Thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm hàng quán trước cổng bệnh viện
An toàn thực phẩm trước cổng các bệnh viện là vấn đề luôn được dư luận xã hội quan tâm bởi sự ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân- nhất là trong những ngày hè nắng nóng như hiện nay. Do vậy rất cần có sự lựa chọn thực phẩm an toàn của người tiêu dùng cũng như sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng nhằm hạn chế mức thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Trong thời gian qua, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh các biện pháp quản lý và tuyên truyền nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh về vấn đề an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc đảm bảo vệ sinh tại các hàng quán ăn nói chung, trước cổng các cơ sở khám chữa bệnh nói riêng trên địa bàn tỉnh vẫn không có sự chuyển biến đáng kể. Tại cổng một số bệnh viện, hàng ngày có khá đông bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ra ăn uống và mua đồ ăn tại các quán ăn bên ngoài bệnh viện. Theo quan sát của phóng viên, trước cổng bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La có khoảng gần 10 hàng quán ăn, sạp bán thức ăn chín với rất nhiều món ăn trông hấp dẫn nhưng không được che chắn như thế này. Đồ đựng thức ăn sơ sài, ít được che đậy cẩn thận và người bán cũng không sử dụng găng tay khi lấy thức ăn cho khách, chưa kể đến việc bày bán gây mất mỹ quan đô thị và trật tự an toàn giao thông. Bệnh viện và vùng lân cận xung quanh là nơi môi trường dễ bị ô nhiễm nhất, trong đó phải kể đến vi trùng của các loại bệnh tật truyền nhiễm dễ phát tán trong không gian nếu như không được xử lý tốt từ khâu rác thải y tế; cùng với đó là bụi bặm từ đường phố, điều đó tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh cao. Những người phải sử dụng đồ ăn ở đây cũng rất lo ngại về vấn đề vệ sinh thực phẩm nhưng do phải nằm viện hoặc đi chăm sóc người bệnh, nhà xa nên không còn cách nào khác. Giá cả thức ăn bày bán ở đây nhìn chung chỉ ở mức bình dân, cơ bản phù hợp với túi tiền của người dân nhưng còn về chất lượng thì không có ai có thể dám chắc nó được chế biến từ thực phẩm tươi ngon và không bụi bặm.
Chị Lò Thị Thương – Mường Bú, Mường La, Sơn La: Nếu mình mua cho 3 người ăn thì hết khoảng 40 nghìn, nếu ăn suất một mình thì 30 nghìn sẽ tốn kém hơn , ăn cũng không đủ chất, mình chỉ chọn mỗi thứ 1 ít ăn đủ là được rồi … chất lượng sản phẩm tuy chưa được tốt lắm nhưng vẫn ăn được.
Theo quy định của luật An toàn thực phẩm, thức ăn đường phố phải đảm bảo các tiêu chí như phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm; phải được bày bán trên bàn, giá, kệ; phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố; phải có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại. Khi được hỏi về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đa số các chủ quầy hàng bán thức ăn ở đây đều khẳng định thức ăn của mình vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với lý do là chưa có ai từng bị ngộ độc sau khi ăn thức ăn tại quầy hàng của họ. Nhưng những hình ảnh này cũng có thể thấy thực trạng ở một số quầy hàng bán thức ăn chín hiện nay. Bên cạnh đó, những gánh hàng rong trước cổng bệnh viện cũng là vấn đề gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, khi chúng tôi có mặt ghi hình thì những người bán hàng rong đều bỏ hàng lánh mặt đi chỗ khác.
Anh Phạm Đức Thân – Chủ quán cơm: Quán nhà mình thì đầy đủ hết điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng theo các quán bên cạnh nên có tủ kính nhưng mình lại bỏ ra sợ không bán được hàng. Sau này mình sẽ khắc phục dần dần, vẫn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện giờ được 50-60% nhưng sau này sẽ lên 90%.
