồn: iph.org.vn
Nguồn: Mỹ Lan - TT XVNT
Bài viết liên quan
- Bí quyết giữ đủ nước khi du lịch cho chuyến đi trọn vẹn
- Phụ nữ ngoài 30 nên uống gì đẹp da đẹp dáng giữ mãi tuổi xuân
- 2/9 nên đi đâu chơi ở TPHCM - Top 10 địa điểm cực hot hiện nay
- 2/9 nên du lịch ở đâu dắt nhau đi chữa lành healing tâm hồn
- Lý giải rối loạn điện giải là gì và các cách phòng tránh hiệu quả
- Nước ion kiềm nấu ăn được không khám phá các lợi ích bất ngờ
- Nước điện giải trị bệnh viêm da cơ địa tận dụng sức mạnh tự nhiên
- Các cách kiềm hóa cơ thể bảo vệ sức khỏe ngăn ngừa bệnh tật
- 5 dấu hiệu cơ thể thừa axit và biện pháp cân bằng hiệu quả
- Bí quyết uống nước đúng cách sau khi ăn để bảo vệ sức khỏe
- Các loại nước nên và không nên vào buổi tối cho giấc ngủ ngon
- Bí quyết pha trà bằng nước ion kiềm đặc biệt thơm ngon