Tại bệnh viện Lao và bệnh Phổi Sơn La, trước cổng bệnh viện cũng có vài quán cơm phục vụ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Ở đây vấn đề môi trường lại càng quan trọng hơn bởi đây là khu vực điều trị những căn bệnh lây nhiễm nguy hiểm như Lao, Phổi, trong đó có điều trị cho cả những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Những quán cơm này đều được mở ngay tại nhà riêng. Bên cạnh những gia đình phục vụ có trách nhiệm,nấu ăn sạch sẽ, an toàn thì còn không ít chủ quán sử dụng thực phẩm không an toàn để nấu ăn cho khách nhằm kiếm lời mà bất chấp tính mạng người khác ra sao. Khi được hỏi, các chủ quán vẫn luôn khẳng định về thực phẩm của mình:
Chị Nguyễn Thị Hoa – Chủ quán cơm: Để đảm bảo an toàn thực phẩm thì chúng tôi cũng mua đồ sống, đồ tươi về, tôi cũng làm vệ sinh sạch sẽ, khử hết nước hôi mới cho lên nấu xào cho bệnh nhân ăn, làm cho nhà mình ăn luôn. Từ ngày làm đến giờ chưa có ai kêu ca gì, bệnh nhân ai cũng quý, đi rồi nhưng khi quay lại viện vẫn đến quán mình ăn đều.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nếu thực phẩm đường phố không bảo đảm an toàn, có thể dẫn đến 2 nguy cơ trước mắt và lâu dài. Trước mắt, nếu thực phẩm bị nhiễm bẩn hay thực phẩm nhiễm hóa chất như có các chất tạo màu, chống thối, các chất bảo quản, có thể gây tình trạng ngộ độc thức ăn cấp tính với các biểu hiện đau bụng, nôn và tiêu chảy, có thể có sốt hoặc không sốt. Nguy cơ lâu dài do các hóa chất được tẩm, ngâm trong thực phẩm tích tụ trong cơ thể dễ gây một số bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư. Tuy vậy, do điều kiện phải điều trị bệnh tật nặng, lại xa nhà không có điều kiện nấu nướng nên các bệnh nhân và người nhà bắt buộc phải sử dụng thức ăn tại các quán cơm cổng viện mặc dù không khỏi lo lắng ái ngại vì không rõ nguồn gốc thức ăn.
Chị Cà Thị Vàng – xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, Sơn La: Cũng ăn được nhưng mà ăn vào cũng khó ở chút, cũng không sạch sẽ mấy, mình không thấy người ta làm mà, không có chỗ làm ăn thì mình phải mua thôi.
Để bảo vệ sức khỏe cho người dân nhất là trong lĩnh vực ăn uống, bên cạnh ý thức, trách nhiệm và lương tâm của những người bán hàng thì cũng rất cần sự lựa chọn thông thái của những người tiêu dùng trong việc sử dụng thực phẩm chín sẵn; đồng thời phải chú trọng đẩy mạnh công tác kiểm tra kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng.
Ông Trần Văn Ngọc – Phó Giám đốc Sở Y tế Sơn La: Thực trạng vấn đề này trước các cơ sở khám chữa bệnh là điều rất đáng lo ngại, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra giám sát, tuyên truyền cho nhân dân, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, yêu cầu kí cam kết khi sản xuất, chế biến, buôn bán thực phẩm đường phố. Cần sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành, cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh buôn bán thực phẩm.
Ông Đặng Mạnh Hà – Giám đốc Trung tâm y tế Thành phố Sơn La, Sơn La: Để giải quyết tình trạng này, trước hết việc đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm của ngành y tế, tuy nhiên trách nhiệm của các cơ sở khám chữa bệnh và các địa phương có bệnh viện đóng trên địa bàn cũng cần phải quyết liệt vào việc nhắc nhở, xử lý và chúng tôi cũng có những việc bàn bạc với đội quy tắc đô thị đảm bảo vừa ATVSTP vừa đảm bảo mỹ quan trên địa bàn thành phố để người dân được hưởng lợi từ các cơ sở kinh doanh ATVSTP, trước hết các cơ sở buôn bán nhỏ chúng tôi tuyên truyền để nâng cao ý thức của họ để phục vụ tốt hơn… càng giảm được việc ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thực phẩm đặc biệt là thực phẩm chín và thức ăn đường phố là điều quan trọng đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Hiện đang vào giữa hè, với thời tiết khí hậu nắng nóng, mưa ẩm bất thường là môi trường thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển và sinh sôi. Các chủ hàng quán ăn hãy vì sức khỏe cộng đồng, đảm bảo nguồn thực phẩm sạch sẽ, an toàn để phục vụ người tiêu dùng, trong đó trực tiếp là vì sức khỏe của những người bệnh và người nhà bệnh nhân khi họ đang phải chịu nhiều vất vả đi điều trị bệnh và chăm sóc người thân tại các bệnh viện./.
Cao Nguyên
Sau đây chúng tôi xin chuyển đến quý vị và các bạn một số điều từ thông tư số 30 của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI CƠ SỞ KINH DOANH DỊCH VỤ ĂN UỐNG
Điều 6. Đối với cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín
1. Cơ sở bố trí ở địa điểm cách xa các nguồn ô nhiễm.
2. Nơi chế biến, nơi bán thức ăn ngay, thực phẩm chín phải sạch sẽ, thoáng mát, tách biệt nhau để dễ vệ sinh và không gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh.
3. Nước sử dụng để chế biến thức ăn ngay, thực phẩm chín phải đủ và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01:2009/BYT; nước để sơ chế nguyên liệu, vệ sinh dụng cụ, rửa tay phải đủ và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 02:2009/BYT; nước đá sử dụng trong pha chế đồ uống phải được sản xuất từ nguồn nước phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01:2009/BYT.
4. Có đủ dụng cụ chế biến, chia, gắp, chứa đựng, bảo quản thức ăn ngay, thực phẩm chín và phải được rửa sạch, lau khô trước khi sử dụng; trang bị găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn ngay, thực phẩm chín; vật liệu, bao gói thức ăn ngay, thực phẩm chín phải bảo đảm an toàn thực phẩm.
5. Nguyên liệu dùng để chế biến, thức ăn ngay, thực phẩm chín phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, bảo đảm an toàn theo quy định; chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng do Bộ Y tế ban hành.
6. Thức ăn ngay, thực phẩm chín phải được để trong tủ kính, thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi nhặng, bụi bẩn, côn trùng, động vật gây hại và phải cao hơn mặt đất ít nhất 60cm.
7. Đối với chủ cơ sở, người trực tiếp kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín tuân thủ theo các yêu cầu quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 7 Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12 tháng 09 năm 2012 của Bộ Y tế quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
8. Cơ sở phải có đủ dụng cụ chứa đựng rác thải và được chuyển đi trong ngày; nước thải được thu gom vào hệ thống cống rãnh công cộng và không được gây ô nhiễm môi trường.
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI KINH DOANH THỨC ĂN ĐƯỜNG PHỐ
Điều 7. Địa điểm, trang thiết bị, dụng cụ
1. Bố trí kinh doanh ở khu vực công cộng (bến xe, bến tầu, nhà ga, khu du lịch, khu lễ hội, khu triển lãm), hè đường phố; nơi bày bán thực phẩm cách biệt các nguồn ô nhiễm; bảo đảm sạch sẽ, không làm ô nhiễm môi trường xung quanh.
2. Trường hợp kinh doanh trên các phương tiện để bán rong phải thiết kế khoang chứa đựng, bảo quản thức ăn ngay, đồ uống bảo đảm vệ sinh, phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng gây hại.
3. Nước để chế biến đơn giản đối với thức ăn ngay, pha chế đồ uống phải đủ số lượng và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01:2009/BYT; nước để sơ chế nguyên liệu, vệ sinh dụng cụ, rửa tay phải đủ và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 02:2009/BYT; có đủ nước đá để pha chế đồ uống được sản xuất từ nguồn nước phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01:2009/BYT.
4. Có đủ trang thiết bị, dụng cụ để chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn ngay; có đủ dụng cụ ăn uống, bao gói chứa đựng thức ăn bảo đảm vệ sinh; có đủ trang bị che đậy, bảo quản thức ăn trong quá trình vận chuyển, kinh doanh và bảo đảm luôn sạch sẽ; bàn ghế, giá tủ để bày bán thức ăn, đồ uống phải cách mặt đất ít nhất 60 cm.
5. Thức ăn ngay, đồ uống phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh và phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng xâm nhập.
6. Người bán hàng phải mang trang phục sạch sẽ và gọn gàng; khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, đồ uống ăn ngay phải dùng găng tay sử dụng 1 lần.
7. Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định.
8. Trang bị đầy đủ, sử dụng thường xuyên thùng rác có nắp, túi đựng để thu gom, chứa đựng rác thải và phải chuyển đến địa điểm thu gom rác thải công cộng trong ngày; nước thải phải được thu gom và bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường nơi kinh doanh.
Điều 8. Đối với người kinh doanh thức ăn đường phố
1. Người kinh doanh thức ăn đường phố phải tập huấn và được cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định.
2. Người kinh doanh thức ăn đường phố phải được khám sức khoẻ và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ theo quy định. Việc khám sức khoẻ và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ do các cơ quan y tế từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên thực hiện.
3. Người đang mắc các bệnh hoặc chứng bệnh thuộc danh mục các bệnh hoặc chứng bệnh truyền nhiễm mà người lao động không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm đã được Bộ Y tế quy định thì không được tham gia kinh doanh thức ăn đường phố. /.
Nguồn: sonlatv.vn
Sưu tầm: Vũ Lâm – Tổ Bảo trì
Bài viết liên quan
- Bí quyết giữ đủ nước khi du lịch cho chuyến đi trọn vẹn
- Phụ nữ ngoài 30 nên uống gì đẹp da đẹp dáng giữ mãi tuổi xuân
- 2/9 nên đi đâu chơi ở TPHCM - Top 10 địa điểm cực hot hiện nay
- 2/9 nên du lịch ở đâu dắt nhau đi chữa lành healing tâm hồn
- Lý giải rối loạn điện giải là gì và các cách phòng tránh hiệu quả
- Nước ion kiềm nấu ăn được không khám phá các lợi ích bất ngờ
- Nước điện giải trị bệnh viêm da cơ địa tận dụng sức mạnh tự nhiên
- Các cách kiềm hóa cơ thể bảo vệ sức khỏe ngăn ngừa bệnh tật
- 5 dấu hiệu cơ thể thừa axit và biện pháp cân bằng hiệu quả
- Bí quyết uống nước đúng cách sau khi ăn để bảo vệ sức khỏe
- Các loại nước nên và không nên vào buổi tối cho giấc ngủ ngon
- Bí quyết pha trà bằng nước ion kiềm đặc biệt thơm ngon